Nhiều doanh nghiệp taxi muốn hoạt động như xe công nghệ
- Các hãng taxi tại Hà Nội sẽ chung phần mềm và cùng màu sơn
- Nở rộ ứng dụng gọi xe công nghệ: Cơ quan chức năng vẫn “lúng túng” trong quản lý
- Thêm một ứng dụng gọi xe công nghệ cho người dân Thủ đô
Hiệp hội taxi Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội, Tổng cục Thuế, Sở KH-ĐT Hà Nội và Sở GTVT Hà Nội xin được chuyển đổi mô hình kinh doanh từ taxi truyền thống sang taxi công nghệ như Grab.
Ông Hồ Quốc Phi, Tổng Thư ký Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, đề nghị này được nêu ra vì nghĩa vụ thuế của taxi truyền thống và công nghệ không công bằng.
Cụ thể, sau hơn 3 năm với rất nhiều lần lấy ý kiến, tiếp thu, tổng hợp, giải trình và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP (Sau đây xin gọi tắt là Dự thảo Nghị định) do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đã thống nhất được nhiều nội dung quan trọng trong đó đã xác định Grab, Uber… (mà người dân vẫn quen gọi là taxi công nghệ) là các doanh nghiệp (DN hoạt động kinh doanh vận tải với hình thức kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng - hợp đồng điện tử).
Hà Nội đang hạn chế taxi truyền thống phát triển nhưng chưa tìm ra cách "quản" xe công nghệ. |
Nội dung này được thể hiện tại Khoản 2, Khoản 7 Điều 3 và Điều 7 của Dự thảo Nghị định theo bản trình ngày 17-7-2019. Trong văn bản, Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng theo Dự thảo Nghị định thì xe ôtô dưới 09 chỗ sử dụng ứng dụng phần mềm công nghệ như Grab, Uber… không được xếp vào hình thức kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi mà được xếp vào hình thức kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng điện tử và được hưởng rất nhiều ưu đãi mà hình thức xe taxi truyền thống không có được, trong đó nổi bật nhất và dễ nhận thấy nhất đó là các ưu đãi về thuế (Grab và Hộ kinh doanh cá thể đều được áp dụng hình thức thuế khoán theo nội dung Công văn 384/TCT-TNCN năm 2017 về chính sách thuế đối với hoạt động hợp tác kinh doanh của Công ty Grab Taxi do Tổng cục thuế ban hành) và về việc lưu thông vào các tuyến đường cấm xe taxi vào giờ cao điểm.
"Từ những khác biệt rõ rệt giữa hình thức kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi (taxi truyền thống) với hình thức kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử bằng xe ôtô dưới 09 chỗ (taxi Grab, Uber…), Hiệp hội Taxi Hà Nội đề nghị UBND TP Hà Nội, Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội cùng các cơ quan tham mưu của UBND TP Hà Nội cho chúng tôi được chuyển đổi sang hình thức kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng điện tử để được hưởng các ưu đãi đặc biệt đối với loại hình kinh doanh vận tải này"- công văn của Hiệp hội Taxi Hà Nội nêu rõ và đề nghị các cơ quan quản lý giải đáp cũng như hướng dẫn các thủ tục cần thiết. "Trường hợp chưa có hướng dẫn thì các doanh nghiệp thành viên của chúng tôi sẽ thanh lý toàn bộ hợp đồng lao động với lái xe và chuyển sang hình thức cho thuê xe có được không? Lúc này người lái xe có phải đăng ký là hộ kinh doanh cá thể không? Hay chỉ ký hợp đồng thuê xe của doanh nghiệp?"- Hiệp hội Taxi Hà Nội nêu câu hỏi.
Từ những khác biệt rõ rệt giữa hình thức kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi (taxi truyền thống) là các doanh nghiệp với hình thức kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử bằng xe ôtô dưới 09 chỗ (taxi Grab, Uber…), Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị tới Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan liên quan giải đáp hướng dẫn việc họ muốn chuyển đổi hình thức kinh doanh vận tải từ kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi sang kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng điện tử, kéo theo đó "muốn thanh lý toàn bộ hợp đồng lao động với các lái xe taxi và chuyển sang hình thức cho thuê xe có được không? Lúc này người lái xe có phải đăng ký là hộ kinh doanh cá thể không? Hay chỉ ký hợp đồng thuê xe của doanh nghiệp?".
Bên cạnh đó, trước yêu cầu mới đây của Thủ tướng Chính phủ về việc yêu cầu Bộ GTVT xem xét “bỏ quy định gắn mào xe hợp đồng”, Hiệp hội Taxi Hà Nội mong muốn, Chính phủ tổ chức một buổi đối thoại trực tiếp giữa Thủ tướng với các hiệp hội, hãng taxi truyền thống, doanh nghiệp công nghệ. Hiệp hội cho biết, yêu cầu bỏ quy định gắn hộp đèn với taxi công nghệ làm cộng đồng doanh nghiệp taxi truyền thống trên cả nước lo lắng.
“Việc quản lý bằng công nghệ đòi hỏi phải có thời gian, giải quyết được các vấn đề nền tảng và đồng bộ như: cơ quan nào quản lý, quản lý thế nào vì Việt Nam chưa có phần mềm đủ quy mô và tính chất tương tự... Chúng tôi đề nghị lắp hộp đèn để quản lý xe hợp đồng dưới 9 chỗ khi chưa ứng dụng ngay được giải pháp về công nghệ”- Hiệp hội Taxi Hà Nội nêu.
Chiều 9-8, theo một nguồn tin cho hay, Sở GTVT Hà Nôi đã nhận được văn bản của Hiệp hội taxi Hà Nội. Tuy nhiên, phương án xử lý thế nào thì phải chờ tuần tới các ban ngành họp lại mới có thể trả lời.
Được biết, trong những năm qua, Hà Nội đã phải quản lý xe taxi truyền thống, không cho phát triển quá nóng để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, thời điểm trước đây cao nhất là 22.000 xe, hiện nay taxi còn 15.000 xe. Tuy nhiên hiện nay, Grab đang có khoảng 31.000 xe ôtô và 50.000 xe máy. Và vấn đề quản lý “xe công nghệ” cho đến thời điểm này vẫn đang khiến cơ quan quản lý “đau đầu”.