Khó khăn trong chống xe quá tải ở Phú Thọ

Thứ Hai, 23/11/2015, 09:05
Triển khai trạm kiểm tra liên ngành kiểm tra tải trọng xe từ ngày 8/11/2013, Phú Thọ là tỉnh đầu tiên đưa trạm cân di động vào hoạt động (trước ngày cả nước ra quân 5 tháng). Sau hai năm triển khai, hiện có vướng mắc mà riêng lực lượng CSGT không thể xử lý được…

Để chống xe quá tải trên quốc lộ, tỉnh Phú Thọ triển khai hai trạm cân di động, một trạm ở quốc lộ 2 thuộc địa phận huyện Đoan Hùng; một trạm ở quốc lộ 32 di động từ cầu Phong Châu đến cầu Trung Hà. Ngoài trạm cân di động do Bộ GTVT trang bị, Sở GTVT phối hợp với Công an tỉnh, UBND các huyện, thị tổ chức kiểm tra tải trọng xe bằng các bộ cân xách tay đặt tại các tuyến đường tỉnh, đường huyện, các vị trí cửa ngõ ra vào các mỏ khai thác vật liệu xây dựng, mỏ khoáng sản, bến cảng…

Từ tháng 10/2014, để chống xe quá tải đi vào tuyến cao tốc Nội Bài- Lào Cai, Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng CSGT đường bộ- đường sắt bố trí lực lượng làm nhiệm vụ 24/24h tại Trạm thu phí nút IC8 (giao với quốc lộ 2) và nút IC10 (giao với quốc lộ 32C) để kiểm tra tải trọng xe, ngăn chặn và xử lý xe quá tải, quá khổ trước khi vào, ra đường cao tốc.

Kiểm tra xử lý xe quá khổ, quá tải tại Trạm kiểm tra tải trọng lưu động trên quốc lộ 2 thuộc địa bàn huyện Đoan Hùng.

Sau hai năm triển khai kiểm tra tải trọng xe (21/11/2013 – 20/10/2015), CSGT và TTGT tỉnh Phú Thọ đã kiểm tra 62.071 xe vi phạm, phát hiện, lập biên bản 9.344 trường hợp vi phạm, nộp Kho bạc Nhà nước hơn 26,2 tỷ đồng, tạm giữ 77 xe, tước giấy phép lái xe 6.016 trường hợp. Tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều vướng mắc mà riêng lực lượng CSGT không thể xử lý được.

Theo Thiếu tá Kiều Hữu Tĩnh, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Phú Thọ, một trong những vướng mắc hiện nay là chất lượng cân có độ chính xác không cao, hay hỏng vặt, nhiều mã cân sai số nhiều lần so với thực tế chở hàng của phương tiện, có xe cân 3 lần cho ra 3 kết quả khác nhau. Cũng do thiếu cân, không đủ cùng lúc kiểm tra ở tất cả các các tuyến đường, địa bàn trọng điểm nên nhiều phương tiện vẫn trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Cũng vì thiếu cân nên nhiều đơn vị khi phát hiện xe chở quá tải đã phải yêu cầu lái xe đưa xe đi… cân nhờ ở điểm cách xa nơi phát hiện vi phạm. 

Hầu hết các tuyến đường trên địa bàn Phú Thọ đều có đường hẹp chỉ đủ 2 làn xe chạy, không đáp ứng đủ các tiêu chí theo quyết định “Quy định về quản lý hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động” của Bộ GTVT. Vì vậy, khi đặt trạm cân chỉ cân được xe theo một chiều, xe ngược chiều buộc phải quay đầu, mật độ phương tiện tham gia giao thông cao nên rất dễ xảy ra tai nạn và va chạm giao thông tại vị trí cân tải trọng xe.

Trong khi đó, theo quy định ngoài hàng nông sản không phải hạ tải, còn một số hàng hóa muốn hạ tải phải có phương tiện chuyên dùng, nhưng hiện nay ngoài việc không có bãi hạ tải nên khi tổ chức trạm cân lưu động gặp khó khăn khi phải hạ tải thì CSGT cũng không được trang bị phương tiện chuyên dùng để hạ tải nên gặp khó khi phải hạ tải hàng hóa. 

Một cái khó nữa là hiện các quy định về nhập khẩu chưa chặt chẽ nên nhiều doanh nghiệp nhập xe tải trọng lớn hơn thiết kế cầu, đường bộ; nhiều doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải tự ý cải tạo, cơi nới thành, thùng xe vẫn được cấp chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật. Theo Thiếu tá Kiều Hữu Tĩnh, thực tế xử lý xe quá tải ở Phú Thọ đã xuất hiện bất cập từ chính sách. Cũng là một chiếc xe tải Howo nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng nếu đăng ký trước năm 2012 thì thành thùng được cao từ 1,2m đến 1,4m; nhưng cũng chiếc xe ấy nếu đăng ký năm 2013 thì thành thùng chỉ được cao 60cm. Thực tế này đã tạo sự không công bằng giữa các doanh nghiệp vận tải. CSGT Phú Thọ đã từng yêu cầu các doanh nghiệp có xe đăng ký trước năm 2012 phải cắt thành thùng xuống 60cm. Tuy nhiên các doanh nghiệp và lái xe cho biết nếu chấp hành theo yêu cầu của CSGT thì khi đi đăng kiểm họ sẽ bị đăng kiểm phạt vì xe không nguyên bản như đăng kiểm lần đầu. Đây thực sự là cái khó với CSGT và ngành Đăng kiểm cần phải ban hành quy định thay đổi về thành thùng xe đăng ký trước năm 2012.     

Theo Thiếu tá Kiều Hữu Tĩnh, để xử lý xe quá tải có hiệu quả, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương, đặc biệt các địa phương có cảng biển. Bởi nếu không xử lý nghiêm tải trọng từ nơi xuất hàng, sẽ rất khó khăn trong xử lý trên đường, nhất là với những mặt hàng đông lạnh, nông sản. Thực tế đã có chuyện vì Phú Thọ làm gắt việc xử lý xe quá tải, nhất là xe container chở hàng đông lạnh nên giữa tháng 9/2015, đã có hàng chục chiếc xe container chở hàng đông lạnh từ Hải Phòng lên Lào Cai khi thấy trạm cân ở địa bàn Phú Thọ đã cố tình dừng đỗ trên quốc lộ 32 thuộc địa phận Hà Nội, gây ùn ứ giao thông. Không những thế, một số xe container do chở quá trọng tải khi đi qua trạm cân đã bị xử phạt, buộc phải quay về nơi xuất hàng càng khiến cho tuyến quốc lộ 32 đoạn qua khu vực trên bị ảnh hưởng, khiến CSGT Hà Nội cũng phải tăng cường lực lượng điều tiết giao thông và xử lý các lái xe container cố tình dừng đỗ gây cản trở giao thông.

Từ thực tế, Bộ GTVT và các địa phương cần có giải pháp phù hợp để xử lý.

Nguyễn Thiêm
.
.
.