Tháo gỡ khó khăn cho vận tải buýt Hà Nội

Chủ Nhật, 12/07/2020, 09:03
Gần đây, một vài đơn vị vận tải buýt tại Hà Nội đã bày tỏ tạm ngừng phục vụ hành khách do chưa được xem xét điều chỉnh doanh thu trợ giá. Lo ngại hiệu ứng “domino”, lãnh đạo Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) cho biết sẽ chỉ đạo tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn…

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) khẳng định, Sở đã kịp thời nắm bắt, chỉ đạo thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và duy trì hoạt động ổn định của mạng lưới, trong đó cam kết điều chỉnh doanh thu và trợ giá cho các đơn vị buýt. 

Cũng theo ông Hải, việc giảm sản lượng, doanh thu đã tạo gánh nặng ngân sách thành phố, nhưng đến nay các doanh nghiệp, trong đó có Công ty cổ phần ôtô vận tải Hà Tây vẫn được thành phố thanh toán đúng hạn, đầy đủ theo hợp đồng. Trong trường hợp doanh nghiệp không đủ điều kiện tài chính duy trì hoạt động của tuyến, Sở Giao thông Vận tải sẽ hướng dẫn thực hiện các thủ tục theo quy định và bố trí đơn vị khác vận hành để đảm bảo mạng lưới luôn được duy trì hoạt động phục vụ nhân dân. 

Nhìn nhận từ cuối năm 2019 và nửa đầu năm 2020, mạng lưới xe buýt Hà Nội có sự sụt giảm về sản lượng và doanh thu, ông Hải đưa ra nguyên nhân là do thành phố thực hiện chính sách miễn phí cho người cao tuổi và hộ nghèo theo Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 và đã có trên 330.000 thẻ miễn phí được cấp (tương ứng với 330 người không sử dụng vé tháng và vé lượt hàng ngày). 

Hà Nội sẽ tìm giải pháp để hỗ trợ vận tải buýt. (Ảnh minh hoạ)

Với chính sách này, các đối tượng sử dụng thẻ miễn phí đã tăng trên 82 lần, nhưng đi theo đó số lượng vé tháng quý 4/2019 cũng bị giảm gần 15% và doanh thu cũng giảm trên 10%. Mặt khác, trong đại dịch COVID-19 vào đầu năm 2020, xe buýt đã phải điều chỉnh giảm dịch vụ và ngừng hoạt động trên một tháng làm sản lượng và doanh thu sáu tháng đầu năm nay đều giảm theo tương ứng là trên 29% và trên 42%. 

Hiện nay, 104 tuyến buýt trợ giá đã được ký hợp đồng, tạm ứng, thanh toán đúng thời gian và giá trị theo hợp đồng đã ký kết. Đối với các tuyến đấu thầu, sau khi ký hợp đồng, các doanh nghiệp đã được tạm ứng 30% giá trị hợp đồng năm, sau nghiệm thu hàng quý, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục được thanh toán thêm khoảng 15% giá trị hợp đồng. Đối với các tuyến đặt hàng, sau khi ký hợp đồng, các doanh nghiệp được tạm ứng 30% giá trị hợp đồng quý, sau khi nghiệm thu hàng tháng và quý, các đơn vị tiếp tục được thanh toán thêm tối đa 80% giá trị hợp đồng. 

Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị phối hợp với các doanh nghiệp khảo sát toàn diện về sản lượng hành khách từ vé tháng chuyển sang vé miễn phí trên toàn mạng lưới là bao nhiêu để có cơ sở báo cáo thành phố điều chỉnh kế hoạch về sản lượng, doanh thu, trợ giá cho năm nay. Dự kiến, công tác khảo sát sẽ hoàn thành sớm nhất vào tháng 9/2020.

Phạm Huyền
.
.
.