Nhiều vật che khuất tầm nhìn, đường ngang dân sinh luôn tiềm ẩn nguy hiểm

Thứ Bảy, 18/07/2015, 09:30
Đường sắt Bắc Nam từ Thủ Đức đến ga Sài Gòn có rất nhiều đường ngang dân sinh, đường ngang tự phát dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Một số đường ngang nằm gần công trình dân dụng, khu dân cư, hàng quán, chợ chiều, ngã tư, lượng xe cộ tham gia giao thông rất đông, nhất là vào những giờ tan tầm.

Anh Nguyễn Văn Toàn (30 tuổi, gác trạm đường ngang Km: 1719 + 366) cho biết: “Áp lực từ phía người điểu khiển tham gia giao thông. Tàu đang đi tới, người dân qua lại buôn bán hàng rong, họp chợ bên đường ngang rất đông. Đôi khi ôtô phanh gấp còn đâm vào cần chắn bảo vệ”.

Giao thông hỗn loạn tại các đường ngang đường sắt.

Bà Sơn Thị Lan (45 tuổi, bán tạp hóa, số nhà 104A, đường Nơ Trang Long, P.13, Q. Bình Thạnh) cho biết: “Tôi sống gần đường ngang dân sinh 20 năm nay. Ngày trước chưa có bảo vệ, trật tự thì thường xảy ra va quệåt, nhiều tai nạn giữa xe gắn máy với xe lửa. Bây giờ, đã đỡ hơn…”.

Một số đường ngang thường ngập úng nước, tầm nhìn bị che khuất, cũng là nguyên nhân gây ra nguy hiểm. Hai bên đường ngang nhiều chỗ xảy ra sụt lún, nước mưa ngưng đọng và một số đường ngang dân sinh nằm gần sông Sài Gòn thường bị tác động của triều cường nên mặt đường cũng bị ngập. Anh Đại Trà (30 tuổi), TNXP gác tại đường ngang dân sinh (dưới chân cầu Bình Lợi, quận Bình Thạnh), chia sẻ: khi tàu hỏa chạy gặp những lúc đường ngập úng, trời chập tối, cho xe cộ lui tới, không vững tay lái có thể gây té ngã, dẫn đến nguy hiểm.

Từ ga Sài Gòn đến km 1719+366, có nhiều đường ngang dân sinh được lắp đặt cần chắn tự động. Tuy nhiên, TNGT đường sắt vẫn có thể xảy ra do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không chú ý quan sát tầm nhìn hoặc cố tình vi phạm. Đường ngang ở quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức tầm nhìn bị che khuất bởi vườn cây kiểng, cây ăn trái tiềm ẩn tai nạn đối với người tham gia giao thông. Đèn báo hiệu tàu hỏa đến thì chập chờn, nhiều lúc đèn báo hiệu tàu đến tại đường ngang sáng không rõ, điều này có thể gây ra nhiều nguy hiểm.

Gác chắn ngang An Lạc (đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức), là nơi thường xuyên họp chợ tự phát, đường bộ đi ngang khá dốc. “Tầm nhìn lại bị che khuất bởi cây cối bên đường ray, ở đây lại thường xuyên họp chợ. Sáng sớm hoặc xế chiều, phương tiện giao thông đi ngang qua đường sắt rất đông, khi có báo hiệu tàu chạy đến, nhiều phương tiện vẫn phóng thẳng qua đường, còn gây áp lực với chúng tôi đang làm việc” – gác trạm Trần Kim Châu chia sẻ.

Tuy ở nhiều giao lộ đường ngang đã có những biển báo cảnh cáo nguy hiểm, biển báo cấm cộng với một số nơi đã huy động lực lượng cảnh sát giao thông, nhân viên gác trạm đường ngang, lực lượng thanh niên xung phong, bảo vệ, trật tự tổ dân phố lưu ý đến đường ngang nhưng những nguy hiểm vẫn ngày đêm đang rình rập.

Thanh Tùng
.
.
.