Xe buýt Hà Nội: Khách giảm sâu nhưng không lơ là phòng, chống dịch

Thứ Sáu, 21/08/2020, 07:51
Liên quan đến việc phòng tránh nguy cơ dịch COVID-19 lây lan trên xe buýt, nhằm đảm bảo an toàn lái xe cũng như an toàn sức khoẻ đối với người dân, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Thuỷ - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội.


PV: Xin ông cho biết, từ khi có một nhân viên của đơn vị dương tính với COVID-19, đến nay đơn vị đã thực hiện việc cách ly như thế nào để phòng tránh nguy cơ dịch bệnh lây lan?

Ông Nguyễn Thuỷ: Ngay sau khi được thông báo về ca nhiễm mới là cán bộ nhân viên phòng kế hoạch điều độ Xí nghiệp Xe buýt 10-10 (đơn vị trực thuộc của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội). Tổng Công ty chúng tôi đã chủ động tích cực và vào cuộc ngay phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành các công việc cần thiết. Trong đó xác định lịch sử dịch tễ, quá trình di chuyển và tiếp xúc của bệnh nhân để cung cấp cho cơ quan chức năng, Bộ Y tế.

Phối hợp với chính quyền và y tế quận thực hiện khử trùng toàn bộ cơ quan trụ sở, văn phòng làm việc và đoàn phương tiện xe buýt của Xí nghiệp buýt 10-10. Lập danh sách toàn bộ cán bộ, nhân viên tiếp xúc trực tiếp với ca nhiễm (36 người) để cách ly ngay và đưa đi cách ly tập trung tại địa điểm cách ly của thành phố Trường nghề công nghệ cao HN (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Việc khử khuẩn trên xe buýt để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch thường xuyên được thực hiện.

Tiếp tục truy vết để xác định các trường hợp thuộc diện tiếp xúc F2, F3. Toàn bộ các đối tượng F1 cách ly hiện sức khỏe ổn định và đang tiến hành các thủ tục xét nghiệm theo quy định, tâm lý ổn định và chủ động thông báo cho người thân, gia đình bạn bè để củng cố tinh thần và niềm tin chống dịch.  Các đơn vị đã rà soát, lập danh sách những trường hợp tiếp xúc các đối tượng thuộc diện F1, F2 để yêu cầu chủ động thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế, theo dõi sức khỏe cá nhân hoặc tự cách ly theo quy định, khi có dấu hiệu bất thường hoặc biểu hiện liên quan đến dịch bệnh thì chủ động cung cấp thông tin cần thiết cho cơ quan chức năng, Bộ Y tế để được hỗ trợ kịp thời. Đến nay, các trường hợp tiếp xúc với ca nhiễm cơ bản đã có kết quả sàng lọc chuyên sâu và âm tính với COVID-19.

PV: Thưa ông, trước tình trạng diễn biến bệnh phức tạp, đơn vị đã có những việc làm, giải pháp cụ thể gì để hỗ trợ, cũng như khuyến cáo hành khách đi xe buýt được an toàn hơn?

Ông Nguyễn Thuỷ: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngay từ đầu phát dịch bệnh giai đoạn 2, Tổng Công ty đã tái khởi động các hoạt động chống dịch trong toàn Tổng Công ty. Cụ thể là: Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã lập danh sách toàn bộ cán bộ, nhân viên, người lao động từng đi và đến Đà Nẵng, Quảng Ngãi trong thời gian từ đầu tháng 7 để có khuyến cáo, kiểm soát, theo dõi tình hình sức khỏe. Tổng Công ty đã ra văn bản thông báo đến toàn bộ các đơn vị trong TCT nâng cao tầm cảnh báo về nguy cơ lây lan dịch bệnh trong nội bộ đơn vị và TCT, chủ động nắm bắt diễn biến dịch bệnh để linh hoạt điều hành sản xuất kinh doanh trên nguyên tắc vừa chống dịch là hàng đầu nhưng vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất.

Các đơn vị đẩy mạnh các giải pháp chống dịch chủ động theo yêu cầu và khuyến cáo của các cơ quan chức năng và Bộ Y tế như: Trang bị và yêu cầu người lao động đeo khẩu trang đầy đủ mọi lúc, mọi nơi trong thời gian làm việc, kiểm tra theo dõi thân nhiệt hằng ngày đối với toàn bộ người lao động (đặc biệt là đội ngũ công nhân lái xe và nhân viên phục vụ trên xe phải đo thân nhiệt trước khi nhận ca), đồng thời hàng ngày phun khử khuẩn tại trụ sở cơ quan đơn vị, trên các phương tiện vận tải, xe buýt…

Trên các phương tiện vận tải, xe buýt đều được trang bị nước rửa tay khử khuẩn và vệ sinh xe thường xuyên sau mỗi ca làm việc. Trên mỗi xe đều dán thông báo để khuyến cáo hành khách đi xe buýt chủ động đeo khẩu trang để phòng chống dịch cho bản thân và cộng đồng. Tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông báo chí và Fanpage và Website của Tổng Công ty về phòng chống dịch trên xe buýt để hành khách đi xe buýt nắm bắt thông tin trước khi lên xe.

PV: Về phía hành khách, trong quá trình phục vụ, đơn vị có gặp khó khăn gì không? Có hay không tình trạng hành khách phản đối thực hiện việc đeo khẩu trang, thực hiện ghế ngồi giãn cách khi lên xe buýt?

Ông Nguyễn Thuỷ: Trong quá trình phục vụ hành khách đi xe buýt, mỗi công nhân lái xe và nhân viên bán vé đều phải đeo khẩu trang đầy đủ, hành khách lên xe đều được nhắc nhở rửa tay bằng nước khử khuẩn ( được trang bị trên mỗi xe) và phải đeo khẩu trang thì mới được lên xe buýt. Tuy nhiên, một số trường hợp hành khách lên xe không đeo khẩu trang, thì nhân viên phục vụ trên xe sẽ nhắc nhở, khuyến cáo việc đeo khẩu trang để phòng chống dịch cho bản thân và cộng đồng, trường hợp hành khách không thực hiện các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo, nếu cần thiết có thể từ chối phục vụ. Trên các chuyến xe, nhân viên phục vụ trên xe thường xuyên nhắc nhở hành khách không nói chuyện, hoặc ngồi/đứng giãn cách nhau trong trường hợp khách không quá đông.

PV: Thực tế, lượng khách từ đầu năm đến nay có sụt giảm không, thưa ông? Nếu có sụt giảm thì giảm khoảng bao nhiêu so với cùng kỳ năm ngoái?

Ông Nguyễn Thuỷ: Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, sản lượng hành khách từ sau Tết đến nay sụt giảm sâu. Tính trong 3 tháng trở lại đây sau khi kết thúc cách ly xã hội (từ tháng 5 đến nay), bình quân mỗi tháng giảm 35-40% khách vé lượt và lượng khách đi lại thường xuyên bằng vé tháng giảm 30-35%. Ngoài yếu tố do dịch COVID-19 thì sản lượng vé tháng 1 phần còn do số lượng hành khách sử dụng vé miễn phí (người cao tuổi, người có công…) tăng lên theo chủ trương của Thành phố.

PV: Theo ông đâu là những khó khăn mà Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã, đang và sẽ phải đối mặt từ nay đến cuối năm? Những khó khăn này liệu sẽ ảnh hưởng thế nào đến chất lượng phục vụ hành khách?

Ông Nguyễn Thuỷ: Những khó khăn chính mà đơn vị chúng tôi sẽ gặp phải liên quan đến hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ. Trong đó, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, với tâm lý e ngại của hành khách khi sử dụng các dịch vụ công cộng nói chung, và với xe buýt thì hành khách cũng phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh khi tham gia đi lại, điều này dẫn tới sản lượng vận chuyển xe buýt bị sụt giảm nghiêm trọng, kéo theo hệ lụy giảm chỉ tiêu doanh thu, doanh thu thực hiện không thể đạt kế hoạch đề ra, phần doanh thu thiếu hụt so với kế hoạch cũng như so với chỉ tiêu đấu thầu, thực tế tổng công ty sẽ phải bù đắp, gây nên dẫn tới khó khăn và áp lực lớn về vấn đề tài chính và dòng tiền cho tổng công ty.

Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp thì vấn đề đặt ra là cần phải điều chỉnh chỉ tiêu doanh thu cho xe buýt để hỗ trợ, giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp, Sở GTVT cũng đang tiến hành khảo sát để xây dựng đề xuất phương án điều chỉnh báo cáo thành phố. Về chất lượng dịch vụ và công tác vận hành, trước các yêu cầu về đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của cơ quan chức năng, Tổng Công ty cũng phải thực hiện nhiều các giải pháp, biện pháp để đảm bảo an toàn cho nhân viên cũng như hành khách, điều này cũng sẽ ảnh hưởng phần nào đến công tác đảm bảo chất lượng phục vụ so với các tiêu chuẩn về thuận tiện cho hành khách so với trước đây, bên cạnh đó là một số chi phí phát sinh cần thiết.

Ngoài ra, cũng có những trường hợp hành khách chưa thực sự đồng cảm với những nỗ lực phòng, chống dịch cũng như các biện pháp nhắc nhở đảm bảo an toàn chung của lực phương phục vụ cũng gây nên những sự cố nhất định trong quá trình vận hành xe buýt, có nhưng vụ việc cũng đã phải từ chối phục vụ hành khách do không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch.

PV: Trước những khó khăn này thì kế hoạch mở rộng các tuyến buýt có bị ảnh hưởng?

Ông Nguyễn Thuỷ: Việc mở mới luồng tuyến là chức năng quản lý của Sở GTVT và theo quy định thì các tuyến mở mới đều thực hiện theo hình thức đấu thầu, Tổng Công ty cũng đang nghiên cứu lựa chọn các tuyến tham gia theo kế hoạch đấu thầu của Sở. Tuy nhiên với những khó khăn về nguồn kinh phí cho hoạt động buýt nêu trên, việc bố trí kinh phí để mua sắm phương tiện để tham gia các tuyến buýt đấu thầu mở mới từ nay đến cuối năm 2020 cũng là một thách thức không nhỏ đối với Tổng Công ty.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phạm Huyền (thực hiện)
.
.
.