Vẫn còn hàng nghìn xe hợp đồng đón trả khách trá hình

Thứ Ba, 01/03/2016, 08:04
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị đánh giá thực hiện Nghị định số 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải ô tô khu vực phía Bắc. do Bộ GTVT tổ chức.

Tại đây, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải c ũng thẳng thắn, sau hơn 1 năm thực hiện, Nghị định 86 đã có những bất cập cần bổ sung, sửa đổi để phù hợp hơn với thực tế. Vị này thẳng thắn, cả nước hiện có trên 7.000 đơn vị được cấp phép kinh doanh vận tải bằng xe ôtô theo hợp đồng và vận chuyển khách du lịch với trên 35.000 xe. Tuy nhiên, do điều kiện kinh doanh đối với loại hình này đơn giản nên nhiều đơn vị vận tải đã lợi dụng để đặt chỗ cho hành khách rồi đón trả khách tại các điểm dọc các tuyến quốc lộ gây ra tình trạng tranh giành khách làm mất trật tự vận tải; gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát. 

Bên cạnh đó, các địa phương siết chặt quản lý điều kiện kinh doanh vận tải theo tuyến cố định nên các xe hợp đồng phát triển mạnh, cạnh tranh không lành mạnh với các phương tiện vận tải hành khách cố định; hiện tượng xe dù, bến cóc do xe hợp đồng gây nên đang diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. 

Trước thực trạng này, Thứ trưởng Giao thông Lê Đình Thọ cũng cho rằng, thời gian qua, hoạt động vận tải lộn xộn, chịu áp lực lớn nhất là xe hợp đồng, xe du lịch nên thời gian tới cần yêu cầu quản lý cao hơn vận tải tuyến cố định.

Qua kiểm tra thì thấy xe nhiều xe mang nhiều phù hiệu song hoạt động vẫn lộn xộn cho thấy loại phù hiệu này không có tác dụng. Tại một số nước đã sử dụng biển điện tử, xe đi qua cập nhật luôn thông tin và gắn kết luôn thiết bị giám sát hành trình. 

Tiếp thu ý kiến của Thứ trưởng Bộ GTVT, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cũng cho hay, trong nghị định 86 sửa đổi sẽ đưa ra cách xử lý xe hợp đồng vì các phương tiện này hoạt động lộn xộn đã diễn ra quá lâu. Trong điều kiện kinh doanh xe hợp đồng và xe du lịch là khác nhau nên các loại phương tiện này sẽ được phân biệt, có để tồn tại hay xóa bỏ sẽ tiếp tục được nghiên cứu. 

Thanh Huyền
.
.
.