Ngày đầu đợt tăng cường xử phạt vi phạm giao thông bằng camera

Thứ Tư, 02/12/2015, 08:13
8h sáng, tại Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông (Phòng CSGT Hà Nội), không khí làm việc của các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cũng “nóng” không khác gì những người làm việc ngoài đường. 

Mỗi ca là 5 cán bộ chiến sĩ, với 46 màn hình lớn và gần chục màn hình nhỏ, ai nấy đều căng mắt để dõi theo các phương tiện lưu thông trên đường với nhiệm vụ phát hiện các lỗi vi phạm, cũng là phát hiện dấu hiệu ùn tắc để thông báo về cho các đội địa bàn kịp thời xử lý.

8h30 ngã tư Phạm Văn Đồng - Cổ Nhuế, lưu lượng xe lưu thông đã bớt phần căng thẳng. Cũng có thể do sự thông thoáng này, nhiều người dân đi đường dường như có tâm lý chủ quan hơn. Tín hiệu đèn vàng bật sáng, người điều khiển chiếc xe  mang BKS 29C - 61285 vẫn lao vun vút. Ngay lập tức Thiếu úy Phạm Văn Trình đã kích chuột phóng to màn hình, chụp lại biển số, đồng thời điện đàm báo cho tổ công tác đứng chốt gần đấy, dừng xe, xử lý vi phạm.

Trong ngày đầu tiên, hơn 20 trường hợp vi phạm giao thông phát hiện qua camera đã bị xử lý ngay trên đường.

Ngồi ngay cạnh, qua màn hình quan sát khu vực Giải Phóng- Kim Đồng, Thiếu úy Phạm Bình Minh cũng phát hiện một taxi của hãng ABC BKS 30A-875.51 phạm lỗi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông. Với lỗi tương tự, ở màn hình thứ 3 khu vực Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch, chiếc xe  BKS 29C-012.86 cũng được lực lượng CSGT chụp biển số báo về cho đội địa bàn…

Cứ thế, chỉ trong vòng 1 tiếng buổi sáng, hàng chục xe vi phạm giao thông đã được phát hiện qua trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông. Chỉ sau ít phút thông tin từ đội đèn báo về cho các đội địa bàn, hàng loạt vi phạm đã được lực lượng CSGT lập biên bản. Đại úy Phạm Văn Chiến, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 3 (đơn vị chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông địa bàn quận Đống Đa), người trực tiếp xử lý vi phạm tại địa bàn cho biết: “Sau khi nhận được tín hiệu và hình ảnh từ trung tâm, chúng tôi sẽ dừng xe thông báo lỗi, đồng thời kiểm tra giấy tờ của người điều khiển. Để người vi phạm thực sự tâm phục, chúng tôi sẽ cho họ xem hình ảnh xử lý bằng camera. Đa phần, người dân đều hợp tác và chấp hành nghiêm túc”.

Là một trong những người bị xử phạt vi phạm qua hình ảnh sáng 1-12, anh Nguyễn Ngọc Toàn chia sẻ: “Không ai muốn bị phạt, nhưng khi sai mà đã có hình ảnh thì mình phải chấp nhận. Là người vi phạm nhưng tôi thấy cách xử lý qua hình ảnh này của lực lượng CSGT rất công bằng. Qua phương pháp này, tôi tin chắc người dân sẽ có ý thức hơn khi tham gia giao thông”.

Trên thực tế, theo ghi nhận của phóng viên ngày 1-12, việc xử lý vi phạm qua hình ảnh đã được người dân chấp hành một cách tích cực. Tuy nhiên, nhiều người cũng kiến nghị, CSGT nên làm thường xuyên, chứ không nên chỉ xử lý trong một vài ngày rồi lại thôi. Vì chỉ có xử phạt nghiêm mới mong người dân nâng cao ý thức hơn.

Chiều 1-12, trao đổi với phóng viên Báo CAND, lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội cho biết, trong ngày đầu ra quân, có khoảng hơn 20 trường hợp vi phạm giao thông phát hiện qua camera bị xử lý ngay trên đường. Còn những trường hợp vi phạm khác, lực lượng chưa kịp dừng xe thì hình ảnh vi phạm sẽ được in ra và gửi về theo địa chỉ chủ phương tiện đăng ký. Tuy nhiên, việc lắp đặt nhiều hệ thống camera là nhằm giám sát giao thông, đồng thời giải quyết kịp thời các sự cố giao thông trên đường, còn việc xử phạt chỉ là một phần nhỏ. “Chúng tôi chỉ mong người dân ra đường là nâng cao ý thức chấp hành, chứ không mong xử phạt vi phạm nhiều”.

Thượng tá Nguyễn Văn Tòng, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP Hà Nội cho biết thống kê trong năm 2015, qua hệ thống camera giám sát, đã phát hiện và xử lý gần 4.000 phương tiện vi phạm. Đáng chú ý, số lượng ôtô, xe máy bị xử phạt “nguội” rất lớn, khoảng hơn 2.000 xe. Đối với những trường hợp CSGT không dừng ngay được phương tiện để xử lý, Phòng CSGT sẽ gửi thông báo về tận nhà chủ phương tiện hoặc lái xe, yêu cầu đưa phương tiện đến trụ sở giải quyết theo quy định.

Trước băn khoăn liệu những thông báo của CSGT có chính xác và được gửi đúng địa chỉ người vi phạm hay không, Thượng tá Nguyễn Văn Tòng khẳng định: Hệ thống lưu trữ, tra cứu phương tiện của Phòng CSGT hiện quản lý tất cả các phương tiện đã được đăng ký trên địa bàn Hà Nội. Trong trường hợp các phương tiện mang biển kiểm soát ở tỉnh, thành phố khác, đơn vị sẽ phối hợp với Cục CSGT và CSGT các địa phương để xác minh, gửi thông báo mời chủ phương tiện hoặc lái xe vi phạm lên làm việc. Đối với các phương tiện sau khi mua bán mà không sang tên, chuyển chủ đăng ký lại theo quy định, Phòng CSGT sẽ gửi lên Cục CSGT để ra thông báo đến lực lượng CSGT trên toàn quốc hỗ trợ xử phạt khi phát hiện chiếc xe lưu thông trên đường.

“Đơn vị cũng sẽ gửi công văn, kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan dừng không đăng kiểm đối với những phương tiện này, khi nào người vi phạm đến trụ sở CSGT nộp phạt mới tiếp tục cho phép đăng kiểm để lưu hành. Nếu lái xe hoặc chủ phương tiện không chấp hành, Phòng CSGT cũng kiến nghị các cơ sở đăng ký xe trên toàn quốc không cho đăng ký, sang tên, đổi chủ đối với những phương tiện trên cho đến khi quyết định xử lý vi phạm được lái xe thực hiện”, Thượng tá Tòng khẳng định.

Phạm Huyền
.
.
.