Gia tăng ùn tắc giao thông vì chậm triển khai quy hoạch

Thứ Ba, 19/06/2018, 09:06
UBND TP Hà Nội thừa nhận ùn tắc còn là do hàng loạt vấn đề còn tồn tại trong việc cải thiện giao thông của Thủ đô. 

Theo UBND TP Hà Nội, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 16/2008/NQ-CP ngày 31-7-2008 của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội với hàng loạt biện pháp như thay đổi giờ làm, hạn chế phương tiện, di dời trụ sở cơ quan, bệnh viện, trường học... trong những năm qua giao thông Hà Nội đã có bước chuyển mình đáng kể. 

Thế nhưng, hơn 1 năm trở lại đây, tình hình ùn tắc lại đang có dấu hiệu gia tăng trở lại.

Đang phát sinh nhiều điểm ùn tắc mới

Thống kê của UBND TP Hà Nội, tính từ năm 2010 đến nay, điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố giảm hàng năm. 

Cụ thể số điểm ùn tắc giao thông năm 2010 là 124 điểm; năm 2011 còn 78 điểm; năm 2012 còn 67 điểm; năm 2013 còn 49 điểm giảm 60%; năm 2014 còn 46 điểm giảm 62%; năm 2015 giảm còn 44 điểm và năm 2016 giảm còn 41 điểm. 

Thế nhưng sang đến năm 2017, số điểm nút ùn tắc giao thông đã xử lý trong năm 2017 là 17/41 điểm; song số điểm nút phát sinh ùn tắc giao thông năm 2017 là 13/41 điểm. 

Các tháng đầu năm 2018, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở GTVT và các ngành tập trung xử lý các điểm ùn tắc giao thông và cũng mới chỉ giảm được 2/37 điểm.

UBND TP Hà Nội cũng thừa nhận ùn tắc còn là do hàng loạt vấn đề còn tồn tại trong việc cải thiện giao thông của Thủ đô. Cụ thể, tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu để cụ thể hoá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô chưa đáp ứng được yêu cầu theo kế hoạch đề ra. 

Hà Nội tiếp tục tìm các giải pháp nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông.

Việc triển khai quy hoạch cải tạo xây dựng lại các khu chung cư cũ, quy hoạch mở đường còn chậm. Đến nay chưa có tuyến đường nào thực hiện việc thu hồi đất hai bên đường đồng thời với dự án mở đường vì rất khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng và bố trí nguồn kinh phí của Dự án (đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách). 

Diện tích đất dành cho giao thông còn thấp, mới đạt khoảng 8,65% đến 8,9% đất xây dựng đô thị. Trong khi đó, việc triển khai các dự án đầu tư bến, bãi đỗ xe còn chậm. 

Hệ thống bến, bãi đỗ xe vẫn còn thiếu, nhất là các bãi đỗ xe trong khu vực trung tâm, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh còn thấp, mạng lưới phân bổ bến, bãi đỗ xe còn chưa phù hợp; xuất hiện nhiều điểm đỗ trái phép. 

Ngoài ra, tốc độ gia tăng trung bình hàng năm của ôtô là 10,2%, xe máy là 6,7% (Công an thành phố đang quản lý 6.396.740 phương tiện, gồm 693.672 ôtô; 5.568.000 môtô, 134.000 xe máy điện, 202 xe xích lô và 88 ôtô điện. 

Ngoài ra còn các phương tiện mang biển ngoại giao, biển quốc tế, biển số xe của các cơ quan trung ương do Bộ Công an quản lý, xe quân đội, xe tỉnh ngoài...); trong khi đó tốc độ phát triển hạ tầng giao thông của thành phố chỉ ở mức bình quân 3,9%.

Đề xuất nhiều giải pháp, cơ chế cụ thể

Theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, từ nay đến 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội dự kiến đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khung trên địa bàn thành phố. 

Cụ thể, về giao thông đường bộ cơ bản sẽ khép kín các tuyến đường vành đai, bao gồm vành đai 1, vành đai 2, vành đai 2,5; vành đai 3, vành đai 3,5; hoàn thành hệ thống cầu vượt sông Hồng và một số trục đường hướng tâm, đường trục chính đô thị chủ yếu; hoàn thành một số đoạn tuyến trên cao của đường vành đai 2. 

Đối với hệ thống giao thông tĩnh, hoàn thành đầu tư đưa vào khai thác sử dụng 4 bến xe khách liên tỉnh (Yên Sở, Cổ Bi, Sơn Tây, Đông Anh), 6 bãi đỗ xe ngầm khu vực trong vành đai 3 và một số bãi đỗ xe ngầm, nối vào cao tầng khác trên địa bàn thành phố theo quy hoạch. 

Về Đường sắt đô thị, sẽ hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng 2 tuyến đường sắt đô thị đang triển khai thi công là tuyến số 2A (Cát Linh-Hà Đông) và tuyến số 3 (đoạn Nhổn-Ga Hà Nội); khởi công tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên-Ngọc Hồi do Bộ GTVT đầu tư, đồng thời phấn đấu khởi công thêm tối thiểu 1 tuyến đường sắt đô thị do TP Hà Nội đầu tư; triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư đối với một số tuyến đường sắt đô thị thuộc khu vực đô thị trung tâm và kết nối khu vực đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh. 

Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, tập trung giải quyết xử lý và khắc phục các điểm thường xuyên có nguy cơ ùn tắc giao thông.

Với những giải pháp trên, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ưu tiên các nguồn vốn từ ngân sách, nguồn vốn ODA, WB, ADB... cho Hà Nội để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm. 

Có chế tài, quy định bắt buộc việc bàn giao lại quỹ đất sau khi di dời ra ngoài khu vực nội thành để thành phố ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị. 

Chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục tổ chức rà soát, điều chỉnh một số nội dung Luật và các văn bản hướng dẫn Luật (đặc biệt là Luật Thủ đô) để trình cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển của thành phố; đặc biệt cần kiểm soát chặt chẽ hơn đối với công tác quản lý cư trú nằm hạn chế di dân tự phát vào nội thành. 

Đồng thời, cho phép thành phố ban hành cơ chế, chính sách thu khoản đóng góp hạ tầng của chủ đầu tư các dự án công trình sử dụng hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị chung của thành phố…

Phạm Huyền
.
.
.