Xe chở khách dưới 9 chỗ sẽ được coi là taxi?
Sau một thời gian trình Dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô (thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vẫn đang chờ ý kiến từ Chính phủ. Nếu lần này đề xuất phương án của Bộ GTVT được chấp thuận, thì tới đây, tất cả xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng dưới 9 chỗ mà ứng dụng hợp đồng điện tử sẽ được coi là xe taxi.
Được biết, trong vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo, cuối tháng 1-2019, tại báo cáo số 1077/BGTVT-VT, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ kết quả tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ đối với Dự thảo Nghị định và Dự thảo Nghị định sau khi chỉnh sửa.
Đây là phiên bản Dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô lần thứ 6 được Bộ GTVT trình Chính phủ tính từ khi việc hiệu chỉnh, bổ sung những bất cập tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP được chính thức khởi động vào năm 2016.
Cụ thể, các thành viên Chính phủ sẽ biểu quyết, cho ý kiến đối với 2 phương án được Bộ GTVT đề xuất để quản lý xe chở khách dưới 9 chỗ: Phương án 1 - quản lý xe chở khách dưới 9 chỗ có ứng dụng phần mềm là xe taxi (không có xe sử dụng hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ); Phương án 2 - quản lý xe chở khách dưới 9 chỗ được sử dụng hợp đồng điện tử, đồng thời xe taxi được sử dụng phần mềm tính tiền kết nối với hành khách.
Tại Báo cáo số 1077/BGTVT-VT, Bộ GTVT cho biết, trong tổng số 27 phiếu gửi xin ý kiến, có 26 thành viên Chính phủ đã có ý kiến. Kết quả, 26/26 thành viên Chính phủ thống nhất biểu quyết thông qua Dự thảo Nghị định để ban hành, trong đó 15/26 thành viên Chính phủ chọn phương án 2; 8/26 thành viên Chính phủ chọn phương án 1; 3/26 thành viên Chính phủ không chọn phương án nào và đề nghị đưa ra quy định riêng cho loại hình mới (không phải là taxi, cũng không phải là xe hợp đồng).
Theo đề xuất của Bộ GTVT, xe hợp đồng dưới 9 chỗ được coi là xe taxi. |
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay, quá trình tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, Bộ GTVT đã chủ trì mời Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, Hiệp hội Taxi của Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ để tiếp thu vấn đề liên quan đến quản lý hoạt động xe taxi và xe hợp đồng điện tử.
“Hiện tại, hai quan điểm khác nhau về việc quản lý xe ôtô kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ ứng dụng hợp đồng điện tử (là xe taxi hay là xe hợp đồng) vẫn đang là vấn đề còn nhiều vướng mắc, do mỗi phương án đều có những ưu điểm và hạn chế khi đưa ra để quản lý, tác động rất lớn đến xã hội và hoạt động kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp hợp tác xã”, Bộ trưởng Thể cho biết.
Nếu thuận theo Nghị định về quy chế làm việc của Chính phủ, trong đó có quy định, Chính phủ quyết định theo nguyên tắc đa số đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì phương án 2 sẽ được lựa chọn để quyết định “thân phận” các xe ôtô kinh doanh chở khách dưới 9 chỗ. Thế nhưng, qua quá trình thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử, Bộ GTVT nhận thấy, phương thức hoạt động của các xe sử dụng hợp đồng điện tử tương đối giống với xe taxi (phạm vi hoạt động chủ yếu trong đô thị, đối tượng khách hàng, phương thức gọi xe…).
Mặc dù việc quy định là xe taxi hiện còn có những hạn chế (bao gồm cả việc chưa phù hợp với một số luật hiện nay) như đã nêu trên, nhưng Bộ GTVT cho biết là cơ bản đáp ứng được việc không triệt tiêu ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, tạo thuận lợi cho công tác quản lý và không ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân.
“Trên cơ sở kết quả thí điểm và những nét tương đồng giữa xe taxi với xe dưới 9 chỗ ứng dụng hợp đồng điện tử, để tăng cường công tác quản lý đối với xe dưới 9 chỗ chở khách, việc chọn phương án quản lý áp dụng quy định tất cả các xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng dưới 9 chỗ mà ứng dụng hợp đồng điện tử là xe taxi là phù hợp nhất với bối cảnh thực tế hiện nay”, Bộ GTVT nêu rõ.
Trước đó, theo một số chuyên gia, hiện không một quốc gia nào trên thế giới đưa ra giải pháp bắt buộc xe hợp đồng đã được cấp phép hoạt động chuyên nghiệp phải chuyển đổi sang loại hình taxi, chỉ vì doanh nghiệp muốn ứng dụng công nghệ. Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải đang kinh doanh vận tải theo hợp đồng bằng xe dưới 9 chỗ, nếu chuyển đổi, sẽ phải chịu chi phí chuyển đổi phù hiệu xe hợp đồng thành xe taxi và chi phí lắp đèn, mào taxi…
Ông Đặng Quang Vinh, Phó trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phân tích, Dự thảo Nghị đinh thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP đề xuất một sự thay đổi chính sách rất lớn.
Khi xem xét Dự thảo Nghị định này, Chính phủ nên đứng từ nhiều góc độ để hiểu rõ tác động tiềm tàng của quy định, trong đó, phải đặt quyền lợi của người tiêu dùng làm trung tâm. Cần có các giải pháp tổng thể, cơ bản và lâu dài cho các mô hình kinh doanh mới, dựa trên công nghệ, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.