Mở lại các đường bay quốc tế: Nên không?

Thứ Ba, 30/06/2020, 08:58
Đến thời điểm này, các hãng hàng không Việt đều khẳng định sẵn sàng mở lại các đường bay quốc tế. Tuy nhiên công tác phòng chống dịch vẫn khiến cơ quan chức năng băn khoăn.

Đề xuất khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế

Trong báo cáo mới nhất gửi Bộ GTVT kiến nghị các quy định để khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách vào Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng đề cập đến mô hình “Di chuyển nội khối” trên thế giới.

Cụ thể theo ông Thắng, trên toàn thế giới, khi các quốc gia cân nhắc làm thế nào để khởi động lại hoạt động đi lại quốc tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 thì ý tưởng về “Travel bubble” - “di chuyển nội khối hoặc hành lang di chuyển” đang trở nên hấp dẫn.

Theo đó, “Travel bubble” được hiểu là hai hoặc nhiều quốc gia đã kiềm chế thành công COVID-19 thống nhất tạo ra một khối, hành lang di chuyển. Những người sống trong khối có thể đi lại tự do (bằng các phương tiện giao thông đường bộ, đường biển, đường hàng không) và tránh được yêu cầu kiểm dịch bắt buộc.

Được biết hiện tại, các nước Estonia, Latvia và Litva đã mở cửa biên giới với nhau thành khối Baltic, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mở cửa trở lại. Những du khách đến từ bên ngoài khối vẫn phải tự cách ly trong 14 ngày. Úc và New Zealand có điều kiện tự nhiên phù hợp cũng đề xuất để chia sẻ nội khối Trans-Tasman. Theo đó, công dân của nước này có thể làm việc ở nước kia mà không cần thị thực.

Phi công làm việc tại một hãng hàng không Việt Nam.

Trong khi đó, Trung Quốc đang xem xét mở rộng “di chuyển nội khối” của họ trên phạm vi bao phủ Trung Quốc đại lục đến Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao cũng như Hàn Quốc. Tại Việt Nam, Cục trưởng Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho rằng, có thể nghiên cứu khôi phục các chuyến bay quốc tế thương mại thường lệ đưa khách vào Việt Nam vào cuối tháng 7-2020.

Đề xuất hàng loạt điều kiện cần xem xét để mở lại đường bay quốc tế, song ông Thắng cũng cho rằng, để duy trì và đảm bảo tính khả thi, không nên hạn chế nguồn khách, bao gồm cả nguồn khách du lịch, với điều kiện khách đảm bảo quy định được phép nhập cảnh. Đường bay quốc tế có thể mở đến các quốc gia/vùng lãnh thổ không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng trong 30 ngày liên tục.

Cục Hàng không Việt Nam cũng kiến nghị dứt khoát không chấp nhận khách quá cảnh. Theo đó, khách phải ở quốc gia/vùng lãnh thổ đối tác tối thiểu 30 ngày liên tục trước khi thực hiện chuyến bay. Khách phải có giấy chứng nhận âm tính SARS-CoV-2 được cấp trong vòng 3 ngày trước ngày dự kiến thực hiện chuyến bay. Ngoài ra, khách phải được xét nghiệm nhanh bằng bộ kit xét nghiệm SARS-CoV2 tại cảng hàng không đến của Việt Nam. Chi phí xét nghiệm do hãng hàng không chi trả. Hành khách nhập cảnh phải lưu trú tại các địa điểm do UBND cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương xác định và có trả phí.

“Tổ bay, nhân viên hàng không, nhân viên quản lý xuất nhập cảnh, hải quan, kiểm dịch y tế phụ trách chuyến bay phải trang bị đồ bảo hộ và không phải cách ly sau chuyến bay”, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất.

Để triển khai kế hoạch trên, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao trao đổi với cơ quan ngoại giao các đối tác để thống nhất việc phối hợp kết nối hoạt động hàng không thường lệ trước khi Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam làm việc với các cơ quan liên quan của đối tác để trao đổi các nội dung cụ thể để kết nối đường bay.

Sử dụng phi công Pakistan: Cục nói có, hãng bảo không?

Bên cạnh việc mở lại các đường bay thì vấn đề phi công cũng nan giải không kém. Sẽ không có gì đáng nói nếu không có chuyện ngày 27-6, thông tin phát ra từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy hiện có 27 phi công Pakistan đang làm việc cho các hãng hàng không trong nước. Thế nhưng đến sáng 28-6, đồng loạt 3 hãng hàng không: Vietnam Airlines Group, VietJet Air, Bamboo Airway đều lên tiếng hãng không đang sử dụng phi công người Pakistan.

Về vấn đề này, mới đây Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho hay: Cục Hàng không đã cấp bằng lái tại Việt Nam cho 27 phi công mang quốc tịch Pakistan, trong đó Vietjet 17 phi công, Vietnam Airlines 6 phi công và Jetstar Pacific có 4 phi công. Hiện tại, số phi công quốc tịch Pakistan đang có mặt ở Việt Nam là 12 người, trong đó 11 phi công của Vietjet và 1 phi công Jetstar Pacific, 15 phi công khác thời gian qua có thể họ đã rời Việt Nam về nước vì dịch COVID-19.

“Phi công mang quốc tịch Pakistan làm việc cho các hãng là có thật, các hãng không thể nói là không có được. Tuy nhiên, thời điểm này các hãng có sử dụng phi công Pakistan và sắp xếp lịch bay cho các phi công này hay không lại là việc khác. Tôi cho rằng các hãng có phi công Pakistan nhưng hiện đang không sử dụng hoặc không xếp lịch bay”, ông Thắng khẳng định.

Theo Cục trưởng Cục Hàng không, dù đã có bằng gốc do Pakistan cấp, nhưng trước khi được làm việc tại Việt Nam, các phi công này phải trải qua quá trình đào tạo huấn luyện bay đầy đủ cả về lý thuyết, thực hành, bay chuyển loại trên SIM, giám sát chặt chẽ theo quy định của pháp luật Việt Nam và phải được Cục Hàng không Việt Nam cấp bằng lái để sử dụng làm việc tại Việt Nam. Cục Hàng không cũng liên hệ với nhà chức trách nước cấp bằng gốc cho phi công để làm rõ hồ sơ, chứng chỉ của các phi công đó.

Trao đổi thêm về chất lượng phi công nước ngoài, cụ thể là các phi công Pakistan làm việc tại Việt Nam thời gian qua, ông Thắng đánh giá: Đây đều là những phi công làm việc tốt. Chúng tôi đã rà soát và không phát hiện trường hợp nào gặp vấn đề gì trong quá trình điều hành các chuyến bay.

Trả lời câu hỏi vì sao phải tạm dừng bay với các phi công Pakistan, ông Thắng nói: Có thể tất cả bằng lái gốc của các phi công Pakistan đều chuẩn, nhưng cũng có thể một trong số các phi công này có vấn đề trong quá trình đào tạo trước đó. Hiện Cục Hàng không đang phối hợp với nhà chức trách Pakistan để làm rà soát, làm rõ.

“Sau khi có thông tin chính thức từ phía nhà chức trách Pakistan, Cục Hàng không Việt Nam sẽ quyết định cho bay trở lại hay không đối với các phi công này”, ông Thắng nhấn mạnh.

Nhóm PV KT
.
.
.