Tiếp tục làm đường sắt đô thị: Lo ngại chậm tiến độ và đội vốn
- Cử tri Hà Nội đề nghị truy trách nhiệm dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ
- Đẩy nhanh tiến độ khởi động nhiều dự án đường sắt đô thị
- Hà Nội có 2 dự án đường sắt đô thị trên 105 nghìn tỷ đồng
Ì ạch như… đường sắt đô thị
Cho đến thời điểm này nửa năm đầu tiên của năm 2020 đã lại sắp trôi qua, nhìn lại các dự án đường sắt đô thị ở cả hai thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ta thấy, trong khi dự án Cát Linh - Hà Đông vẫn tiếp tục “nợ” ngày về đích thì 1 dự án đường sắt đô thị khác của Hà Nội là Nhổn - ga Hà Nội đang có nguy cơ trễ tiến độ vì tắc mặt bằng. Kế đó là tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi cũng có tiến độ “siêu ì ạch”.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng vào cuối năm 2002, tuyến metro số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi có tổng mức đầu tư 9.197 tỉ đồng, được phân kỳ thành 3 giai đoạn. Từ năm 2004 đến nay, dự án lại có thêm 3 lần phân chia lại phạm vi và phân kỳ đầu tư. Hiện tại, tuyến metro số 1 gồm các dự án thành phần: giai đoạn 1 điều chỉnh; giai đoạn 2A điều chỉnh và giai đoạn 2B.
Một đoạn tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội. |
Tổng mức đầu tư các dự án toàn tuyến metro số 1 đã lên tới khoảng 81.537 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay sau 18 năm, dự án vẫn chưa được chính thức khởi công. Tại TP Hồ Chí Minh, dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Bến Thành-Suối Tiên đến nay giá trị sản lượng mới đạt 71% do năm 2019 dự án không được bố trí vốn. UBND TP Hồ Chí Minh đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án.
Hiện tại, UBND TP đang làm việc với Bộ Tài chính thẩm định điều kiện vay lại nguồn vốn vay của Chính phủ cho dự án. Với dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh tuyến số 2 Bến Thành-Tham Lương, có 9 gói thầu, trong đó gói thầu CP1 (xây dựng toà nhà Văn phòng, khu Depot) đang nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng; các gói thầu còn lại đang triển khai công tác lựa chọn nhà thầu. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Bộ GTVT thừa nhận, tiến độ tất cả các dự án đều đang rất chậm.
Thực tế là thế, nhưng mới đây Hà Nội đã thông qua chủ trương triển khai tiếp 2 tuyến đường sắt đô thị số 3 và số 5 với tổng mức đầu tư trên 100.000 tỉ đồng. Việc xây dựng các tuyến đường sắt đô thị sẽ là trục chính để vận tải hành khách với mục tiêu vận tải khách công cộng phải đạt trên 50% lưu lượng để giảm thiểu được phương tiện cá nhân và ùn tắc giao thông.
Theo tính toán, hiện năng lực chuyên chở của đường sắt đô thị rất lớn, có thể đạt đến 70.000 hành khách/giờ/hướng. Tốc độ cao do chạy trong không gian riêng, thuận lợi và tiện nghi cho hành khách khi sử dụng. Độ an toàn rất cao và khá thân thiện với môi trường. Thế nhưng, với sự chậm trễ như các dự án hiện đang triển khai, nhiều người cũng bày tỏ sự lo ngại nếu phát triển đường sắt ồ ạt mà không kiểm soát chặt gây chậm tiến độ, lãng phí và ảnh hưởng giao thông đô thị.
Phải sớm xử lý dứt điểm các tồn tại mới không đội vốn thêm
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thái – Khoa Vận tải Kinh tế (Trường Đại học GTVT), việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị sẽ giúp giảm ách tắc giao thông nội đô, trong quá trình xây dựng chỉ ảnh hưởng đến quá trình đi lại một thời gian.
Vấn đề chính là phải kết nối giữa các phương thức giao thông đô thị với nhau để đảm bảo sự phát triển và khai thác có hiệu quả. Khi quy hoạch mạng lưới phải xuất phát từ nhu cầu đi lại của người dân và có những trường hợp phát sinh như mật độ phải phụ thuộc vào lưu lượng di chuyển để phân bổ các hành trình và lưu lượng cũng có thể thay đổi vào việc đầu tư phát triển của thành phố. Do đó, không thể chỉ nhìn nhu cầu hiện tại mà phải nhìn vào nhu cầu của tương lai. Tuy nhiên, có thể đầu tư dần dần theo nhu cầu phát triển để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
“Quan trọng nhất là đối tượng phục vụ là ai và có hợp lý hay không và nhu cầu của hành khách ra sao. Người dân quan tâm hiện nay là các phương tiện vận tải hàng ngày với tần suất thường xuyên liên tục. Khi quy hoạch đã phải tính toán để triển khai phải đảm bảo tiến độ vì tiến độ liên quan đến hiệu quả và chi phí; đảm bảo chi phí không đội vốn và quản lý an toàn. Nếu trong quá trình triển khai dự án dẫn đến chậm tiến độ, tăng chi phí (đội vốn) và không an toàn thì trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước phải giải quyết dứt điểm những tồn tại đó để đưa ra những phương án xử lý, khắc phục”.
Tương tự, nhìn nhận về vấn đề làm sao để các dự án đường sắt sớm phát huy hiệu quả, theo Tiến sỹ Đinh Thị Thanh Bình – Trưởng bộ môn Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải (Trường ĐHGTVT), hiện Hà Nội đã quy hoạch 8 tuyến đường sắt đô thị do TEDI xây dựng quy hoạch với 1 tuyến vệ tinh Sơn Tây.
Việc mới đây Hà Nội thông qua chủ trương triển khai tiếp 2 tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn từ ga Hà Nội đến quận Hoàng Mai) và tuyến số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc) nhằm kết nối trung tâm Hà Nội với Khu công nghệ cao Hoà Lạc để thúc đẩy kinh tế dựa trên khoa học công nghệ nên được ưu tiên đầu tư.
Khi đi vào hoạt động, tuyến đường sắt đô thị số 5 sẽ kết nối và trung chuyển hành khách với tuyến số 2 (đang triển khai thiết kế kỹ thuật), tuyến số 3 (đang được xây dựng), tuyến số 4, số 6 (đang nghiên cứu), tuyến số 7, số 8 (đang quy hoạch), cho phép hành khách di chuyển nhanh và thuận tiện từ các khu vực ngoại ô vào trung tâm thành phố nhằm giảm mật độ giao thông đô thị, cải thiện kết cấu giao thông và điều kiện đi lại của nhân dân.
“Nếu Hà Nội có tiền thì cần phải phát triển thêm nhiều tuyến đường sắt đô thị nữa, vì phụ thuộc vào vốn ODA nên các dự án phải kéo dài và lãng phí khi không được đầu tư đồng bộ. Thực tế hiện việc đầu tư vẫn còn lẻ tẻ nên chưa giải quyết được vấn đề về giao thông đô thị, cụ thể như BRT hiệu quả chưa cao vì nó đang hoạt động đơn độc”, TS Bình cho hay.