Đối thoại về Uber, Grab: Vẫn chưa tìm được tiếng nói chung

Thứ Sáu, 10/11/2017, 09:57
Ngày 8-11, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã tổ chức cuộc họp, đối thoại về những vấn đề phát sinh xoay quanh loại hình xe thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử trên địa bàn thành phố. Điều đáng nói, đây không phải là cuộc họp đầu tiên về vấn đề này, song giữa Bộ GTVT và các doanh nghiệp (DN), hiệp hội vận tải taxi vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Theo số liệu do Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT Trần Bảo Ngọc cung cấp, hiện tại, cả nước đã có 29.810 xe dưới 9 chỗ ngồi đăng ký tham gia thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử vào kinh doanh vận tải hành khách theo Quyết định số 24/QĐ - BGTVT. Tuyệt đại đa số xe tham gia thí điểm kết nối với 2 ứng dụng Uber và Grab; chỉ có khoảng hơn 1.000 xe là kết nối với các ứng dụng nội địa.

Riêng tại Hà Nội, hiện có 7 đơn vị được cấp phép tham gia thí điểm với 14.495 xe thuộc 242 đơn vị vận tải. Tại cuộc đối thoại, các doanh nghiệp taxi truyền thống tiếp tục có những kiến nghị cho rằng Uber, Grab đang cạnh tranh không lành mạnh và gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường taxi nói chung.

Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình nêu quan điểm: “Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc thí điểm phải đảm bảo lợi ích người tiêu dùng; cạnh tranh lành mạnh và không để thất thu thuế. Tuy nhiên, hiện cả 3 yêu cầu này đều có vấn đề”. Ông Bình phân tích thêm, việc khi Uber, Grab liên tục trợ giá cho chuyến đi là cạnh tranh không lành mạnh.

Hà Nội hiện có gần 20.000 taxi truyền thống đang hoạt động.

Bên cạnh đó, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT) Đào Việt Long cho rằng: “Số lượng xe kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ tại Hà Nội gia tăng nhanh chóng, vượt quá mong muốn của thành phố, gây ảnh hưởng đến đề án phát triển vận tải hành khách công cộng của thành phố và đặc biệt là việc quản lý hạn chế xe taxi, phương tiện giao thông cá nhân”.

Một số phương tiện tham gia thí điểm không niêm yết logo, phù hiệu xe hợp đồng và các thông tin theo quy định, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của cơ quan chức năng. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa có đủ quy định, không rõ cơ chế xử lý để quản lý chặt chẽ loại hình taxi công nghệ này.

Đại diện cho DN, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mai Linh Hồ Quốc Phi cho biết, hiện đơn vị này có 587 xe tham gia thí điểm nhưng vẫn đeo mào taxi, vẫn phải chịu sự quản lý như taxi truyền thống, đặc biệt là bị hạn chế lưu thông trong giờ cấm, phố cấm. “Chúng tôi mong muốn khi tham gia thí điểm được đối xử công bằng như Uber hay Grab” - ông Phi kiến nghị.

Đại diện Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội đề nghị các cơ quan chức năng chuyên môn có quy định cụ thể, rõ ràng về giới hạn hoạt động của taxi công nghệ để thuận tiện cho việc kiểm soát, phân luồng, điều tiết giao thông, giảm ùn tắc giao thông cho thành phố. Bên cạnh đó, đại diện Sở Công thương và Cục Thuế Hà Nội còn kiến nghị Bộ GTVT cần bổ sung các chế tài xử lý nhà cung cấp ứng dụng và xem xét lại các mức tăng giá trong giờ cao điểm mà Uber, Grab đang áp dụng.

 Chốt lại buổi đối thoại, cả Bộ GTVT và Sở GTVT Hà Nội đều có chung quan điểm rằng sự ra đời của loại hình taxi công nghệ đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề bất cập trong công tác quản lý. Một điều đáng nói là mặc dù có chung nhận thức về tính tích cực của Đề án thí điểm nhưng giữa Bộ GTVT và Sở GTVT Hà Nội cũng như các DN taxi truyền thống vẫn có sự khác biệt về cách định danh cho xe thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nhận định, bản chất của loại hình này là taxi nên phải được quản lý như taxi. Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu để có ý kiến góp ý sửa đổi Nghị định 86 cho phù hợp, đảm bảo điều kiện cho taxi truyền thống hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, các DN taxi truyền thống cũng phải có sự sửa đổi, nâng cao chất lượng để tồn tại và phát triển. Còn phía Bộ GTVT khẳng định, đây là loại hình xe hợp đồng.

Trong khi đó, các DN vận tải có mặt lại đồng tình, đây chính là loại hình taxi kiểu mới, cần được quản lý như taxi truyền thống để đảm bảo trật tự, ATGT cũng như cạnh tranh... Dù không thống nhất được về cách định danh nhưng ông Trần Bảo Ngọc khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của Sở GTVT Hà Nội và các DN để đưa vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ - CP trình Chính phủ cuối tháng 12 tới.

Thống kê cho thấy, hiện Công ty TNHH Uber Việt Nam có 2.282 xe (15,74%), Công ty TNHH Grabtaxi: 11.116 xe (76,69%). Như vậy, hiện Hà Nội đã có 21.800 xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi và 19.265 taxi truyền thống.
Đặng Nhật
.
.
.