Đầu tháng 8 có thể mở lại chuyến bay quốc tế thường lệ đầu tiên

Thứ Năm, 16/07/2020, 08:38
Kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý khôi phục hoạt động vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Tần suất, điều kiện vận chuyển hành khách giữa hai nước sẽ do nhà chức trách hàng không Việt Nam - Trung Quốc thống nhất. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đồng ý tổ chức đón công dân Việt Nam tại các điểm trung chuyển lớn các chuyến bay quốc tế, trong đó có các điểm như Seoul, Tokyo, Đài Loan, Quảng Châu, Viêng Chăn, Phnom Pênh.

Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về mở lại đường bay quốc tế, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ GTVT về phương án khôi phục những đường bay này. 

Về thời điểm mở lại đường bay quốc tế, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho hay: Sau khi thống nhất phương án, Bộ GTVT (Cục Hàng không Việt Nam) sẽ làm việc với các đối tác để trao đổi cụ thể các điều kiện cho việc vận chuyển hành khách giữa hai bên.

Sẽ chỉ định duy nhất Vietnam Airlines thực hiện các chuyến bay thường lệ quốc tế đầu tiên?

Dự kiến sớm nhất đầu tháng 8-2020 có thể thực hiện chuyến bay thường lệ đầu tiên. Khách được chấp nhận trên các chuyến bay này phải có visa hợp lệ khi làm thủ tục chuyến bay (check-in). Toàn bộ khách nhập cảnh sẽ thực hiện cách ly theo quy định về phòng, chống dịch. 

Nhằm phù hợp với điều kiện địa lý, phân bổ khả năng cách ly, sự tương đồng về điểm đi/đến (thủ đô, điểm cửa ngõ chính, điểm thứ cấp), Cục Hàng không Việt Nam đề xuất trong giai đoạn đầu mở đường bay Quảng Châu - Đà Nẵng; Tokyo - Hà Nội; Seoul - Hà Nội; Đài Bắc (Đài Loan) - TP HCM; Viêng Chăn - Quảng Ninh... 

Trong giai đoạn đầu, với tần suất khai thác chỉ 1 chuyến/tuần, nhằm sử dụng hiệu quả nhân lực (phi công, tiếp viên) đang thực hiện các chuyến bay quốc tế giải cứu công dân do Bộ Ngoại giao xây dựng. 

Cục Hàng không Việt Nam để xuất Việt Nam chỉ định duy nhất Vietnam Airlines thực hiện các chuyến bay nêu trên. Sau khi dịch bệnh được ổn định và các bên tăng tần suất, số đường bay thì sẽ tiếp tục xem xét chỉ định các hãng hàng không khác. Các tổ bay, nhân viên hàng không, nhân viên quản lý xuất nhập cảnh, hải quan, kiểm dịch y tế phụ trách chuyến bay phải trang bị đồ bảo hộ và không phải cách ly sau chuyến bay. 

Cũng trong văn bản được gửi tới Bộ GTVT, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường ký nêu rõ: Từ tháng 6-2020, các hãng hàng không nước ngoài như Cathay Pacific (Hồng Kông), Singapore Airlines (Singapore)... đã khai thác lại các đường bay quốc tế đi/đến Việt Nam theo hình thức thường lệ. Vietnam Airlines cũng đang duy trì lịch bay thường lệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc. 

Bắt đầu từ tháng 7-2020, các hãng hàng không nước ngoài như Emirates Airlines (UAE), Qatar Airways (Qatar), China Airlines và Eva Airways (Đài Loan), Asiana Airlines và Korean Air (Hàn Quốc)... cũng khai thác trở lại các chuyến bay thường lệ đi/đến Việt Nam. 

“Tuy nhiên, toàn bộ các lịch bay thường lệ nêu trên đều đảm bảo chỉ chở hàng vào Việt Nam và chở khách/hàng từ Việt Nam đi quốc tế. Các chuyến bay có chở khách đều trong đối tượng ưu tiên đưa vào Việt Nam (công dân hoàn cảnh khó khăn, nhà ngoại giao, chuyên gia...) và đều thực hiện cách ly theo quy định”, ông Cường thông tin.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện tại, Trung Quốc đang áp dụng cơ chế kết nối với mỗi quốc gia 1 chuyến/tuần cho mỗi bên. Trong giai đoạn đầu, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm này để thí điểm. 

Như vậy, dự kiến mỗi tuần sẽ có từ 2.500 - 3.000 hành khách được đưa vào Việt Nam trên các chuyến bay thường lệ (ngoài các chuyến bay giải cứu công dân, chuyến bay thuê chuyến chở chuyên gia từ các địa điểm khác trên thế giới vào Việt Nam). 

Trước đó, vào chiều 13-7, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng tổ chức tọa đàm “Chủ sở hữu nhà nước: Hành động và trách nhiệm hậu COVID-19” trường hợp Vietnam Airlines. Tại đây, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành đã dùng 2 cụm từ ngắn gọn là “tê liệt” và đóng băng” để nói về những khó khăn chưa từng có trong lịch sử của ngành hàng không do tác động bởi COVID-19. 

Cụ thể, theo ông Thành, tính đến tháng 5-2020, COVID-19 đã "đốt" gần 50% (tương đương 190 tỷ USD) giá trị vốn hoá của 115 hãng hàng không niêm yết trên thế giới và ước tính cần 250 tỷ USD từ các Chính phủ để hỗ trợ ngành hàng không.

Nhật Uyên
.
.
.