Minh bạch “cuộc đua” biển số đẹp

Thứ Tư, 07/03/2018, 10:54
Bộ Công an chủ trì đã phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính lập dự thảo quy định đấu giá biển số xe đẹp và đang trình Chính phủ. Việc biển số xe đẹp sẽ được đưa ra đấu giá công khai là cơ hội cho tất cả những ai thích “săn” cho mình số đẹp như ý.


Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Bảo Ngọc - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) về một số vấn đề pháp lý xung quanh vấn đề đang thu hút sự chú ý của dư luận này.

Phóng viên (PV): Xin Luật sư cho biết ý kiến về việc đấu giá biển số xe đẹp? Đâu là căn cứ pháp lý để thực hiện việc này?

Luật sư Phạm Thanh Bình: Trên thực tế, việc đấu giá biển số xe đẹp đã được thực hiện ở rất nhiều các quốc gia trên thế giới. Đấu giá quyền sử dụng biển số xe ôtô, xe máy đẹp không chỉ xuất phát từ mục đích tăng thu ngân sách cho Nhà nước mà do nhu cầu muốn sở hữu biển số đẹp của một bộ phận người dân. 

Hơn nữa, đấu giá cũng là cơ sở để tăng tính minh bạch, tránh hiện tượng “cò mồi”, tiêu cực trong khâu cấp biển số. Do đó, nếu việc đấu giá được xây dựng cụ thể và thực hiện một cách nghiêm túc thì sẽ mang đến những kết quả tích cực.

Về mặt pháp lý: Khoản 7 Điều 4 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định: “Đất đai; tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước, tài nguyên Internet, phổ tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh và các tài nguyên khác do Nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật”. 

Theo quy định này thì biển số xe là kho số để phục vụ quản lý nhà nước nên được coi là một trong những loại tài sản công; Nhà nước có chính sách đầu tư, khai thác và bảo vệ tài sản này. Do đó, việc các cơ quan có thẩm quyền đề nghị đấu giá biển số xe đẹp là có cơ sở pháp lý.

Những biển số xe đẹp như thế này khi được cấp mới sẽ được đấu giá công khai.

PV: Thưa Luật sư so với nhu cầu sử dụng biển số xe đẹp, thì đến giờ (khi Chính phủ thông qua), việc đấu giá biển số xe đẹp có muộn không? Năm 2006, Nghệ An đã tiến hành đấu giá biển số xe đẹp nhưng không thành công. Hơn 10 năm sau, khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 có hiệu lực thì việc này mới được thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Luật sư đánh giá thế nào về việc này?

Luật sư Phạm Thanh Bình: Việc bán đấu giá biển số xe đã được đưa ra bàn thảo, tranh luận từ nhiều năm nay; từ năm 1993, Cục Cảnh sát giao thông đã đề nghị thực hiện đấu giá biển số xe để tăng nguồn thu cho ngân sách. Sau đó, các tỉnh Hải Phòng, Bình Thuận, Nghệ An cũng đã áp dụng thử nghiệm; tuy nhiên, Bộ Tài chính, Bộ Công an cũng đã sớm yêu cầu dừng các cuộc đấu giá này do có quá nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Khoảng tháng 3-2017, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý về mặt chủ trương, giao cho Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp nghiên cứu xây dựng Thông tư liên tịch về đấu giá biển số xe. Chủ trương đấu giá biển số xe đẹp sau hơn 10 năm mới được chấp nhận bởi những nguyên nhân chính sau đây:

- Giai đoạn trước đây khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 đang có hiệu lực thi hành thì kho số (biển số xe) chưa được coi là tài sản công. Do đó, việc đấu giá biển số xe gặp rất nhiều vướng mắc trong việc xác định đây thuộc loại tài sản nào và khi đấu giá xong thì có được coi là tài sản thuộc sở hữu của người trúng đấu giá hay không? Bên cạnh đó, việc đấu giá tại thời điểm này cũng không có văn bản pháp luật điều chỉnh cụ thể, thống nhất nên rất khó để thực hiện.

- Tuy nhiên, khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 có hiệu lực thì đã quy định rõ kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước là một trong các loại tài sản công. Từ quy định này thì chủ trương về đấu giá biển số xe đẹp mới có đủ căn cứ pháp lý để thực hiện.

PV: Theo dự thảo, việc đấu giá sẽ tiến hành công khai, minh bạch thông qua hình thức trực tuyến, Luật sư đánh giá thế nào về cách làm này?

Luật sư Phạm Thanh Bình: Việc đấu giá biển số xe thông qua hình thức trực tuyến cũng có thể coi là hoạt động cải cách thủ tục hành chính và bảo đảm tính khách quan, cụ thể: đấu giá trực tuyến góp phần tạo điều kiện cho mọi người dân ở bất kỳ nơi nào cũng có thể tham gia được. Để việc cấp quyền sử dụng biển số xe thông qua đấu giá đảm bảo được công khai, minh bạch và công bằng, tất cả kho số đưa ra đấu giá đều được niêm yết công khai tại nơi đăng ký xe và trên trang đấu giá trực tuyến.

Tuy nhiên, việc đấu giá thông qua hình thức trực tuyến vẫn có một số điểm hạn chế ví dụ như: Theo dự thảo của đề án về điều kiện bắt buộc thì mỗi người dân đều phải có một tài khoản, có phương tiện và có đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Trên thực tế, không phải người dân nào cũng có điều kiện và thành thạo trong việc sử dụng máy vi tính cũng như mạng internet nên việc đấu giá trực tuyến cũng là một trở ngại lớn đối với họ.

Ngoài ra, việc kiểm soát thực tế đối với hoạt động triển khai đấu giá trực tuyến có thể sẽ gặp rất nhiều bất cập. Các cơ quan có thẩm quyền cần có phương án thật chặt chẽ, cụ thể mới có thể bảo đảm hiệu quả của các sàn đấu giá trực tuyến.

PV: Dự thảo cũng quy định, biển số xe đẹp sẽ không được chuyển nhượng, ông có ý kiến gì về việc này?

Luật sư Phạm Thanh Bình: Như đã phân tích ở trên thì biển số xe là tài sản công nên cần phân biệt rõ với tài sản thuộc sở hữu của một cá nhân, tổ chức quy định tại Bộ luật Dân sự. Biển số bắt buộc gắn theo xe chứ không được coi là tài sản nên không phát sinh quyền tài sản. 

Bên cạnh đó, theo quy định của Thông tư 15/2014/TT-BCA ngày 4-4-2014 thì biển số xe nói chung cũng như biển số đẹp nói riêng chỉ được cấp khi đăng ký xe hoặc làm thủ tục thay đổi sang biển mới. 

Trường hợp đăng ký sang tên xe trong cùng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì giữ nguyên biển số cũ (trừ biển loại 3 số, 4 số hoặc khác hệ biển thì nộp lại biển số để đổi sang biển 5 số theo quy định) và cấp giấy chứng nhận đăng ký xe cho chủ xe mới; nếu sang tên, di chuyển xe đi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác thì phải rút hồ sơ gốc và thực hiện đổi biển số tại tỉnh đang thường trú và cấp đổi đăng ký xe sang tên cho chủ xe mới.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 22 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì: “Sản xuất, sử dụng trái phép hoặc mua, bán biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng” là một trong các hành vi bị cấm.

Như vậy, việc quy định không được chuyển nhượng hoặc tái đấu giá biển số xe nói chung và biển số xe đẹp nói riêng là hoàn toàn có căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành.

PV: Theo dự thảo, số tiền thu được từ hoạt động đấu giá sẽ nộp ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nếu việc đấu giá biển số đẹp để lấy tiền ủng hộ người nghèo (hoặc trích lại một phần để ủng hộ người nghèo) sẽ thu được nhiều hơn và hoạt động này cũng có ý nghĩa hơn, ông đánh giá thế nào về việc này?

Luật sư Phạm Thanh Bình: Các văn bản pháp luật cần hướng tới phạm vi điều chỉnh rộng, bao quát; ý kiến nên lấy khoản tiền thu được từ việc đấu giá biển số đẹp để để lấy tiền ủng hộ người nghèo cũng là một ý kiến rất nhân văn nhưng sẽ gây ra vướng mắc trong công tác quản lý. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đã có các văn bản cũng như những chính sách riêng đối với việc trích ngân sách để ủng hộ, hỗ trợ người nghèo theo từng giai đoạn. Vì vậy, khoản tiền thu được từ việc đấu giá biển số đẹp nộp vào ngân sách Nhà nước sẽ hợp lý và thuận lợi hơn trong công tác quản lý.

PV: Xin cảm ơn Luật sư về cuộc trao đổi này.

Cao Hồng (Thực hiện)
.
.
.