Vận tải khách núp bóng xe hợp đồng gây hỗn loạn
- Sẽ dùng công nghệ để quản lý chặt xe hợp đồng
- Xử lý hàng trăm xe hợp đồng, du lịch ‘trá hình’ vận chuyển khách
- Phân định rõ xe hợp đồng và xe taxi
Tại đây, nhiều vấn đề “nóng” đã được các đại biểu đưa ra bàn thảo cũng như kiến nghị mang tính cải tiến quy định để phù hợp hơn với thực tế phát triển của việc kinh doanh vận tải hành khách.
Vận tải tuyến cố định đang “sống dở chết dở”
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ, kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô gồm 5 hình thức là kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định; kinh doanh vận tải khách bằng xe buýt theo tuyến cố định; kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi; kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng và kinh doanh vận tải khách du lịch.
Tuy nhiên, vấn đề mâu thuẫn trong quản lý giữa xe hợp đồng với xe tuyến cũng cố định đã được nhiều doanh nghiệp kiến nghị cần có biện pháp giải quyết, đảm bảo công bằng trong kinh doanh vận tải tuyến cố định và kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng. Đặc biệt là chống thất thu thuế và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
Chia sẻ thêm, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng nhận xét, chưa bao giờ vận tải tuyến cố định lại “sống dở chết dở” như hiện nay.
Hiệp hội vận tải cho rằng cần nới lỏng và tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh vận tải khách tuyến cố định. |
Các doanh nghiệp vận tải bỏ bến vì không có khách, phương tiện giao khoán cho các cá nhân tự thu chi để đảm bảo tồn tại của doanh nghiệp, thay vì việc chạy theo biểu đồ các doanh nghiệp đưa xe ra chạy “dù” nhằm tranh thủ bắt khách của các doanh nghiệp khác dẫn đến sự hỗn loạn trong hoạt động vận tải.
“Ngoài ra, đội ngũ xe Limousine núp bóng xe hợp đồng mọc lên nhanh chóng làm cho hoạt động vận tải nói chung và tại Hà Nội nói riêng trở nên hỗn loạn không thể kiểm soát”, ông Khúc Hữu Thanh Hải nêu ý kiến.
Ông Lê Xuân Long, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Thanh Hóa thì nhìn nhận, trên thực tế tại các địa phương, xe hợp đồng lại hoạt động dưới dạng vận tải hành khách theo tuyến cố định. Nhiều đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng thực hiện đặt chỗ qua tổng đài, sau đó đón trả khách tại những điểm quy định làm phá vỡ trật tự vận tải và an toàn trật tự giao thông dẫn đến nhiều đơn vị vận tải tuyến cố định và bến xe khách có nguy cơ phá sản.
“Buýt hóa” các tuyến vận tải cố định
Liên quan đến đề án “bến ảo”, ông Nguyễn Văn Chi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bến xe Quảng Ninh bày tỏ lo lắng: “Tôi nhận thấy nhiều nhược điểm trong xây dựng đề án bến xe ảo này”. Ông Chi cho rằng, bến xe ảo nếu được triển khai thực hiện đồng nghĩa với việc chấp nhận cho các phương tiện vận tải khách đi vào các khu vực nội thị, khu đông dân cư… Điều này đi ngược với xu thế về quy hoạch cũng như phát triển giao thông khi các tỉnh, thành đang nỗ lực đưa bến xe ra khỏi trung tâm nội đô.
Riêng Quảng Ninh hiện đang quy hoạch 2 bến xe đầu tư mới không nằm trong nội đô. Về mặt quản lý nhà nước, ông Nguyễn Văn Chi cũng chỉ ra hàng loạt tồn tại nếu bến xe ảo đi vào hoạt động. Cụ thể bến xe ảo chỉ nắm bắt được số liệu danh sách xe hoạt động tại một đầu nhưng thực chất không thể quản lý được tại các địa phương đối lưu, tại các địa phương đối lưu không kiểm soát được số phương tiện xuất phát từ các bến xe ảo.
Trước các ý kiến, cũng như lo lắng của các đại biểu, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng cần có các giải pháp thực tế. Vị này nêu rõ: Các Sở GTVT, đặc biệt là Sở GTVT các thành phố lớn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh trong quản lý vận tải khách theo tuyến cố định cần thực hiện quy định trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về việc xác định vị trí và cắm biển cho phép các phương tiện vận tải khách cố định dừng đón trả khách.
Cùng đó xem xét cho phép các tuyến có tần suất chạy xe đủ lớn chuyển thành các tuyến xe buýt. Để thực hiện chủ trương này cần khảo sát, nghiên cứu xây dựng đề án cụ thể làm cơ sở tổ chức thực hiện.
Theo thông lệ quốc tế, ở các nước phát triển họ chỉ tổ chức các tuyến xe buýt không có hình thức kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định bằng xe ôtô.
Ở Việt Nam, hình thức kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định mang tính lịch sử, sau một thời gian phát triển mạnh các tuyến vận tải khách đường dài để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, nay các phương thức vận tải khác đã phát triển cho nên các tuyến vận tải ôtô đường dài thu hẹp dần.
Các tuyến vận tải khách cố định có cự ly dưới 200km có nhu cầu đi lại tăng rất cao, tần suất chạy xe lớn nhưng bị cạnh tranh mạnh do công nghệ phát triển đã tạo thuận lợi cho xe hợp đồng dễ dàng tiếp cận với hành khách. Vì vậy, nếu vẫn tổ chức theo tuyến cố định, xe chỉ chở khách ở bến xe là không phù hợp; cần phải chuyển đổi để nhà vận tải tiếp cận với hành khách dễ dàng hơn và giải quyết nhu cầu đi lại triệt để hơn, tiết kiệm chi phí tài chính cũng như thời gian đi lại.
Ở góc độ quản lý nhà nước, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tình trạng "xe dù bến cóc” gây búc xúc ở hầu hết các địa phương. Về lâu dài, Tổng cục Đường bộ sẽ nghiên cứu đổi mới tổ chức vận tải khi sửa Luật Giao thông đường bộ. Giải pháp trước mắt, Tổng cục sẽ rà soát lại các điều kiện kinh doanh tuyến cố định, cắt giảm tối đa các điều kiện khi sửa đổi Nghị định 86/2014 về điều kiện kinh doanh vận tải.
“Đối với việc buýt hóa các tuyến vận tải cố định, sẽ cân nhắc theo hướng chuyển các tuyến dưới 200km thành xe buýt. Nghiên cứu mô hình phù hợp để người dân thuận tiện tiếp cận với loại hình xe buýt này. Buýt hóa đang là mong mỏi của nhiều doanh nghiệp, trước mắt nên lựa chọn các tuyến trên dưới 100km sẽ triển khai được nhanh hơn”, bà Hiền nói.