Làm đường trên cao để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất

Thứ Năm, 02/02/2017, 09:51
Theo phân tích của Cục Hàng không Việt Nam, năm 2016, sân bay Tân Sơn Nhất đã đón hơn 32 triệu hành khách, vượt 30% so với thiết kế. Lượng hành khách, phương tiện đến sân bay tăng cao trong khi hạ tầng kết nối giao thông chưa đầu tư hoàn chỉnh, dẫn đến tình trạng ùn tắc, kẹt xe thường xảy ra ở khu vực sân bay.

Tình trạng ùn tắc xảy ra trên các tuyến đường tiếp cận sân bay Tân Sơn Nhất xảy ra do nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chính vẫn là giao thông dành cho việc tiếp cận tới Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất còn thiếu. Hiện nay chỉ có một hướng ra vào chính từ đường Trường Sơn. Tuyến này thường xuyên bị tắc nghẽn vào giờ cao điểm và đặc biệt là vào mùa mưa.

Nguyên nhân tiếp theo là vòng xoay Công viên Hoàng Văn Thụ đang tồn tại rất nhiều giao cắt. Giao cắt liên tục là nguyên nhân chính ảnh hưởng tới thời gian di chuyển. Phương tiện từ sân bay đi ra Trường Sơn, khi đến đường Trần Quốc Hoàn đã xung đột với các phương tiện khác tại nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện đã khiến cho phương tiện bị ùn ứ. Tại nút giao Trần Quốc Hoàn - Hoàng Văn Thụ, những phương tiện rẽ trái đi về phía trung tâm thành phố đều bị dồn lại khi đường rẽ trái bị thu hẹp.

Sơ đồ tuyến đường trên cao để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Cùng với đó lượng phương tiện từ hướng đường Phạm Văn Đồng qua Trường Sơn đến Trần Quốc Hoàn rẽ phải về đường Cộng Hòa và nút giao Lăng Cha Cả rất đông càng làm cho nút giao này thêm phức tạp. Vì vậy, chỉ cần có một sự cố giao thông nhỏ, là ùn tắc ở nút giao Lăng Cha Cả lập tức xảy ra khiến phương tiện ùn ứ kéo dài trên đường Trần Quốc Hoàn, Trường Sơn, thậm chí là đến tận ga quốc nội...

Để giải quyết bài toán ùn tắc tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, mới đây Công ty CP Hạ tầng Đông Á đã đề xuất đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng xây dựng hệ thống đường trên cao theo hình thức PPP.

Cụ thể, tuyến đường trên cao sẽ xuất phát từ nhà ga quốc tế T2, đi trước mặt nhà ga quốc nội T1, ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhất rồi chạy thẳng qua đường Thăng Long. Sau đó tiếp tục đi trên cao theo đường Phan Thúc Duyện, vượt qua Công viên Hoàng Văn Thụ, nối đất theo hai nhánh Nguyễn Văn Trỗi và Hoàng Văn Thụ để vào trung tâm thành phố.

Đường trên cao này sẽ xây dựng bằng kết cấu dầm hộp thép, quy mô mặt cắt ngang tuyến chính 3 làn xe và các đường nhánh là 2 làn xe. Để giảm tải cho nút giao Lăng Cha Cả, nhà đầu tư sẽ bố trí một nhánh từ đường Trường Sơn để cho các phương tiện đi lên đường trên cao rẽ về trung tâm. Từ đường Trần Quốc Hoàn cũng bố trí nhánh lên để các phương tiện từ nhà ga T3 sau này lên đường trên cao về trung tâm.

Theo đề xuất của nhà đầu tư, thời gian thi công tuyến đường trên cao này dự kiến thực hiện trong khoảng 18 tháng. Trong quá trình thi công, để đảm bảo hoạt động liên tục của sân bay Tân Sơn Nhất, công tác thi công sẽ tổ chức theo giai đoạn hợp lý, không ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của sân bay cũng như hệ thống giao thông tiếp cận.

Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, để nhanh chóng giảm ùn tắc cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, năm nay thành phố cũng ưu tiên bố trí vốn cho một loạt các dự án nâng cấp mở rộng đường giao thông kết nối.

Cụ thể, dự án cải tạo mở rộng đường Hoàng Minh Giám, đoạn từ Công viên Gia Định đến đường Đào Duy Anh và đoạn nối vào đường Phổ Quang; cải tạo đường Cộng Hòa đoạn từ hẻm số 2 trên đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long.

Cùng lúc, thành phố sẽ ưu tiên đầu tư mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ đoạn giáp ranh sân bay đến đường Cộng Hòa. Tuy nhiên, theo ông Mai Trọng Tuấn, nguyên phi công sân bay Tân Sơn Nhất, thì đã đến lúc cần thiết phải mở thêm cả tuyến giao thông song song với đường Cộng Hòa, là tuyến nối từ phía cuối đường Thăng Long đến đường Tân Sơn cho người dân đi lại. Đây là tuyến đường đang do các đơn vị quân đội quản lý.

Ông Tuấn cho rằng, với tình hình tắc nghẽn giao thông hiện nay, khi xảy ra tình huống khẩn cấp, quân đội cũng không thể đè tràn lên phương tiện trên đường để hành quân nên cần ưu tiên huy động triệt để quỹ đất vào phục vụ giao thông nhằm giảm ùn tắc cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Ưu tiên cấp vốn cho 73 công trình cấp bách về
hạ tầng giao thông đô thị trong năm 2017

Năm 2017, TP Hồ Chí Minh xác định sẽ có 73 công trình thuộc các lĩnh vực cấp bách cần ưu tiên bố trí vốn và đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Trong đó, các công trình về hạ tầng giao thông đường bộ có đến 50 công trình cầu, đường nhằm giảm tải ùn tắc giao thông.

Nổi bật trong số các công trình cầu đường bộ là công trình cầu vượt tại nút giao đường Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài nhằm góp phần giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất; dự án mở rộng QL22 từ ngã tư An Sương đến ranh giới tỉnh Tây Ninh và dự án đường cao tốc liên vùng phía Nam từ Bến Lức của Long An đi Nhơn Trạch, Long Thành ở Đồng Nai; và đường Vành đai 3 từ Tân Vạn đi Nhơn Trạch…

Đặc biệt, để giảm tải cho cảng Cát Lái, một loạt các tuyến kết nối xung quanh khu vực cảng này sẽ được triển khai như đường nối từ cầu Rạch Chiếc đến nút giao Bình Thái; xây dựng tuyến kết nối từ Cát Lái đến đường Vành đai 2; xây dựng đường nối từ Nguyễn Văn Hưởng đến Xa lộ Hà Nội; xây dựng đường song hành với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đoạn từ nút giao An Phú đến đường Đỗ Xuân Hợp…

Đ.Thắng
.
.
.