Đường ngang dân sinh, mối hiểm họa của đường sắt
- Nhiều vật che khuất tầm nhìn, đường ngang dân sinh luôn tiềm ẩn nguy hiểm
- Đi xe máy băng qua đường ngang dân sinh, 2 phụ nữ bị tàu hỏa cán chết
- Tiết lộ giây phút đoàn tàu SE2 gặp nạn ở Thừa Thiên - Huế
Thống kê của Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên, hiện đơn vị đang quản lý 176,7km đường sắt từ tỉnh Quảng Trị đến chân đèo Hải Vân, thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên- Huế. Chỉ tính riêng tuyến đường sắt này có đến 200 đường ngang dân sinh, trong đó có 124 đường ngang hợp pháp (có quyết định thành lập và có đầy đủ hệ thống biển cảnh báo), số còn lại là… bất hợp pháp. Riêng tỉnh Thừa Thiên - Huế có hơn 50 đường ngang dân sinh do người dân tự mở để băng qua đường tàu lửa.
Điều đáng nói, rất nhiều đường ngang dân sinh được mở suốt nhiều năm liền, có nhiều phương tiện cơ giới và người dân qua lại nhưng đến nay vẫn chưa được ngành Đường sắt quan tâm đầu tư lắp đặt hệ thống tín hiệu cảnh báo, gác chắn.
Vụ tai nạn tàu SE2 khiến nhiều toa tàu lật khỏi đường ray. |
Chính vì lý do này, cộng thêm việc người dân thiếu quan sát khi đi qua đường ray đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn đường sắt (TNĐS) nghiêm trọng. Điển hình như vụ TNGT xảy ra chiều 20-2, tàu SE2 chở hơn 200 hành khách từ TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội, khi đến đoạn đường ngang Km738+200 (thôn Phước Hưng, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên- Huế) đã va chạm với xe tải BKS 75C-02691 do tài xế Lê Bá Dũng (38 tuổi, trú thị xã Hương Thủy) điều khiển băng qua đường sắt. Hậu quả, 3 người chết, 4 người bị thương; đầu máy tàu SE2, nhiều toa xe và hơn 150m đường sắt bị hư hỏng nặng.
Tương tự, có nhiều vụ TNGT đường sắt, ngoài thiệt hại về người, ngành Đường sắt cũng bị thiệt hại vật chất nghiêm trọng. Điển hình, vụ tai nạn tại đường ngang qua đường sắt, Km639+750 (xã Hải Thượng, Hải Lăng, Quảng Trị) giữa tàu SE5 và ôtô tải BKS 75C-031.99 kéo theo rơ-moóc 75R-01185 khi xe tải cố tình vượt đường sắt, đã khiến 3 toa tàu văng khỏi đường ray, xe tải đứt đôi; lái tàu Lê Minh Phú tử vong, bị mắc kẹt trong cabin, đường sắt tê liệt trong nhiều giờ. Thống kê, vụ tai nạn này ngành đường sắt thiệt hại khoảng 23 tỷ đồng chi cho việc sửa chữa đầu máy, toa xe, đường ray và chuyển tải hành khách...
Ông Lương Văn Thích, Phó Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Thừa Thiên- Huế, đơn vị quản lý khu vực từ ga Đồng Hới (Quảng Bình) đến ga Kim Liên (TP Đà Nẵng) cho biết, ngoài ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ, đường sắt và sự bất cẩn của người dân, thì một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT đường sắt là do hệ thống cảnh báo, gác chắn tại các đường ngang chưa được đầu tư đồng bộ.
Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, có nhiều đường ngang dân sinh vốn là “điểm đen” TNGT, cần được xây dựng đường gom, hoặc lắp đặt hệ thống cảnh báo tự động, nhưng chưa được ngành Đường sắt đầu tư. Ngược lại, có một số điểm đường ngang được xây dựng đầy đủ các hệ thống này nhưng lại... “đắp chiếu”.
Như hệ thống đường gom, đèn tín hiệu cảnh báo tự động tại tuyến đường ngang thuộc Km698+050 (phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy), do Ban Quản lý dự án đường sắt Khu vực 2 (đóng tại Đà Nẵng) làm chủ đầu tư xây dựng vào cuối năm 2015. Dự án này có tổng kinh phí khoảng 2 tỷ đồng, nhưng sau khi hoàn thành từ 2016 đến nay thì hệ thống đường gom và đèn cảnh báo không được đưa vào sử dụng…
Ông Trần Kiêm Thuận, Phó Giám đốc Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên thừa nhận, việc khảo sát, xây dựng tuyến đường gom tại vị trí trên chưa thực sự hợp lý nên không phát huy tác dụng. Nguyên nhân do khi lập dự án chưa có phép đấu nối với đường bộ nên sau khi hoàn thành thi công thì không thể mở đường. “Có những tuyến đường ngang đề xuất lắp đặt và sau 10 năm mới có kinh phí thi công, nhưng lại không được khảo sát lại dẫn đến không hiệu quả. Trách nhiệm này thuộc về Ban quản lý dự án...”, ông Thuận nói.
Trở lại vụ tai nạn tàu SE2 mới đây, khi phóng viên đặt câu hỏi “Tại sao người dân và chính quyền xã Lộc Thủy đã nhiều lần kiến nghị lắp đặt gác chắn, hệ thống cảnh báo an toàn tại đường ngang vừa xảy ra vụ tai nạn tàu SE2, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện?”, ông Thuận lý giải: “Hiện toàn quốc có khoảng 1.000 đường ngang tương tự chưa có gác chắn, riêng trên tuyến do đơn vị quản lý có 44 đường ngang chỉ có biển báo, trong đó có nhiều điểm nguy hiểm hơn nhiều, nhưng không có kinh phí thực hiện nên đành chịu” (!?).
Ông Thuận còn cho rằng, đường sắt - đường bộ còn giao nhau thì vẫn còn tai nạn xảy ra, tuy nhiên vì thiếu kinh phí, nguồn vốn nên ngành Đường sắt vẫn chưa thể lắp đặt hoặc nâng cấp hệ thống cảnh báo tại các đường ngang được...
Để thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm kéo giảm TNGT tại các tuyến đường ngang qua đường sắt ở địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, hiện tỉnh đã có công văn đề nghị Cục Đường sắt Việt Nam báo cáo đề xuất Bộ GTVT có chủ trương, sớm nâng cấp 17 đường ngang biển báo lên cảnh báo tự động có cần chắn, hoặc có người gác; xây dựng 9 đường gom tại các tuyến đường sắt qua phường Hương Văn, Hương Chữ (thị xã Hương Trà); các xã Lộc An, Lộc Điền, Lộc Trì, Lộc Tiến (huyện Phú Lộc) và 1 cầu chui qua đường sắt ở phía Bắc cầu chợ Hôm (xã Lộc An, huyện Phú Lộc) tại Km 713+164 để hủy bỏ đường dân sinh.
Trong tuyến đường sắt thuộc Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên quản lý hiện chỉ mới có 42 đường có gác chắn, người gác; 38 đường ngang lắp thiết bị tự động; 44 đường có biển báo chú ý quan sát tàu. Ông Trần Kiêm Thuận khẳng định: “Bình quân mỗi đường ngang lắp đặt biển cảnh báo tự động mất khoảng 1 tỷ đồng. Vì thế, hiện đơn vị đã đề xuất và có kế hoạch dự trù đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc lắp đặt hệ thống cảnh báo tự động tại các đường ngang dân sinh còn lại”. |