Tạo đột phá với phương tiện cá nhân và xe buýt để giảm kẹt xe cho TP HCM:

Hạn chế cao ốc vào khu trung tâm, đẩy nhanh hạ tầng đỗ xe (Kỳ cuối)

Thứ Sáu, 30/12/2016, 10:18
Để giải quyết tình trạng kẹt xe hiện nay, Sở GTVT thành phố đã nêu ra 10 biện pháp cần tháo gỡ đến các cơ quan TW và thành phố như đề xuất cho chỉ định thầu các công trình cấp bách khép kín đường vành đai 2; xây dựng các bãi đỗ xe; ưu tiên bố trí vốn thực hiện các tuyến xe buýt nhanh...


Để giảm áp lực kẹt xe cho các tuyến đường nội thành TP Hồ Chí Minh, từ lâu KTS Khương Văn Mười - Hội Kiến trúc Việt Nam đã lưu ý rằng trên địa bàn có 87 tuyến sông, kênh. Hệ thống kênh, rạch chằng chịt là điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông đường thủy. Trong khi việc vận chuyển khách bằng đường thủy còn bỏ ngỏ, nếu được tổ chức tốt, mô hình vận tải thủy sẽ chia sẻ một phần áp lực ùn ứ, kẹt xe, ô nhiễm đang đè nặng lên các tuyến giao thông đường bộ.   

Số lượng ôtô, xe máy đã lên tới 7,8 triệu chiếc, nhưng đến thời điểm này ở khu vực trung tâm thành phố cũng mới chỉ có một bãi đậu xe công cộng cao tầng ở khu vực phường Cô Giang, quận 1 có sức chứa khoảng 500 ôtô và gần 4 ngàn xe máy. Còn lại, các tòa nhà, cao ốc, khách sạn ở khu vực này tự bố trí hầm trông giữ xe cho khách. Không có bãi giữ xe công cộng, thành phố phải cho phép sử dụng cả công viên, lòng đường ở một số nơi làm chỗ đỗ xe có thu phí. 

Về các bãi đậu xe ngầm đã được quy hoạch phát triển từ cách đây nhiều năm, thông tin được Giám đốc Sở GTVT thành phố Bùi Xuân Cường đưa ra cho biết, 4 dự án bãi đậu xe ngầm ở trung tâm có sức chứa hơn 6.290 ôtô và gần 3.920 xe máy  đang được đang triển khai, nhưng nhanh nhất cũng phải đến năm 2019 mới có thể hoàn thành.

Mật độ nhà cao tầng dày đặc ở khu vực trung tâm. 

Đề cập đến vấn đề phát triển đô thị, Chủ tịch Hiệp hội BĐS thành phố Lê Hoàng Châu cho biết, dân số của thành phố hiện đã ở mức gần 13 triệu người. Trong đó có gần 3 triệu người nhập cư và mức tăng dân số cơ học, tự nhiên trung bình hằng năm đã tương đương với số dân của một quận. Thế nhưng con số thống kê chính thức được đưa ra, thì dân số thành phố chỉ vào khoảng 8,3 triệu người. Việc này dẫn tới quy hoạch về chỉ tiêu dân số của thành phố và từng quận, huyện đều không phù hợp thực tế và gây trở ngại khi thực hiện chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị cũng như quá tải về hạ tầng. 

Ông Châu nêu ví dụ cụ thể, quận Bình Thạnh được xác định quy mô dân số đến năm 2020 chỉ có 560 ngàn dân, nhưng ngay từ năm 2014 dân số của quận đã đạt con số này. Hiện nay chỉ tính riêng khu đô thị Tân Cảng đã có trên 10.000 hộ dân với quy mô dân số tăng thêm từ 35 - 40 ngàn người. Do đó cần phải điều chỉnh nâng trần quy mô dân số của các quận, huyện phù hợp với thực tế.

Về vấn đề di dời các cảng biển, cụm công nghiệp, trường đại học, bệnh viện… ra khỏi trung tâm thành phố để giảm áp lực lên hạ tầng giao thông, đô thị, TS Nguyễn Bách Phúc nhìn nhận, “Giải pháp này nghe thật ảo tưởng, vì những người đề xuất đã lầm tưởng rằng sau khi các đơn vị đó dời đi thì khuôn viên của họ sẽ bỏ trống, rào kín lại, không còn người lui tới đây, phố phường sẽ hết kẹt xe”... 

Đó là chưa tính đến phí tổn di dời, hiệu quả kinh tế, hậu quả xã hội từ việc làm này. Càng nghịch lý hơn khi buộc những đơn vị thu hút đông người, phương tiện ra vào phải di chuyển ra vùng ven, thì chỉ với 20 ô phố ở khu trung tâm đã quy hoạch cả trăm tòa nhà cao tầng. Trên toàn bộ khu lõi trung tâm rộng 930ha cũng đã và đang tiếp tục có nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên. Đó là còn chưa tính đến việc cải tạo 565 lô chung cư cũ, các chung cư này sẽ xây cao tầng hơn. 

Quy mô dân số cũng được Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Nguyễn Thanh Nhã dự báo sẽ tăng them trên 51 ngàn người. Theo quy định hiện hành, chắc chắn các chung cư mới xây lại này sẽ dành trọn phần mặt bằng tầng trệt để làm sàn trung tâm thương mại, siêu thị… tạo sức hút người dân vào nội thành. 

Để giải quyết tình trạng kẹt xe hiện nay, Sở GTVT thành phố đã nêu ra 10 biện pháp cần tháo gỡ đến các cơ quan TW và thành phố như đề xuất cho chỉ định thầu các công trình cấp bách khép kín đường vành đai 2; xây dựng các bãi đỗ xe; ưu tiên bố trí vốn thực hiện các tuyến xe buýt nhanh; có giải pháp tổng thể kết nối giao thông với khu vực sân bay Tân Sơn Nhất; lập tổ liên ngành đảm bảo trật tư giao thông khu vực cảng Cát Lái... 

Nhưng khi lượng xe cá nhân vẫn tăng nhanh, nếu không có chỗ đậu xe, lượng xe máy, ôtô khổng lồ trên địa bàn thường xuyên phải chiếm dụng mặt đường càng khiến tình trạng kẹt xe thêm trầm trọng. 

Do đó đến thời điểm này, khi 4 dự án bãi đậu xe ngầm vẫn đang ngắc ngoải do vướng thủ tục hoặc do vốn đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn thấp... Thì để giải quyết hạ tầng bãi đậu xe công cộng, đã có 6 bãi đậu xe cao tầng khác đang được thành phố xem xét, cho xén đất tại các công viên như 23 tháng 9, công viên Gia Định, Bến xe quận 8, Bến xe chợ lớn… để xây dựng.

 Song thật đáng tiếc là từ cách đây 8 năm, một DN là Công ty CP Ngôi Sao Sáng đã đề xuất với thành phố được đầu tư xây dựng một loạt các điểm đậu xe nổi, bằng thép tiền chế lắp ghép cơ động cao tầng trên các tuyến kênh, nay đã bị rơi vào quên lãng.

Nhìn lại giải pháp phát triển hạ tầng đậu xe, quan điểm do nhà đầu tư này đưa ra là chọn các vị trí trên bờ kênh, rạch để vừa tận dụng được quỹ đất 2 bên bờ, không phải đền bù giải tỏa nên có thể phát triển nhanh về số lượng; lại vừa góp phần tạo cảnh quan cho các tuyến kênh do các bãi đậu xe nổi này giống như cây cầu lớn bắc ngang kênh, rạch. 

Chọn vị trí xin làm thí điểm ở đoạn gần cầu Bông trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, DN này đã được UBND thành phố chấp thuận về mặt chủ trương và Sở GTVT quan tâm ủng hộ. Khi chủ dự án thực hiện thiết kế sơ bộ, ra nước ngoài tìm hiểu công nghệ… Nhưng từ đó đến nay, thành phố chỉ tập trung lo cho các dự án làm bãi đỗ xe ngầm ngàn tỷ tại các công viên, chẳng đoái hoài gì đến giải pháp này nữa khiến nhà đầu tư cũng phải buông xuôi theo.

Đức Thắng
.
.
.