Dự án xe buýt nhanh nghìn tỷ ở Hà Nội: Méo mặt với cảnh ‘nhà nghèo" chơi hoang!

Thứ Năm, 07/01/2016, 08:45
Sau khi Báo CAND có bài viết “Cận cảnh dự án xe buýt nhanh nghìn tỷ tại Hà Nội: “Chưa hoàn thiện đã… xuống cấp” và “Lãng phí và kém hiệu quả”, ngày 29-12, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã có Công văn số 4211/SGTVT-KHĐT gửi Báo CAND trao đổi một số thông tin liên quan đến hợp phần xe buýt nhanh vận chuyển khối lượng lớn (BRT) thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội.


Trả nợ trong vòng 30 năm

Hợp phần xe buýt nhanh thuộc dự án phát triển giao thông đô thị là một hợp phần của dự án phát triển giao thông đô thị, với mục tiêu xây dựng một tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt chạy trên làn đường dành riêng, tốc độ nhanh để tăng cường năng lực vận chuyển của hệ thống vận tải hành khách công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trên một trục giao thông từ bến xe Yên Nghĩa đến Kim Mã. Đây là loại hình vận tải hành khách công cộng mới được triển khai thí điểm lần đầu ở Việt Nam.

Mỗi cây cầu vượt cho hành khách đi xe buýt nhanh có mức đầu tư  5 tỷ đồng.

Hợp phần xe buýt nhanh có tổng số vốn đầu tư khoảng 55,33 triệu USD, bao gồm chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng, mua sắm đoàn xe, xây dựng nhà chờ, các điểm đầu cuối, depot, trung tâm quản lý BRT, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống vé, hệ thống đèn tín hiệu ưu tiên và các hạng mục phụ trợ khác.

Theo Công văn số 4241/SGTVT-KHĐT của Sở GTVT Hà Nội thì việc trả nợ vốn vay để đầu tư cho dự án tuân thủ theo hiệp định vay ký giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới và trả dần trong vòng 30 năm.

Liên quan đến lộ trình xe buýt nhanh chỉ cắt khúc tuyến đường từ Bến xe Kim Mã đến Bến xe Yên Nghĩa, Sở GTVT diễn giải: Quá trình lập, thẩm định để phê duyệt hồ sơ thiết kế đều có sự tham gia của các bộ, ngành và các cơ quan chuyên môn đảm bảo tuân thủ các quy định của Ngân hàng Thế giới và của Chính phủ Việt Nam. Về tiến độ triển khai các hạng mục BRT, đến thời điểm hiện nay, các hạng mục xây dựng hạ tầng tuyến đang được gấp rút triển khai và dự kiến sẽ hoàn thành vào quý I năm 2016. Đề cập đến những khó khăn liên quan đến giao thông đô thị khi đưa hệ thống xe buýt nhanh vào hoạt động,

Sở GTVT thừa nhận: Các yếu tố tác động, ảnh hưởng của dự án đều đã được đề cập và lường trước những khó khăn trong quá trình triển khai, đặc biệt là vấn đề làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh làm thu hẹp không gian lưu thông của các loại phương tiện khác, ảnh hưởng rất lớn đến thói quen đi lại của người dân cũng như cách thức tổ chức giao thông hiện nay trên dọc hành lang tuyến BRT. Đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ùn tắc giao thông khi đưa tuyến BRT chính thức vào hoạt động.

Với mục tiêu phát triển vận tải hành khách công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và trên hành lang tuyến BRT không khuyến khích sự lưu thông của các phương tiện cá nhân, do đó các phương tiện giao thông khi lưu thông trên tuyến sẽ gặp một số khó khăn là điều tất yếu.

35 xe buýt “khủng” trị giá 250 tỷ đồng

Một trong những vấn đề được nhân dân đặc biệt quan tâm khi Hà Nội triển khai thực hiện dự án xe buýt nhanh là số tiền đầu tư vào các hạng mục của dự án nghìn tỷ này. Theo Ban quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội, tổng số xe buýt sử dụng cho dự án là 35 xe với kích thước 12,2m x2,5m, sức chứa 90 hành khách. Các bộ phận chính của xe được nhập khẩu từ Nhật, Đức, Mỹ… và được lắp ráp tại Việt Nam. Dự kiến đến tháng 6-2016 sẽ bàn giao xe.

Một nhà chờ xe buýt nhanh đã hư hỏng dù chưa đưa vào sử dụng.

Theo thiết kế, xe buýt BRT có hệ thống cửa mở bên trái đồng bộ với hệ thống nhà chờ trên toàn tuyến. Xe chạy trên làn đường bên trái và chỉ dừng đón trả khách tại các nhà chờ được xây dựng trên giải phân cách giữa. Tổng giá trị gói thầu theo dự toán được duyệt là khoảng 250 tỷ đồng.

Trong khi “nằm chờ” các hạng mục khác của dự án xe buýt nhanh hoàn thiện, mặc dù chưa đi vào sử dụng nhưng nhiều nhà chờ, cầu vượt dành riêng cho người đi xe buýt nhanh đã bị xuống cấp, cũ hỏng. Nếu được mục sở thị hệ thống nhà chờ, cầu vượt này, nhiều người sẽ không khỏi giật mình sửng sốt khi biết con số đầu tư cho mỗi hạng mục cũng đều là những con số “khủng”.

Theo Ban quản lý dự án, mỗi nhà chờ xe buýt được xây lắp với số tiền là 2 tỷ đồng. Tổng số nhà chờ của cả dự án là 21. Còn 5 tỷ đồng là số tiền đầu tư một cầu vượt dành cho người đi xe buýt nhanh. Dự án bao gồm có 8 cầu vượt được xây mới, 2 cầu vượt được gia cố thêm. Về những tồn tại về chất lượng cũng như mất vệ sinh tại nhà chờ đã và đang xây dựng như Báo CAND phản ánh, Sở GTVT đã chỉ đạo Ban quản lý dự án, bộ phận tư vấn giám sát, nhà thầu thi công cùng các đơn vị liên quan kiểm tra và khắc phục tất cả các tồn tại trước Tết Bính Thân 2016.

Để tuyến BRT đưa vào vận hành khai thác một cách có hiệu quả, Sở GTVT đang xây dựng một số giải pháp đồng bộ nhằm tổ chức giao thông đi lại trên toàn tuyến, trong đó ngoài giải pháp tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu và ủng hộ, chấp hành các phương án tổ chức giao thông, sẽ có các giải pháp điều tiết hoặc hạn chế một số loại phương tiện lưu thông trên tuyến, đồng thời có kế hoạch tăng cường kiểm tra giám sát xử phạt các hành vi vi phạm trật tự ATGT cho đến khi hình thành thói quen đi lại văn minh trật tự. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân khi tiếp cận các nhà chờ cũng như sử dụng các dịch vụ chất lượng cao lần đầu tiên được áp dụng cho tuyến BRT.

Như vậy, trong khi Hà Nội còn đang loay hoay với hàng ngàn phương án để giảm thiểu ùn tắc, hiện đại hóa giao thông đô thị thì với số vốn bỏ ra lên đến hơn 55 triệu USD, những gì người dân được nhìn thấy cũng như ý kiến của chuyên gia giao thông đô thị về dự án xe buýt nhanh là khá tiêu cực. Mặc dù chưa đi vào hoạt động nhưng sự lãng phí, khó hiệu quả của dự án đã bắt đầu bộc lộ.

Rõ ràng, trong lúc ngân sách Nhà nước hạn hẹp, chồng chất khó khăn thì việc Hà Nội vay hơn 1.000 tỷ đồng đổ vào dự án mà dù chưa đi vào hoạt động đã bộc lộ nhiều hạn chế, ít tác dụng, thì chẳng khác nào “nhà nghèo vung tay quá trán”. Số tiền 55,3 triệu USD thế hệ mai sau sẽ phải trả và “cái giá” của nó sẽ rất đắt về nhiều mặt.

Nguyễn Hương
.
.
.