Gỡ "nút thắt" ùn tắc kéo dài trên cao tốc vào cửa ngõ Thủ đô

Thứ Năm, 22/07/2021, 08:32
Từ 0h ngày 20/7, các phương tiện đến từ các tỉnh, thành đang có dịch muốn vào thành phố Hà Nội phải khai báo y tế, có xét nghiệm âm tính. Cùng với đó, để kiểm soát kỹ người và phương tiện vào Thủ đô, lực lượng chức năng kiểm tra và khai báo y tế cho tất cả các phương tiện có lộ trình vào Hà Nội. Vì lượng người lưu thông khá đông, cộng với quá trình kiểm tra y tế nên những ngày qua, tình hình ùn tắc đã xảy ra tại một số trạm thu phí của Hà Nội.

Để an toàn, ùn ứ là điều khó tránh khỏi

Theo thống kê từ Phòng CSGT Hà Nội, từ ngày 14/7 đến 21/7, tại 22 chốt kiểm dịch ra vào cửa ngõ Hà Nội, lực lượng chức năng đã kiểm soát hơn 110.000 phương tiện với hơn 126.000 lượt người. Trong đó, có gần 5.000 người có giấy xét nghiệm âm tính COVID-19; yêu cầu quay đầu xe với 973 phương tiện có yếu tố dịch tễ; đặc biệt phát hiện 21 trường hợp nghi nhiễm COVID-19. Lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội cho biết thêm, để kiểm soát kỹ người và phương tiện vào Hà Nội, lực lượng liên ngành tại chốt đã phối hợp với Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ chỉ mở 3 làn xe đi qua chốt kiểm dịch. Sau khi khai báo y tế theo quy định, lái xe và người đi cùng đều được đo thân nhiệt, nếu ai có biểu hiện ho, sốt, khó thở, tức ngực và chưa có giấy xét nghiệm COVID-19 còn hạn sử dụng, sẽ phải chờ để làm xét nghiệm, sau đó mới được vào thành phố.

"Việc này đã khiến phương tiện lưu thông có phần chậm hơn, thế nhưng kiểm soát chặt là nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho chính người dân tránh khỏi nguy cơ lây nhiễm bệnh. Song để giảm thời gian kiểm tra, người dân từ các tỉnh ngoài, đặc biệt từ các tỉnh trong danh sách kiểm soát khi muốn vào Hà Nội cần chuẩn bị đầy đủ kết quả xét nghiệm, giấy tờ tùy thân để có thể đi lại thông suốt qua 22 chốt kiểm soát", lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội khuyến cáo. Hiện tại ở chốt kiểm dịch này lực lượng y tế còn khá mỏng trong khi đặc thù phương tiện đi qua cửa ngõ này vào thành phố ước tính đến 65 ngàn lượt xe/ngày nên ảnh hưởng đến tốc độ thông xe ở đây. Trong vài ngày tới mong cơ quan chức năng điều chỉnh tăng lực lượng y tế làm việc tại chốt.

Thông tin thêm tới phóng viên, ông Nguyễn Tuyển-Trưởng phòng Quản lý Vận tải (Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội) cho hay, trong sáng 20/7, ông đã đi thực tế tại trạm thu phí Pháp Vân-Cầu Giẽ thì nhận thấy rất nhiều tài xế khi đến trạm, mới dừng xe vào khai báo y tế. Ông bấm thử đồng hồ thì thấy có trường hợp 10 phút mới khai báo xong, thế nên việc ùn tắc ở đây là điều khó tránh khỏi. Trong khi đó, tài xế hoặc người dân có thể hoàn toàn tự khai báo qua các ứng dụng trên điện thoại trước khi đến khu vực kiểm tra, như thế sẽ nhanh hơn rất nhiều.

CSGT hướng dẫn lái xe đi khai báo y tế trước khi qua trạm thu phí.

Các xe có mã QR Code "luồng xanh" sẽ được đi ngay

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, nhiều lái xe vẫn chưa đăng ký khai báo theo mã QR Code "luồng xanh" vận tải khiến cho việc xét nghiệm gây nhiều khó khăn, ùn tắc tại trạm thu phí. "Sở GTVT Hà Nội cho biết, các xe có mã QR Code "luồng xanh" sẽ được đi ngay. Các sở GTVT phải tuyên truyền ngay cho các doanh nghiệp đăng ký mã QR Code "luồng xanh" vận tải để việc lưu thông thuận tiện, thông thoáng", ông Huyện nói. Từ ngày 18/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã cung cấp tài khoản và hướng dẫn sử dụng phần mềm đăng ký hoạt động trên "luồng xanh" cho xe ôtô vận tải hàng hoá trong thời gian xảy ra dịch bệnh COVID-19 cho 63 Sở GTVT. Tổng cục cũng yêu cầu các sở GTVT phải tuyên truyền ngay đến doanh nghiệp thực hiện.

Theo ông Huyện, doanh nghiệp vận tải, lái xe thuộc đối tượng ưu tiên "luồng xanh" vận tải hàng hóa có nhu cầu cấp thẻ nhận diện phương tiện để được ưu tiên hoạt động trên "luồng xanh" thực hiện đăng ký và khai báo các thông tin theo hướng dẫn tại địa chỉ www.luongxanh.drvn.gov.vn. Sau khi đăng ký, doanh nghiệp, lái xe thực hiện in giấy nhận diện phương tiện kèm theo mã QR Code lên giấy (khổ A5) để dán trên kính phía trước và in lên giấy (khổ A4) để dán thêm lên kính hai bên cửa xe nhằm tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng và hạn chế tiếp xúc để ngăn sự lây lan dịch bệnh.

Doanh nghiệp vận tải, lái xe phải cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin đã đăng ký cấp thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên "luồng xanh" và các thông tin cung cấp cho các chốt kiểm soát liên ngành và các Sở GTVT trong quá trình vận chuyển. Đồng thời, doanh nghiệp phải kiểm tra, giám sát hoạt động của phương tiện, lái xe để đảm bảo phương tiện hoạt động theo đúng hành trình trên "luồng xanh" vận tải đã đăng ký. Yêu cầu lái xe chấp hành nghiêm sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng trên đường và tại các chốt kiểm soát dịch bệnh để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

"Mã QR Code trên thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên "luồng xanh" vận tải sẽ tự động huỷ trong các trường hợp sau khi hết thời hạn ghi trên thẻ nhận diện; trong trường hợp lực lượng chức năng phát hiện phương tiện hoạt động không đúng hành trình đăng ký và trường hợp cơ quan cấp phát hiện đơn vị vận tải khai báo thông tin không trung thực", ông Huyện cho biết.

Được biết, trong ngày 21/7, hơn 20 mã QR code đã được Sở GTVT Hà Nội cấp cho các đơn vị vận tải. Cùng đó, Sở GTVT cũng đã chỉ đạo Thanh tra Sở tại 22 điểm chốt trên địa bàn Hà Nội, đối với phương tiện được cấp thẻ nhận diện phương tiện sẽ cho qua ngay, chỉ kiểm tra xác suất và hạn chế để giảm ùn tắc giao thông trên các tuyến. Đồng thời, Sở GTVT đã chỉ đạo Ban Duy tu cùng Phòng Kết cấu bố trí biển báo, phối hợp với Thanh tra Sở phân các "luồng xanh" để các phương tiện vận tải hàng hóa, vận chuyển công nhân, chuyên gia đi vào "luồng xanh" được thuận tiện.

Đặng Nhật
.
.
.