Tái diễn tình trạng giao thông ùn tắc ở Thủ đô
- Áp lực ùn tắc và sự chậm trễ của các dự án trọng điểm
- Cửa ngõ phía Nam Thủ đô ùn tắc do phương tiện cá nhân
Những nguyên nhân rất cũ
Nhà cách trung tâm Hà Nội gần 20km về phía Tây, bình thường chỉ cần đi chừng 45 phút là chị Trân Trân có thể tới cơ quan ở phố Nguyễn Du (Hai Bà Trưng-Hà Nội). Thế nhưng, gần 1 tháng nay, từ sau khi Hà Nội hết lệnh giãn cách bởi dịch COVID-19, cũng là thời điểm học sinh quay trở lại trường học, mỗi lần đi từ nhà tới cơ quan hay ngược lại, chị Trân Trân phải mất tới hơn 1 tiếng, thậm chí có lần mất tới 2 tiếng.
Nguyên nhân bởi lượng phương tiện trên trục đường Hà Đông, Nguyễn Trãi… gia tăng đột biến, cảnh ùn tắc thường xuyên xảy ra, nhất là vào khung giờ cao điểm 7-8h sáng và 17-19h tối. Chị Trân Trân chia sẻ: “Dù trên trục đường Hà Đông ra tới trung tâm Hà Nội có mấy cái cầu vượt song không thấm vào đâu, ùn tắc kéo dài hàng cây số. Giờ chỉ mong đường sắt trên cao đi vào hoạt động, hy vọng mới giảm tải bớt được lưu lượng lưu thông trên trục đường này”.
Ngoài tuyến đường trên, tình trạng ùn tắc cũng xảy ra tương tự vào các khung giờ cao điểm tại những trục đường hướng vào trung tâm thành phố như: Đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khoái, Nguyễn Văn Cừ; hoặc đường vành đai như Đại Cồ Việt, Xã Đàn, Trường Chinh, Khuất Duy Tiến... Ngày bình thường, áp lực giao thông tập trung cao điểm vào khoảng thời gian từ 7h đến 9h sáng. Vậy nhưng, vào những ngày mưa, nhất là khi có mưa lớn thì giao thông tê liệt hẳn, dù luôn có lực lượng chức năng chốt trực, hướng dẫn phân luồng.
Chị Nguyễn Phương Liên (phường Mộ Lao, quận Hà Đông) phân tích: "Lúc trời mưa, nhiều khi gặp một vũng nước trên đường là gây ùn tắc ngay, lúc đó xe máy lao cả lên vỉa hè để đi. Mới đây trời mưa to, tôi phải mất gần 2 giờ mới đi được từ nhà đến công ty ở đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), khổ nhất là qua những đoạn đang rào chắn phục vụ thi công đường trên cao".
Nhắc đến nguyên nhân ùn tắc, Thiếu tá Đặng Hồng Giang (Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 3, Phòng CSGT Hà Nội) cho hay, trên địa bàn quận Đống Đa cũng có hai trục là Trường Chinh-Láng, Nguyễn Lương Bằng-Tây Sơn được coi là “điểm đen” nguy cơ ùn tắc bởi liên tục bị ảnh hưởng bởi các công trình giao thông đang xây dựng.
Thời gian gần đây, ngoài việc tăng cường lực lượng chốt trực trên đường, Đội CSGT số 3 liên tục phải cùng các cơ quan liên quan khảo sát, tổ chức lại giao thông và điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu giao thông để góp phần giảm ùn tắc và nguy cơ tai nạn.
“Song để tình hình cải thiện triệt để thì chắc phải đợi lâu nữa”, Đội trưởng Đội CSGT số 3 cho hay. Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, những năm qua, thành phố đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; phát triển vận tải hành khách công cộng; điều chỉnh giờ học, giờ làm; hạn chế phương tiện trên một số tuyến phố chính trong các khung giờ cao điểm; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm..., song tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp. Trong năm 2019, thành phố đã xử lý được 10/33 điểm ùn tắc, nhưng tới năm 2020 lại phát sinh 10 điểm mới, cho nên số điểm ùn tắc thường xuyên hiện vẫn giữ nguyên con số 33.
Mỗi lần có dấu hiệu ùn tắc, người dân lại lao lên vỉa hè để đi. |
Phương tiện tăng, hạ tầng quá tải
Trung bình mỗi tháng, TP Hà Nội có khoảng 27.000 phương tiện ôtô, xe máy đăng ký mới. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, toàn thành phố có tới gần 7 triệu phương tiện, trong đó có khoảng 800.000 ôtô và trên 6 triệu môtô, xe máy. Đó là chưa kể các phương tiện đăng ký ngoại tỉnh và xe của các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn Thủ đô.
"Ùn tắc tại Hà Nội vẫn đến từ một trong những nguyên nhân rất... cũ là sự gia tăng của phương tiện cá nhân. Hạ tầng đô thị vốn đã chật hẹp, quá tải, phương tiện gia tăng với tốc độ chóng mặt, trong khi các biện pháp hạn chế xe cá nhân chưa được thực hiện thì tất yếu dẫn tới ùn tắc", ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội nhận xét.
Trong khi đó, theo Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, toàn thành phố có 16 điểm úng ngập khi mưa lớn từ 50mm đến 100mm/² giờ, như: Đường Phạm Văn Đồng, phố Thanh Đàm, phố Nguyễn Khuyến; ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa; ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt... Nếu lượng mưa lớn trên 100mm, hoặc dồn dập trong thời gian ngắn, số điểm ngập còn lớn hơn nhiều và ùn tắc giao thông là khó tránh.
“Đơn vị đã lên phương án bố trí nhân lực ứng trực tại điểm ngập để phân luồng giao thông; đồng thời sử dụng phương tiện cơ giới cố gắng rút ngắn thời gian ngập, hạn chế ảnh hưởng tới giao thông. Song, muốn giải quyết triệt để cần có dự án đầu tư hệ thống thoát nước hoàn chỉnh”, lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên thoát nước Hà Nội thông tin.
Đề cập nguyên nhân phát sinh 10 điểm ùn tắc giao thông, như tại nút giao Kim Mã - Liễu Giai, Liễu Giai - Đào Tấn, Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ, phố Nguyễn Khang, cầu 361 đường Láng, Ngã Tư Sở, đường Nguyễn Khoái đoạn Vĩnh Tuy - Vành đai 1, cầu Mai Động, nút giao Lê Quang Đạo - Châu Văn Liêm…, ông Trần Đăng Hải, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) cho biết, ngoài phương tiện giao thông tăng cao, ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông hạn chế, còn do công trường thi công chiếm dụng mặt đường.
Có tới 8/10 điểm ùn tắc mới là do công trình thi công chiếm dụng mặt đường, trong đó có các công trình trọng điểm như Vành đai 2, Vành đai 3, dẫn tới thu hẹp làn đường cho phương tiện lưu thông.
Nguy cơ ùn tắc trên các tuyến phố vẫn luôn hiện hữu. Thiết nghĩ, giải pháp chính vẫn là các cơ quan chức năng liên quan cần đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành công trình giao thông trọng điểm, hoàn trả mặt đường cho phương tiện lưu thông.