Kỳ 4: Một xe khách có 2 phù hiệu
Có vẻ như từ lý do này, bà Diễm muốn đá “quả bóng trách nhiệm” chủ công trong kiểm soát việc chấp hành quy định với hoạt động vận tải khách sang đơn vị khác bằng cách đề xuất UBND quận Bình Thạnh giao Phòng Kinh tế quận làm văn bản gửi Sở KH&ĐT hướng dẫn gỡ vướng cụ thể việc xử lý vi phạm kinh doanh không đúng ngành nghề.
Trước đó, khi cơ quan có trách nhiệm đề xuất Sở KH&ĐT rút giấy phép với chi nhánh Công ty Trân Bảo Trân tại địa chỉ 391 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, Sở này đã thẳng thắn trả lời rằng trong 4 trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN, hành vi “đón trả khách trái phép” và “lập điểm giao dịch đón, trả khách trái phép mang tính bến cóc, xe dù” không thuộc trường hợp bị thu hồi, nên Sở KH&ĐT không thể đáp ứng yêu cầu này.
Từ đó 1 xe khách có thể được cấp đến 2 phù hiệu xe chạy tuyến cố định và xe hợp đồng. Có được “bửu bối” này trên xe, muốn vào bến, tài xế chỉ cần trưng phù hiệu chạy tuyến cố định phía trước. Còn muốn chạy thẳng vào nội thành, tài xế dán phù hiệu xe hợp đồng lên kính xe là có thể ngang nhiên vào các tuyến phố đông đúc, nơi có địa điểm trụ sở, văn phòng hoặc chi nhánh của DN xe khách.
Theo ông Việt, đây chính là chiêu đối phó của các hãng vận tải với lực lượng kiểm tra. Hậu quả từ kiểu đối phó này đã khiến cho các kết hoạch tổ chức chốt chặn, kiểm soát hành trình của xe khách của Thanh tra GTVT tại các cửa ngõ ra vào thành phố trở thành công cốc.
Để có thể kiểm soát được hoạt động vận tải khách trá hình trong khu vực nội đô, trước đó Thanh tra GTVT cũng đã đề xuất giải pháp: Trước khi cấp phép cho lập bãi đậu xe và trụ sở kinh doanh vận tải, Sở KH&ĐT cần tham khảo ý kiến của Sở GTVT xem địa điểm cấp phép có ảnh hưởng đến trật tự ATGT, kết nối giao thông hay không vì đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Nhưng Sở KH&ĐT cho rằng, vấn đề này không được quy định trong luật nên không thể áp dụng. Thậm chí, Thanh tra Sở GTVT còn đề nghị hạn chế cấp phép hoạt động vận tải khách trong khu vực nội thành. Nhưng cũng do chưa có quy hoạch nên đề nghị này cũng lại không được Sở KH&ĐT ghi nhận.
Theo ông Lê Hồng Việt, trên đường đã khó phát hiện sai phạm, chỉ một mình Thanh tra GTVT hay CSGT khó có thể tự ý vào DN để kiểm tra, xử lý. Các lực lượng này chỉ có thể kiểm tra hợp đồng, kiểm tra phù hiệu dán trên xe, địa chỉ ghi trên hợp đồng...
Ngay cả khi DN vận tải ghi địa chỉ đón trả khách trên hợp đồng là địa chỉ văn phòng, trụ sở của DN hoạt động trong nội thành, thì Thanh tra GTVT hay CSGT cũng không thể làm gì hơn. Các lực lượng này cũng không có quyền kiểm tra giấy tờ tùy thân của hành khách đứng ra ký hợp đồng vận chuyển dù họ có ngồi ngay trên xe, nên càng khó tìm ra sai phạm để xử phạt xe hợp đồng.
Đề xuất giải pháp xử lý xe khách trá hình, bến xe núp bóng trụ sở DN vận tải do Thanh tra GTVT thành phố đưa ra lấy ý kiến vừa qua cũng đã được 14 đơn vị liên quan tham gia góp ý. Trong đó các ý kiến đều thống nhất rằng phương tiện vận tải khách trá hình, bến xe núp bóng đều là của các DN vận tải khách có đăng ký kinh doanh đàng hoàng. Hoạt động theo hình thức vận tải khách tuyến cố định nhưng biến tướng, núp bóng dưới dạng vận chuyển khách theo hợp đồng hoặc du lịch.
Theo Ban ATGT quận Tân Bình, với xe hợp đồng, chỉ cần nhà xe có bản hợp đồng và danh sách hành khách là có thể đón khách tại bất kỳ địa điểm nào thể hiện trên hợp đồng. Điều này gây nhiều khó khăn cho công tác xử lý nên đây cũng là loại hình biến tướng phổ biến nhất. Tuy nhiên, đặc điểm kinh doanh dễ nhận biết là thu gom khách lẻ, sau đó mới làm hợp đồng và danh sách hành khách đi trên xe để đối phó. Trá hình bằng loại hình này, các nhà xe thường tổ chức thu tiền vé của khách ngay trên xe và thường xuyên hoạt động theo một tuyến cố định.
Các ý kiến góp ý về giải pháp triệt xóa xe khách trá hình, bến xe núp bóng trụ sở DN cũng tập trung vào 3 nhóm giải pháp, gồm hoàn thiện quy định pháp lý không để kẽ hở để những DN vận tải vi phạm có thể lợi dụng hoặc lách luật; tổ chức lại giao thông đối với hoạt động vận tải khách liên tỉnh và phối hợp để kiểm tra, xử lý nghiêm những DN vận tải khách vi phạm.
Xe khách gây tai nạn nghiêm trọng do không được kiểm soát chặt chẽ. Như vậy, để kiểm soát trật tự vận tải khách, buộc DN phải dùng xe nhỏ để trung chuyển khách ra bến mới được chạy tuyến cố định đã có một loạt các văn bản pháp quy được ban hành những năm qua. Mục tiêu cuối cùng chỉ đơn giản là để ngăn chặn xe khách đua nhau tràn vào nội ô. Từ đó chặn hiểm họa do loại phương tiện này để lại trên hành trình ra vào trung tâm đã không thể thực hiện; mặc cho hệ lụy liên quan đến xe khách là đặc biệt nghiêm trọng. Vụ việc xe khách của hãng Phương Trang được cho là đang chở nhân viên từ nội thành ra Bến xe Miền Tây làm việc tông vào 7 xe máy trên cầu vượt Cây Gõ ở quận 6 khiến 9 người thương vong xảy ra vào cuối năm ngoái vẫn là lời cảnh báo nhãn tiền. |