Vận tải công cộng đáp ứng nhu cầu thì hạn chế xe máy

Thứ Ba, 12/03/2019, 09:38
Nhằm kiểm soát phương tiện cá nhân ở Hà Nội, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã đề xuất phương án sớm đưa ra lộ trình cấm xe máy vào khu vực trung tâm. Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội đưa ra giải pháp này, thế nhưng đến nay dư luận vẫn băn khoăn nếu cấm xe máy mà không cấm ôtô, liệu bài toán ùn tắc có được giải?

Việc ùn tắc đổ hết cho xe máy là không đúng

Thống kê sơ bộ cho thấy hiện Hà Nội có khoảng 6,5 triệu phương tiện chưa kể khoảng 2 triệu phương tiện từ bên ngoài vào và phương tiện của lực lượng quân đội, Công an. Dự kiến lượng phương tiện còn tăng thêm nhiều do xu thế hội nhập, kinh tế phát triển, thu nhập người dân tăng lên, giá phương tiện giảm. Trong khi hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu thì việc đưa ra các giải pháp để tránh ùn tắc, giao thông được thông thoáng hơn là điều cần thiết. Thế nhưng, việc cấm xe máy có nên?

Anh Phùng Thái Sơn (Ngọc Hồi-Hà Nội) bày tỏ: “Tại sao lại cấm phương tiện làm ăn của người lao đông? Một chiếc ôtô bằng sáu chiếc xe máy và lượng khí thải ra cũng gấp mấy chục lần. Vì đường phố của Việt Nam còn hẹp nên chỉ cần 1, 2 chiếc ôtô là lấn hết đường đi”. Ý kiến của anh Sơn cũng là thắc mắc của không ít người dân. Nhiều người còn hóm hỉnh đặt vấn đề: “Nếu như tất cả người sử dụng xe máy đồng loạt mua ôtô vậy thì tính sao, đường xá có chỗ để cho ôtô lưu thông và có chỗ đỗ không hay lúc đó lại cấm ôtô và chỉ cho máy bay cá nhân được lưu thông thôi”…

Cùng quan điểm với nhiều người dân, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ: “Không hiểu tại sao lại cấm xe máy vì xe máy không phải là nguyên nhân chính gây ùn tắc. Ùn tắc do nhiều nguyên nhân, trong đó có ôtô với số lượng rất lớn. Một ôtô chiếm mặt đường gấp 5-10 lần xe máy. Vậy tại sao không cấm ôtô mà lại cấm xe máy?”.

Theo ông, hiện nay có khoảng 70-80% người dân đi xe máy vì nó có nhiều ưu điểm: Hợp với túi tiền của người dân, không phải ai cũng mua được ôtô; Xe máy đi linh hoạt, chiếm mặt đường ít nên gây ùn tắc ít, gây ô nhiễm ít hơn ôtô (chỉ bằng 1/5 hoặc 1/10). Xe máy cũng là cần câu cơm của hàng vạn gia đình người dân Việt Nam. Trong khi giao thông công cộng mới đáp ứng được 8-10%. Nếu cấm xe máy thì 90% người dân đi bằng gì? Trong khi giao thông công cộng còn yếu kém, đường không thông, hè không thoáng, việc ùn tắc đổ hết cho xe máy là không đúng”.

Dự tính đến 2030 cấm xe máy, vậy 10 năm nữa Hà Nội có đảm đương được 40% giao thông công cộng không? Không thể được”, ông Thuỷ bày tỏ và nói thêm, nếu cấm xe máy mà không cấm ôtô thì người dân có thể dồn sức mua ôtô. Hiện giờ 200 triệu đã mua được thì đường phố lại càng ngập ôtô và ùn tắc, tai nạn càng nhiều.

Cấm xe máy vào trung tâm liệu có gây khó cho rất nhiều người dân? Ảnh minh hoạ.

Năm 2019, hoàn thiện đề án hạn chế phương tiện vào các khu vực ùn tắc cao

Trước sự bày tỏ của dư luận, chiều 11-3, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông vận tải khẳng định, hệ thống giao thông công cộng của thành phố chắc chắn đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân vào thời điểm năm 2030, khi thực hiện việc hạn chế phương tiện cá nhân. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết thêm, trong năm 2019, Sở GTVT sẽ hoàn thiện Đề án hạn chế phương tiện cá nhân ra vào một số khu vực có nguy cơ cao ùn tắc giao thông. Do vậy, ngay từ bây giờ, người dân cũng nên có tính toán dần để làm sao phù hợp với chủ trương, đường lối của thành phố mà ít ảnh hưởng đến đời sống.

Trước câu hỏi: Kỳ họp thứ 11 năm 2017, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết đến năm 2030 sẽ cấm xe máy hoạt động trong nội thành. Vậy tại sao ông lại đưa ra quan điểm “cấm xe máy càng sớm càng tốt”? Ông Viện trả lời: Nghị quyết HĐND TP đến năm 2030 phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận. Thế nhưng căn cứ vào điều kiện thực tế khu vực nào đủ điều kiện (vận tải hành khách công cộng) thì cấm luôn chứ không đợi đến năm 2030 mới cấm đồng loạt xe máy. Đề án hạn chế phương tiện cá nhân vào trong nội thành chúng tôi cũng căn cứ theo lộ trình đã định sẵn trong Nghị quyết của HĐND, theo đó thành phố sẽ cấm xe máy theo tuyến, theo khu vực như phố đi bộ hiện nay.

Chưa dừng lại, ông Viện cũng thẳng thắn: “Trong Đề án chúng tôi đã nói rõ, với khu vực trung tâm thành phố phải đảm bảo điều kiện 80% khu vực có thể tiếp cận hệ thống giao thông công cộng phạm vi dưới 500m. Khoảng 20% còn lại là ở trong các ngõ, xóm, người dân có thể sử dụng phương tiện phù hợp như xe đạp, taxi hoặc đi bộ. Chúng tôi hiểu rằng sử dụng phương tiện cá nhân bao giờ cũng tiện hơn phương tiện công cộng. Nhưng cái tiện của mình cũng phải tiện cho cả xã hội nữa. Nếu cứ mỗi người một xe, ra đường đông kín như vậy, ùn tắc bao giờ giải quyết được!”.

Xung quanh ý kiến cho rằng, việc hạn chế hoạt động xe máy tiến tới dừng hoạt động ở các quận là nhằm đẩy khó cho người dân, người đứng đầu Sở GTVT Hà Nội kiên quyết: Không phải nhằm gây khó cho người dân mà nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại và vì lợi ích chung, vì một môi trường trong sạch và một đô thị phát triển bền vững. Với bài toán tổng thể nếu bỏ đi 6 triệu xe máy trong nội thành thì ô nhiễm sẽ giảm đi, sức khỏe của người dân sẽ tăng lên, chi phí thuốc men sẽ giảm đi, tuổi thọ trung bình cao hơn…

Mong muốn của thành phố là cái gì có lợi nhất cho xã hội thì làm chứ không phải vấn đề cá nhân. Chính điều đó khiến những người có trách nhiệm của thành phố phải suy nghĩ chứ. Thực tế, thành phố không chỉ hạn chế hoạt động xe máy, ngay cả đối với ôtô cũng kiểm soát bằng giải pháp kinh tế và phân luồng hạn chế hoạt động ở một số khu vực như tăng phí trông giữ xe khu vực trung tâm, thu phí ra vào khu vực ùn tắc…

Phạm Huyền
.
.
.