Grab tăng giá cước: Cả khách hàng và lái xe đều…thiệt

Thứ Ba, 08/12/2020, 14:12

Không còn nhiều “khuyến mãi” hấp dẫn với khách hàng cũng như các chương trình ưu đãi tài xế, thời gian gần đây, taxi công nghệ Grab bắt đầu siết cơ chế bằng cách tăng giá cước của khách, giảm chiết khấu của lái xe. Thậm chí, khách hàng còn phải chịu 2000đ cho mỗi cuốc, cái gọi là phí nền tảng. Nhẩm đi tính lại, nhiều người dân nhận thấy giá cước của loại hình này đang cao dần đều so với taxi truyền thống.

Grab vừa đồng loạt công bố tăng 5 - 6% giá dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ trên toàn quốc. Theo đó, giá cước 2 km đầu tiên cho dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội, Bắc Ninh, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ tăng lên 27.000 đồng, cao hơn 2.000 so với trước ngày 5-12. Tại các thành phố khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng..., Grab tăng 3.000 đồng lên 25.000 đồng. Grab cũng điều chỉnh tăng giá cước mỗi km (sau 2 km đầu tiên) cho dịch vụ GrabCar 4 chỗ 500 - 1.000 đồng tuỳ từng thành phố. Trong đó, 1.000 đồng là mức tăng lớn nhất áp dụng cho khách hàng tại Hà Nội và Bắc Ninh. Hiện tại, giá mỗi km GrabCar 4 chỗ tại hai thành phố này là 9.500 đồng, tương đương TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. 

Doanh nghiệp này cũng điều chỉnh giá cước dịch vụ GrabCar 7 chỗ với các tỷ lệ tăng tương đương 4 chỗ. Với dịch vụ xe ôm công nghệ GrabBike, giá cước mỗi km (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 3.400 đồng lên 4.000 đồng. Còn giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 300 lên 350 đồng mỗi phút. Đáng chú ý đối với dịch vụ xe GrabCar, Grab thu thêm 400 đồng/phút tính theo thời gian di chuyển. Đối với dịch vụ GrabCarPlus, Grab thu 500 đồng/phút tính theo thời gian di chuyển. Những động thái trên được Grab đưa ra ngay sau khi Nghị định 126 có hiệu lực , thay đổi cách tính thuế giá trị gia tăng (VAT) với dịch vụ gọi xe công nghệ như Grab, Gojek...

Bên cạnh việc tăng giá cước, Grab cũng đã thông báo đến tài xế mức tăng tỷ lệ khấu trừ trên mỗi chuyến xe. Với GrabBike, tỷ lệ này là hơn 27,2% gồm 20% phí sử dụng ứng dụng (không đổi) + thuế VAT. Tuy nhiên, mức thu trên chưa gồm 1,5% thuế thu nhập cá nhân khi tài xế đạt doanh thu trên 100 triệu đồng một năm. Với GrabCar, tỷ lệ khấu trừ trên mỗi chuyến xe (gồm phí sử dụng ứng dụng, thuế thu nhập cá nhân, VAT) cũng tăng lên lần lượt hơn 28,3%, 32,8% với các tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 20% và 25%.

Ngày 7-12, hàng trăm lái xe Grab, trong đó phần lớn là GrabBike đã tắt ứng dụng, đến văn phòng của Công ty TNHH Grab tại Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội để phản đối. Việc hàng trăm lái xe tụ tập về đây đã gây mất trật tự, lực lượng chức năng đã phải vào cuộc giữ trật tự. Không những tụ tập về văn phòng của Grab ở Duy Tân, hàng trăm  GrabBike còn diễu hành trên đường, đồng thời livestream trên facebook của các hội nhóm và cá nhân để phản đối Grab. Sự việc đã gây náo động và sự quan tâm của dư luận. Đơn kiến nghị tập thể này cũng yêu cầu Grab trả lại toàn bộ phí sử dụng ứng dụng đã thu chênh lệch từ ngày 5-12 đến nay (chênh lệch 7,23% so với trước kia) cho lái xe.

Phân tích về cơ cấu giá của Grab, ông Nguyễn Tiến Long, Giám đốc taxi Thăng Long cho biết, giá cước của Grab hiện có sự không  ổn định, ở thời gian cao điểm, giá cước tăng gấp 2 - 3 lần so với thời gian thấp điểm. Nếu lấy 27.000 đồng chia cho 2 thì giá mở cửa của Grab là 13.500 đồng/km. Giá km tiếp theo của Grab là 9.500 đồng/km, nhìn có vẻ thấp hơn giá cước taxi truyền thống ở 20 km đầu tiên nhưng trong giá cước của Grab có cộng cả phí thời gian di chuyển của khách hàng là 400 đồng mỗi phút, chiếm khoảng 30% tổng cước phí chuyến đi thì giá cước cao hơn rất nhiều. Đáng nói là trong khi taxi chỉ tính giá cước cho quãng đường di chuyển thì Grab lại tính cả cước thời gian cho hành khách, việc tính phí thời gian di chuyển là hết sức vô lý. Phí thời gian di chuyển được Grab ước tính trước khi chuyến đi được thực hiện, trong khi chưa biết chuyến đi đó sẽ đi hết thời gian bao lâu. Công bố của Grab là 400 đồng/phút cước phí thời gian di chuyển nhưng thời gian chuyến đi là Grab ước tính, không phải thời gian di chuyển thực tế của chuyến đi đó. Đặc biệt, trong tổng giá cước chuyến đi cũng không tách bạch loại cước phí này. "Đây là sự nhập nhèm trong giá cước của Grab mà cả hành khách và tài xế đều không biết", ông Long cho hay.

Trong khi đó,  ông Bùi Danh Liên - nguyên chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, những bất đồng giữa tài xế GrabBike và Công ty Grab thuộc về quan hệ dân sự. Đây là lần thứ 2 các tài xế Grab đi phản đối vì bất đồng tỉ lệ ăn chia. Tuy nhiên, lỗ hổng lớn nhất là hiện nay Grab và tài xế chạy GrabBike không ký kết hợp đồng lao động nên nhiều quyền lợi của tài xế không được đảm bảo. Bên cạnh đó, các quy định pháp lý về vận tải hiện nay cũng không điều chỉnh hoạt động của loại hình GrabBike nên cơ quan chức năng không có cơ sở giải quyết vi phạm, tranh chấp. Vì vậy, ông Liên cho rằng cơ quan chức năng, nhất là Bộ Giao thông vận tải, cần xem xét, đưa loại hình GrabBike vào quản lý, đảm bảo quyền lợi cho cả tài xế lẫn Grab trên cơ sở pháp luật, tránh những vụ tập trung khiếu nại gây bất ổn xã hội.



Phạm Huyền
.
.
.