Xây cầu hay hầm vượt sông Hồng đoạn Trần Hưng Đạo?

Thứ Sáu, 01/09/2017, 13:38
Xung quanh các dự án này, không ít người tỏ rõ sự băn khoăn, liệu tất cả các dự án đã “cấp thiết” đến mức phải cần cơ chế đặc thù? Tại sao các phương án cụ thể không được lập và thông qua người dân trước khi xin cơ chế?


Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có văn bản đề xuất một số cơ chế đặc thù cho Thủ đô để triển khai dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và môi trường bức xúc dân sinh. Trong hàng loạt dự án về giao thông, Hà Nội đã đề xuất cơ chế đặc thù lựa chọn nhà đầu tư xây dựng nhiều cây cầu vượt qua sông Hồng và sông Đuống nhằm kết nối đồng bộ hệ thống giao thông Thủ đô, kéo giảm ùn tắc vào giờ cao điểm.

Một trong dự án thu hút được sự chú ý của nhiều người dân là công trình vượt sông Hồng từ đường Trần Hưng Đạo. Xung quanh các dự án này, không ít người tỏ rõ sự băn khoăn, liệu tất cả các dự án đã “cấp thiết” đến mức phải cần cơ chế đặc thù? Tại sao các phương án cụ thể không được lập và thông qua người dân trước khi xin cơ chế?

Đổi gần 600ha đất lấy 3km cầu vượt sông

Trong các dự án cầu vượt sông Hồng, sông Đuống mà UBND thành phố Hà Nội đề xuất xin cơ chế đặc thù, cơ chế lựa chọn nhà đầu tư, đáng chú ý có dự án cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng. Theo tờ trình của Hà Nội, công trình này dài 3km mặt ngang 20m với tổng số tiền đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng BT, hoàn thành vào năm 2019.

Công trình vượt sông Hồng Trần Hưng Đạo muốn thực hiện cần có phương án nghiên cứu kỹ.

Điều đáng nói với 3km, cầu này, dự kiến nhà đầu tư dự án sẽ được khai thác quỹ đất tại xã Dương Xá (huyện Gia Lâm) với 34ha; quỹ đất tại xã Đông Dư (huyện Gia Lâm) 78,4ha; quỹ đất tại các phường Long Biên và Cự Khối (quận Long Biên) với 320ha và quỹ đất bổ sung ngoài bãi sông Hồng có khả năng khai thác trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch mở rộng tới sát mép nước khoảng 135ha. Có nghĩa tổng quỹ đất đối ứng cho nhà đầu tư đối với dự án xây cầu này là khoảng gần 600ha đất.

Giải thích lý do áp dụng cơ chế đặc thù đối với dự án cầu Trần Hưng Đạo, lãnh đạo Hà Nội cho rằng, dự án sẽ kết nối các quận trung tâm với khu vực phía Đông thành phố. Giảm tải áp lực giao thông cho cầu Long Biên và cầu Chương Dương thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.

Đồng thời, việc đề xuất cơ chế đặc thù là theo quy định hiện hành, việc chuẩn bị dự án, lựa chọn nhà đầu tư và ký kết hợp đồng dự án PPP phải thực hiện nhiều trình tự thủ tục, thời gian thực thi kéo dài, đặc biệt là thời gian thực hiện thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Đối với một số dự án kết cấu hạ tầng quan trọng, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết tình trạng ách tắc giao thông của Thủ đô cần triển khai sớm, nếu thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu sẽ mất nhiều thời gian không đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu tiến độ.

Nên xây cầu hay hầm vượt sông Hồng đoạn Trần Hưng Đạo?

Theo tìm hiểu của phóng viên, trước đây, quy hoạch giao thông đô thị Hà Nội do Tổng công ty tư vấn và thiết kế TEDI (Bộ GTVT) thực hiện có nhắc đến việc xây cầu/hầm vượt sông Hồng có vị trí kết nối tại đường Trần Hưng Đạo. Nhưng tại thời điểm công bố quy hoạch thì cũng chỉ ghi là công trình vượt sông Trần Hưng Đạo, chứ chưa khẳng định là sẽ xây cầu hay hầm.

“Tôi không biết hiện Hà Nội có giao đơn vị nào nghiên cứu thêm công trình này hay chưa, chứ từ khi lập quy hoạch, chúng tôi chỉ ghi là công trình vượt sông, chưa nói rõ sẽ làm theo hướng nào. Vì chỗ này còn liên quan đến tĩnh không bay của sân bay Gia lâm, muốn làm phải thoả thuận với Cục Tác chiến Bộ Quốc phòng. Do còn nhiều yếu tố kỹ thuật cần làm rõ nên mình nghĩ sẽ phải tính toán thêm. Đấy là lý do lúc đưa ra phương án làm hầm, lúc đưa ra phương án làm cầu”, ông Đặng Hoàng Hiệp, Trưởng phòng Tư vấn đường, Trung tâm Tư vấn Quốc tế (TEDI) cho. Cũng theo chuyên gia này, công trình vượt sông này nếu làm chắc chắn phía đầu đường sẽ bị ảnh hưởng vì nó liên quan đến bài toán kết nối hai đầu cầu hoặc hầm.

Còn ảnh hưởng đến đâu, mức độ thế nào còn tuỳ thuộc vào phương án xây hầm hay xây cầu. Nếu xây hầm qua sông Hồng chi phí sẽ cao hơn, cũng đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn. Còn xây cầu chi phí thấp hơn, song lại bị ảnh hưởng bởi khu vực phễu bay của sân bay Gia Lâm. Do đó, việc ứng xử với đường vào Bệnh viện 108 như thế nào, kết nối với đê ven sông ra sao, bài toán này sau khi quyết phương án sẽ được tính đến.

Hiện thành phố đang có chủ trương nghiên cứu cụ thể bên tả và bên hữu của sông Hồng. Khi trục dọc này được định hình xong thì bài toán định hình kết nối cầu vào trục đấy như thế nào, sẽ được giải quyết. Có nhiều phương án, nhưng chốt lại phương án nào thì chưa ai dám chốt. Vì theo trình tự, đang xin phê duyệt chủ trương, rồi lập dự án, báo cáo dự án, sau đó mới lập giải pháp thực thi.

Được biết, theo quy hoạch mà TEDI đưa ra, quận Hoàn Kiếm là một trong 4 quận nội thành, những năm qua, hạ tầng giao thông của quận được đã được quy hoạch và xây dựng khá tốt. Hiện nay, mật độ dân cư phố cổ khoảng 823 người/ha, gấp 1,6 lần mật độ khống chế theo quy hoạch đến năm 2020.  Giải pháp duy nhất để khắc phục tình trạng quá tải hạ tầng xã hội & hạ tầng kỹ thuật, cũng như để bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ được xác định là giãn dân cơ học. 

Hiện nay dự thảo đề án giãn dân phố cổ đang được UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất với quỹ nhà giãn dân thuộc khu đô thị mới Việt Hưng.  Do cự ly tương đối xa nơi ở cũ (khoảng 7 km), giao thông lại thường xuyên ùn tắc do phải qua cầu Chương Dương và cầu Long Biên nên tính tự giác của người dân chưa cao, dẫn tới tình trạng đề án giãn dân đã hơn 10 năm khởi động nhưng chưa thể thực hiện được. Để gỡ các nút thắt trên, việc đầu tư một công trình vượt sông Hồng trong phạm vi 4 quận nội thành cũ là hết sức cần thiết.

Trong đó, ý tưởng xây dựng công trình vượt sông tại vị trí đầu đường Trần Hưng Đạo nối sang phường Long Biên thuộc quận Long Biên tỏ ra khả thi nhất.  Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 cũng đã dự kiến một hầm vượt sông tại vị trí này. 

Cùng với dự án các dự án khu đô thị triển khai ở phía Bắc sông Hồng, hầm Trần Hưng Đạo được xây dựng sẽ góp phần tạo lập hình ảnh Thủ đô bên sông gắn kết các trung tâm văn hoá, thương mại, tài chính, vui chơi giải trí, thể dục thể thao với các không gian lịch sử, bảo tồn cảnh quan, du lịch như Hồ Tây, Cổ Loa, Bát Tràng...

Tổng chiều dài dự án khoảng 3,1km bao gồm hầm (hoặc cầu), đường dẫn và nút giao hai đầu công trình. Phạm vi Dự án xây dựng công trình vượt sông Trần Hưng Đạo có điểm đầu tại nút giao với đường Lê Thánh Tông - Trần Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng; kết thúc tại nút giao cắt với đường Long Biên - Thạch Bàn, quận Long Biên.

Đặng Nhật
.
.
.