Ngày Tết lo chuyện trái khoáy ở Bến xe Miền Đông

Thứ Hai, 14/01/2019, 07:43
Bến xe Miền Đông (TP Hồ Chí Minh) là bến xe lớn nhất của cả nước với mức phục vụ bình quân 21.000 lượt khách/ngày và khoảng 1.100 đầu xe xuất bến. Dịp cao điểm Tết, bến xe này phục vụ gần 60.000 hành khách và 1.800 đầu xe xuất bến mỗi ngày.


Thế nhưng khi cao điểm phục vụ vận chuyển khách cận kề, thì khoảng 100 quầy bán vé trong nhà ga của Bến xe Miền Đông đã hết hạn hợp đồng thuê quầy vé từ ngày 31-12-2018 vừa qua, nhưng hiện Bến xe Miền Đông không thể tiếp tục tái ký hợp đồng cho các đơn vị vận tải khách tiếp tục thuê quầy để tự tổ chức bán vé cho khách đi xe. Nhiều DN vận tải đã phản ứng với một số bộ ngành liên quan về việc này nhưng vẫn chưa nhận được kết quả thỏa đáng.

Tìm hiểu về những rắc rối đang xảy ra giữa Bến xe Miền Đông và cả trăm đơn vị vận tải khách, PV Báo CAND được biết là do DN quản lý Bến xe Miền Đông chưa được quyền cho thuê lại. Trên cả nước không có bến xe khách nào vướng phải tình trạng như Bến xe Miền Đông hiện nay.

Tết đã cận kề, nhưng cả trăm đơn vị vận tải khách liên tỉnh vẫn chưa biết có tiếp tục được thuê quầy vé trong Bến xe Miền Đông nữa hay không.

Trước đó, trong một văn bản gửi cho DN Bến xe Miền Đông vào ngày 11-6-2018, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền đã khẳng định: Việc công ty cho các đơn vị vận tải thuê quầy vé tại Bến xe Miền Đông là đúng với quy định tại Khoản 2, Điều 83, Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Do văn bản của cơ quan quản lý chuyên ngành trên không đủ sức nặng để gỡ vướng cho bến, nên ngày 22-10-2018, ông Nguyễn Cao Phú, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông đã phải có văn bản gửi UBND TP Hồ Chí Minh để kiến nghị thành phố cho phép đơn vị tiếp tục thực hiện cho thuê quầy bán vé xe, văn phòng điều hành vận tải trong nhà ga của bến để các đơn vị vận tải, nhà xe tự tổ chức bán vé.

Đồng thời cho phép DN bến được tiếp tục phối hợp với các đơn vị để khai thác, kinh doanh các mặt bằng trong nhà ga nhằm cung cấp dịch vụ tiện ích hỗ trợ vận tải đường bộ theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về bến xe khách.

Ngày 2-11-2018, đề nghị này của DN Bến xe Miền Đông được UBND thành phố giao cho thường trực Ban chỉ đạo 167 của Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan rà soát, báo cáo đề xuất trình UBND thành phố quyết định.

Đến nay, DN bến vẫn chưa nhận được hồi âm, chưa biết có được thành phố đồng ý hay không nên đến nay DN quản lý Bến xe Miền Đông không dám đặt bút tái ký hợp đồng cho thuê quầy vé để các đơn vị vận tải khách trong bến yên tâm hoạt động.

Một nguyên nhân khác gây ra sự bất ổn với hoạt động vận tải khách ở Bến xe Miền Đông ngay trước dịp cao điểm Tết còn do trước đây Bến xe Miền Đông đã được TP Hồ Chí Minh giao đất, cấp sổ đỏ để sử dụng lâu dài và chỉ phải nộp tiền sử dụng đất hàng năm.

Gần đây, thành phố bất ngờ yêu cầu bến phải ký hợp đồng thuê với toàn bộ diện tích đất đã được giao làm bến xe. Việc cho thuê hiện còn phải chờ Sở Tài chính phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường tính toán đơn giá cho thuê đất, trình UBND thành phố quyết định, khi đó Bến xe Miền Đông mới có thể ký hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên - Môi trường.

Ngay cả khi đã được thành phố cho thuê đất, thì để được ký hợp đồng cho các đơn vị vận tải khách thuê quầy vé, Bến xe Miền Đông sẽ phải trả trước tiền thuê đất 50 năm mới có quyền này. Muốn được miễn giảm tiền thuê đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bến xe Miền Đông sẽ phải chờ thành phố xin ý kiến các bộ liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ GTVT.

Ngược lại, liền một lúc phải nộp cả khoản tiền thuê đất rất lớn cho cả thời gian thuê 50 năm, đơn vị quản lý Bến xe Miền Đông là doanh nghiệp Nhà nước cũng sẽ chẳng biết sẽ lấy tiền ở đâu để nộp.

Ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó giám đốc Bến Xe Miền Đông cho biết, nếu không được tiếp tục ký hợp đồng cho các đơn vị vận tải thuê quầy vé, bến sẽ phải lấy lại để tự tổ chức bán vé cho hành khách. Để tổ chức bán vé tại 100 quầy vé này, bến sẽ phải bố trí khoảng 250 nhân viên. Nhưng có quầy rồi, bến sẽ lấy vé xe ở đâu ra để bán hiện vẫn còn là ẩn số bởi có ủy quyền cho bến bán vé hộ hay không là quyền quyết định của các đơn vị vận tải khách và nhà xe.

Càng rắc rối hơn khi vé xe là một loại hóa đơn điện tử của các đơn vị vận tải và đã được các đơn vị bán theo hình thức trực tuyến, nên ngay cả khi Bến xe Miền Đông được các đơn vị vận tải ủy quyền cho bán vé hộ, thì muốn giải quyết chuyện đổi, trả vé cho khách đã mua là điều không dễ đối với bến xe khi phải can thiệp vào hệ thống hóa đơn điện tử và hệ thống bán vé trực tuyến của dơn vị vận tải.

Ông Huy lo lắng cho biết, khi không được cho thuê quầy để tự tổ chức bán vé trong bến, các đơn vị vận tải sẽ bỏ ra ngoài thuê mặt bằng để bán vé, việc này sẽ càng khiến việc kiểm soát về giá vé, số lượng vé bán ra của đơn vị vận tải thêm khó khăn với bến xe và các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan.

Đ.Thắng
.
.
.