QL1A đoạn qua tỉnh Quảng Nam bị nước lũ chia cắt

Thứ Hai, 10/12/2018, 07:32
Từ 22h ngày 9-12 đến sáng nay (10-12), nước lũ đã chia cắt nhiều khu vực trên tuyến QL1A đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là đoạn từ cuối huyện Thăng Bình vào đến TP Tam Kỳ.


Nước lũ ngập sâu có nơi lên đến gần 1m khiến giao thông trên tuyến QL1A đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Nam bị tê liệt hoàn toàn. Các phương tiện phải di chuyển lên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hoặc di chuyển ra tuyến đường biển 129 để tiếp tục hành trình.

QL1A đoạn qua địa bàn Quảng Nam bị nước lũ chia cắt ở nhiều khu vực từ tối 9-12.

Trong khi đó, do mưa lớn cũng đã gây ngập úng cục bộ tại khu vực nội thị TP Tam Kỳ, nhiều tuyến đường bị ngập sâu, nước cũng đã tràn vào nhà người dân khiến cuộc sống bị đảo lộn.

Trao đổi với phóng viên CAND, Thượng tá Phan Thanh Hồng, Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, Phòng đã huy động 100% cán bộ chiến sĩ để kịp thời phân luồng, điều tiết giao thông trên các tuyến quốc lộ, đặc biệt tập trung đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại các khu vực trũng thấp, bị ngập sâu.

Nước lũ bủa vây ở khu vực Bến xe Tam Kỳ.

Bên cạnh việc tham gia tuần tra kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong mưa lũ, lực lượng CSGT Quảng Nam còn nỗ lực tham gia cứu giúp người dân.

Ngay trong sáng 10-12, lực lượng CSGT đã tổ chức phương tiện đưa đi cấp cứu một gia đình gồm 5 người tại xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh bị ngạt khí, trong đó có 1 sản phụ. Đến thời điểm này, 5 nạn nhân ngạt khí trên đã qua cơn nguy kịch.

Trong một diễn biến khác, rạng sáng nay, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam đã phát đi thông báo về tình hình mưa lũ trên sông Tam Kỳ.

Theo đó, mực nước trên sông Tam Kỳ lúc 2h ngày 10-12 là 2,8m, trên báo động 3 0,1m.

Nhiều tuyến đường tại TP Tam Kỳ bị ngập sâu trong sáng nay.

Dự báo mực nước trên sông Tam Kỳ tiếp tục lên và có khả năng đạt đỉnh ở mức 3,1m, trên báo động 3 0,4m.

Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tiếp tục có mưa to đến rất to; đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ; sạt lở đất ở vùng núi các huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, các xã phía Tây huyện Núi Thành; ngập úng tại vùng thấp trũng thấp, ngập úng cục bộ tại TP Tam Kỳ, TP Hội An và thị xã Điện Bàn, thị trấn Nam Phước, thị trấn Hà Lam, thị trấn Núi Thành.
Thân Lai-Ngọc Thi
.
.
.