Cần thận trọng khi thêm làn ưu tiên cho xe buýt Hà Nội
- Giải tỏa ùn tắc giao thông tại 7 điểm phức tạp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh
- Giải quyết ùn tắc giao thông: Đừng đẩy khó cho dân
Tuy nhiên, hơn 1 tháng qua, dư luận vẫn đang đặt những câu hỏi hoài nghi về giải pháp này bởi trước đây Hà Nội đã từng thực hiện làn đường dành riêng cho xe buýt, song kết quả không như mong đợi.
Muốn tách làn phải cân đối nhiều vấn đề
Việc phân làn dành riêng cho xe buýt liệu có khả thi nếu tình trạng ùn tắc tiếp diễn. |
Tiến sĩ Phan Lê Bình (giảng viên Đại học Việt Nhật) cho rằng việc mở làn đường ưu tiên cho xe buýt nên được thực hiện sớm và "lẽ ra Hà Nội phải làm đồng bộ từ 10 năm trước". Nếu đợi đủ mọi điều kiện về hạ tầng mới phân làn đường cho xe buýt thì sẽ không bao giờ thực hiện được.
Song trên thực tế, khó khăn hiện nay là, Hà Nội dù có trên 100 tuyến buýt nhưng chỉ có tuyến BRT là có đường dành riêng, phần lớn buýt cùng chạy chung đường với phương tiện hỗn hợp, đây là thực trạng rất khó để buýt hoàn thành sứ mệnh được giao.
Một bài học khác là trước đó, năm 2008 – 2013, Hà Nội có 5,3km đường ưu tiên cho xe buýt trên trục Nguyễn Trãi – Thanh Xuân, nhưng năm 2014 đã bị loại bỏ khi xây dựng tuyến đường sắt trên cao. Hiện nay, Hà Nội duy nhất chỉ có 1,3 km đường dành riêng cho xe buýt tại dải giữa đường Yên Phụ trên tổng số 500km đường giao thông của Thủ đô.
Ngoài ra, cuối năm 2016, Hà Nội khai trương tuyến khai buýt nhanh (Bus Rapid Transit - BRT) Kim Mã - Yên Nghĩa với quãng đường khoảng 14,7km từ Kim Mã xuống Yên Nghĩa với làn đường ưu tiên. Tuy nhiên, tuyến BRT này cũng có nhiều đoạn BRT đi chung với các phương tiện giao thông khác. Tuyến BRT số hai Kim Mã - Hoà Lạc được lên kế hoạch mở vào năm 2017 sau đó được thay thế bằng xe buýt thường.
Thạc sỹ Vũ Anh Tuấn – Giảng viên bộ môn Quản lý GTVT- Trường ĐH GTVT Hà Nội cho biết, với việc tách làn đường dành riêng cho xe buýt, cần phải cân đối nhiều vấn đề. Trong đó có việc xác định mục tiêu phát triển của từng tuyến đường là phục vụ chủ đạo cho giao thông công cộng hay ưu tiên giao thông cá nhân.
Về cơ bản hoàn toàn có thể bố trí xem xét làn đường dành riêng cho xe buýt trên những trục đường chính và theo nghiên cứu phải là những trục đường có quy mô mặt cắt tối thiểu lớn hơn 34 mét thì mới đủ điều kiện không gian bố trí làn đường riêng cho xe buýt.
Như vậy, xét trên toàn mạng lưới thì chỉ có những tuyến đường trục chính có làn riêng, những tuyến nhánh, tuyến đường kết nối… bố trí làn đường dành riêng cho xe buýt sẽ khó khăn.
Nhiều chuyên gia e ngại giải pháp tách làn đường ưu tiên
Đồng quan điểm với Thạc sỹ Vũ Anh Tuấn, không ít chuyên gia khi được hỏi cũng tỏ ra e ngại về giải pháp Hà Nội tổ chức thêm nhiều tuyến đường có làn ưu tiên xe buýt vào năm 2020. Đa phần cho rằng, nếu thực hiện vội vàng sẽ khiến giao thông đô thị thêm ùn tắc.
Ông Bùi Danh Liên, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội chia sẻ, hạ tầng giao thông ở Thủ đô hiện chưa đáp ứng được kế hoạch trên, vì mặt đường hẹp, nhiều đường ngang và đèn ưu tiên, thẻ vé điện tử xe buýt chưa liên thông..."Nếu tách làn đường ưu tiên cho xe buýt sẽ dẫn tới ùn tắc nặng hơn. Hà Nội nên lùi thời gian thực hiện kế hoạch này để chuẩn bị tốt hơn các điều kiện hạ tầng", ông Liên nói.
Ngoài ra, theo ông Liên, trong tương lai khi Hà Nội tách làn đường riêng cho xe buýt thì phải thực hiện nghiêm quy định phân làn, tránh tình trạng các phương tiện khác thường xuyên lấn làn, đi vào đường dành riêng cho xe buýt nhanh như hiện nay tại tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa.
TS Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện khoa học Công nghệ, Bộ GTVT cho rằng, ý tưởng dành một làn đường riêng dành cho xe buýt là một biện pháp giao thông hợp lý nhưng không phải là biện pháp mới mẻ.
Việc tổ chức làn đường riêng cho xe buýt cần được xem như 1 đề án, phải được một hội đồng chuyên môn có tầm nhìn, chuyên môn cao xem xét, đưa ra đề xuất, đưa ra cách giải quyết. Nếu không, Hà Nội đang triển khai các biện pháp giao thông theo kiểu chính sách đi trước còn giải pháp đi sau. Chúng ta cũng không thể so sánh hoặc áp dụng cách làm như với các nước phát triển trên thế giới như Nhật Bản, Anh, Mỹ, Singapore…
Bởi đây đều là những nước có trình độ phát triển rất cao, hạ tầng giao thông đô thị rất hiện đại. So với các nước trên thế giới, hiện nay, chúng ta vẫn còn yếu kém ở khâu quản lý làn xe. Tức là chúng ta mới chỉ quản lý luồng xe, còn quản lý làn xe chưa được quan tâm đúng mức. Các xe này tràn vào làn xe khác đang xảy ra một cách hỗn độn. Muốn tổ chức xe buýt đi làn đường riêng, trước hết chúng ta phải quản lý, tổ chức được làn xe thật tốt.
“Hà Nội đang rất cố gắng đưa ra các giải pháp để giải bài toán giao thông đô thị nhưng chưa trúng, chưa đúng”, TS Doãn Minh Tâm nhận định và bày tỏ thêm rằng, rất sợ các đề xuất, biện pháp giao thông được thông qua ở một hội đồng mà không nắm được chuyên môn về giao thông, chỉ thống nhất đồng ý qua hình thức biểu quyết… giơ tay rồi triển khai.
Hà Nội có gần 2000 xe buýt (với khoảng 1600 xe buýt trợ giá), tốc độ bình quân khoảng 23.8km/h nhưng đa số các tuyến nội thành tốc độ bình quân chỉ đạt 16km/h. Hiện có khoảng 40 điểm ùn tắc ảnh hưởng đến hoạt động của xe buýt. Theo một thống kê chưa đầy đủ thì trong 6 tháng đầu năm trên đường Quang Trung (Hà Đông) bình quân mỗi giờ có hơn 300 phương tiện, trên đường Tố Hữu có trên 700 phương tiện chạy vào làn đường dành riêng cho BRT. |