Hà Nội cho xe buýt thường đi vào làn đường xe buýt nhanh

Thứ Sáu, 05/05/2017, 08:54
Một trong những thông tin gây chú ý dư luận mấy ngày qua chính là việc Hà Nội đã thống nhất phương án cho xe buýt thường đi vào làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh tuyến Kim Mã-Yên Nghĩa và sau đó là các phương tiện khác.


Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải (GTVT), chuyên gia giao thông đô thị thì Hà Nội đang “sửa sai” ở dự án nghìn tỷ nhưng kém hiệu quả này.

Phát sinh bất hợp lý giao thông

Hà Nội đã vận hành chính thức tuyến xe buýt nhanh Kim Mã-Yên Nghĩa được hơn 4 tháng với số vốn đầu tư ban đầu lên đến cả nghìn tỷ đồng. Sau đó, để tạo điều kiện cho xe buýt nhanh vận hành, Hà Nội đã đưa ra một loạt các “đặc quyền” cho xe buýt nhanh như dành riêng làn đường cho xe buýt nhanh mà các phương tiện khác không được đi vào; cấm taxi lưu thông vào lộ trình xe buýt nhanh ở các khung giờ cao điểm… Tuy nhiên, chính những “đặc quyền” này đã tạo ra bất hợp lý về tổ chức giao thông cho các tuyến đường mà xe buýt nhanh đi qua.

Ông Lưu Huy Vinh, một cán bộ hưu trí trú tại phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, xe buýt nhanh đi vào hoạt động, lượng khách thì ít nhưng lại gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân, tạo ra ách tắc giao thông trên tuyến đường này. Tuyến xe buýt số 18,  22 và 33 đã bị điều chỉnh lại. Người dân muốn đi các tuyến này phải lên bến xe Kim Mã mới có thể bắt được xe gây tốn kém về thời gian và tiền bạc. 

Sau hơn 4 tháng vận hành, lượng hành khách đi xe buýt nhanh không nhiều.

Cũng theo bác Vinh thì việc cấm xe taxi đi vào tuyến đường trong lộ trình của xe buýt nhanh vào các giờ cao điểm (từ 6h-9h và 16h-19h30) cũng gây nhiều khó khăn cho người có nhu cầu đi taxi giờ này. 

Bên cạnh đó, lưu lượng xe qua lại tuyến đường Giảng Võ-Láng Hạ- Lê Văn Lương là rất lớn. Tuy nhiên, việc dành 1/3 đoạn đường dành cho xe buýt nhanh đã khiến đường hẹp lại, gây ùn tắc. Trong khi đó, 1/3 làn đường xe buýt nhanh chạy qua lại để không, xe khác đi vào là bị xử phạt.

Trong phiên họp thường kỳ của UBND TP Hà Nội diễn ra vào cuối tháng 4-2017 vừa qua, Hà Nội đã thống nhất phương án cho xe buýt thường chạy vào làn đường dành cho xe buýt nhanh. 

Lý giải về phương án này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, một xe buýt nhanh hoạt động trung bình thấp nhất chỉ có 34 khách, cao nhất chưa đạt 48 khách trong khi sử dụng làn đường riêng cho loại phương tiện này là chưa hợp lý. Vì vậy, theo Chủ tịch UBND TP, trước mắt cần cho xe buýt thường được đi vào làn đường dành cho xe buýt nhanh. 

Chủ tịch UBND TP giao Sở GTVT Hà Nội nghiên cứu, làm việc với Tổng Công ty vận tải để thí điểm cho các loại xe buýt khác đi vào làn BRT trong 6 tháng, sau đó, nghiên cứu mở rộng thêm các phương tiện khác. 

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông đô thị Hà Nội cho hay, đơn vị đang nghiên cứu phương án cho phép một số phương tiện ưu tiên được đi vào làn xe buýt nhanh. Tuy nhiên việc này cần thời gian vì hạ tầng dành cho xe buýt thường và buýt nhanh khác nhau, như nhà chờ của buýt thường bố trí ở lề đường phải, trong khi với buýt nhanh nhà chờ nằm giữa dải phân cách…

Dự án nghìn tỷ kém hiệu quả

Là người rất tâm huyết với giao thông đô thị của Thủ đô Hà Nội trong đó có dự án xe buýt nhanh, TS Nguyễn Xuân Thủy bày tỏ quan điểm, sau hơn 4 tháng vận hành chính thức tuyến buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa, việc Hà Nội cho thí điểm xe buýt thường đi vào làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh là điều tất yếu. Đây cũng là cách mà Hà Nội đang “sửa sai” tại dự án này. 

Bởi lẽ, khoảng không gian dành cho xe buýt nhanh là rất lớn trong khi hiệu suất vận chuyển của xe buýt nhanh lại thấp, chưa đạt 50% so với mức dự kiến vận chuyển là 90 hành khách/xe. Trong khi đó, làn đường còn lại dành cho các phương tiện khác chật hẹp, dễ xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Lý do khiến hành khách không “mặn mà” với xe buýt nhanh là do tuyến này được triển khai một cách đơn lẻ, không kết nối được với loại hình vận tải và phương tiện khác.

 Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, việc dự án xe buýt nhanh với số tiền đầu tư ban đầu lên đến nghìn tỷ nhưng kém hiệu quả này là bài học cho Hà Nội trong việc triển khai các dự án về giao thông đô thị. Bởi lẽ, hiện nay, hạ tầng giao thông Hà Nội rất khó khăn, chật hẹp. Để có kết quả tốt khi triển khai các dự án, Hà Nội không được vội vàng, cần thận trọng nghiên cứu cũng như tham khảo ý kiến của các chuyên gia. 

Trước thông tin Sở GTVT Hà Nội chờ Hà Nội phê duyệt dự án tuyến buýt nhanh thứ 2 có lộ trình từ Kim Mã đi Hòa Lạc, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, lộ trình này có tuyến đường rộng. Vì vậy, thay vì phải đầu tư số tiền lên đến con số nghìn tỷ cho một dự án buýt nhanh tiếp theo thì Hà Nội chỉ cần đầu tư xe buýt thường, chi phí không quá cao mà phù hợp với cơ sở hạ tầng. Phát triển hệ thống giao thông công cộng là một việc làm hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, về lâu dài và mang tính chiến lược, Hà Nội cần phải đầu tư phát triển đường sắt trên cao, tàu điện ngầm. 

Một trong những vấn đề mà TS Nguyễn Xuân Thủy băn khoăn chính là  dự án tiêu tốn số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng nhưng kém hiệu quả thì ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm. Không thể để tình trạng kém hiệu quả thì… “sửa sai”. 

Nguyễn Hương-Trung Hiếu
.
.
.