Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 về vận tải:

Nới điều kiện cho xe taxi, “siết” xe hợp đồng

Thứ Bảy, 01/04/2017, 09:19
Bộ GTVT vừa đưa ra dự thảo sửa đổi Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô và đang chờ lấy ý kiến các bộ, ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan góp ý.

Điều đáng chú ý, trong dự thảo lần này, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất bỏ quy định về số lượng phương tiện tối thiểu xe taxi, song cũng đưa ra bổ sung một số quy định mới đối với xe hợp đồng nhằm siết chặt tình trạng “xe dù, bến cóc” đang nở rộ ở các tỉnh, thành trên cả nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, sau 2 năm thực hiện Nghị định số 86 ngày 10-9-2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, còn một số tồn tại, bất cập cần sửa đổi, bổ sung về cấp giấy phép kinh doanh; quản lý vận tải.

Vì vậy tại Dự thảo lần này, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng các quy định để quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và xe du lịch như: cho phép sử dụng hợp đồng điện tử; trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải phải báo cáo thông qua phần mềm các thông tin liên quan đến chuyến đi.

Cụ thể, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính; trụ sở chi nhánh; văn phòng đại diện hoặc hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh để chống “xe dù, bến cóc”; trong thời gian một tháng, mỗi xe và mỗi đơn vị vận tải không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến xe có điểm khởi hành và điểm kết thúc trùng nhau, không được thực hiện lặp lại trên một lịch trình, hành trình.

Đặc biệt, hợp đồng vận tải phải được ký kết trước khi thực hiện vận chuyển hành khách. Hợp đồng vận tải được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe.

Với đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ôtô có số người được phép chở dưới 8 chỗ phải thông báo tới cơ quan quản lý nơi cấp giấy phép kinh doanh vận tải các thông tin cơ bản của chuyến đi theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định.

Xe hợp đồng chở khách nhưng “bắt khách” như xe chạy tuyến.

Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất bỏ quy định về số lượng phương tiện tối thiểu ở tất cả các loại hình xe taxi, xe buýt, vận tải hàng hóa, xe hợp đồng, xe chở khách du lịch.

Cụ thể, Nghị định 86 quy định các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải có số xe tối thiểu là 10 xe; riêng đối với đô thị loại đặc biệt phải có số xe tối thiểu là 50 xe. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa, vận tải hành khách theo hợp đồng, vận tải khách du lịch trên cự ly từ 300km trở lên phải có từ 10 xe trở lên nếu có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc Trung ương và từ 5 xe trở lên ở các địa phương còn lại…

Một điểm đáng chú ý nữa là theo quy định tại Nghị định 86 hiện hành, trong điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi thì xe chỉ có niên hạn sử dụng không quá 8 năm tại đô thị loại đặc biệt; không quá 12 năm tại các địa phương khác. Tại dự thảo sửa đổi Nghị định này, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất quy định chung xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 12 năm.

Giải thích về việc nới lỏng quy định này, theo Thứ trưởng Thọ, hiện số lượng các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn cả nước có quy mô nhỏ vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

“Như vậy, theo lộ trình quy định tại Nghị định 86 thì hầu hết các đơn vị này sẽ không thực hiện được quy định về quy mô, điều này sẽ gây khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn nữa, đối với tuyến cố định và xe buýt, hiện nay đang thực hiện quy định về lựa chọn đơn vị tham gia khai thác tuyến và đấu thầu tuyến xe buýt theo quy hoạch đã được phê duyệt, khi đó ngay cả khi các đơn vị có đủ phương tiện cũng chưa chắc chắn đã được lựa chọn tham gia khai thác tuyến,” Thứ trưởng Thọ phân tích.    

Đặng Nhật
.
.
.