Đoàn công tác Bộ Công an kiểm tra công tác khắc phục hậu quả lũ lụt tại Lai Châu

Thứ Ba, 26/06/2018, 16:04
Ngày 26-6, Đoàn công tác Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018 do Trung tướng Phạm Quang Cử - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật Bộ Công an, Phó BCĐ PCTT & TKCN Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ tại Công an tỉnh Lai Châu.

Những ngày qua, Công an Lai Châu đã duy trì quân số thường trực 24/24h để chủ động ứng cứu kịp thời khi có mưa lũ xảy ra. Chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn trụ sở làm việc, trại tạm giam, nhà tạm giữ; huy động hơn 600 lượt cán bộ chiến sỹ  trực tiếp xuống địa bàn tham gia ứng cứu, hỗ trợ nhân dân sơ tán người và tài sản; tìm kiếm cứu nạn, phân luồng giao thông; huy động 18 lượt xe ô tô mỗi ngày; cấp 500 áo phao và phao cứu sinh; 90 danh mục thuốc; 14 xuồng máy, ca nô; 03 xuồng cao su phục vụ công tác cứu nạn.

Trung tướng Phạm Quang Cử - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật Bộ Công an, Phó BCĐ PCTT & TKCN Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ tại Công an tỉnh Lai Châu.

Theo báo cáo, tính đến thời điểm báo cáo, thiệt hại do thiên tai những ngày qua tại Lai Châu khiến 13 người chết, 11 người mất tích và 8 người bị thương; hư hỏng 244 ngôi nhà; lũ cuốn trôi hoàn toàn 51 ngôi nhà và 3 lán tạm , 50 con trâu và 5.000 con gia cầm bị lũ cuốn; 68 công trình thủy lợi bị hư hỏng, cuốn trôi; gẫy đổ 17 cột điện và sạt lở nhiều tuyến đường giao thông. 

Thiệt hại cơ sở vật chất ước tính lên đến 95 tỷ đồng…Hệ thống cầu cống, đường xá bị hư hỏng nặng, các tuyến quốc lộ chính mặc dù đã được thông tạm, song việc thông xe cũng chỉ tạm thời theo thời điểm nhất định. Các tuyến tỉnh lộ, liên xã nhiều tuyến hư hỏng nặng vẫn đang được khắc phục…

Đồng chí Phó Tổng cục trưởng Trung tướng Phạm Quang Cử đã đánh giá cao sự chủ động của tỉnh Lai Châu. Đồng chí cũng đề nghị Công an tỉnh Lai Châu tập trung triển khai các phương án chủ động ứng phó, trong đó ưu tiên cao nhất việc sơ tán, di dời dân khỏi những vùng có nguy cơ mất an toàn khu vực có nguy cơ bị lũ ống, lũ quét, sạt lở cao, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng phó và cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. 

Phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân; đồng thời đảm bảo ANTT không để các loại tội phạm lợi dụng tình hình mưa lũ hoạt động và chú ý khắc phục hậu quả sau bão.

Văn Thiệp
.
.