Đâu là nguyên nhân gây tai nạn giao thông?

Thứ Ba, 07/01/2020, 09:21
Theo Bộ GTVT, nguyên nhân lớn nhất gây ra TNGT đường bộ là do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường chiếm 20,51%, còn các vi phạm khác như: Vi phạm tốc độ xe chạy chiếm 5,52%, lái xe sử dụng ma túy chiếm 0,04%, lái xe sử dụng rượu bia chiếm 1,46%...

Báo cáo chuyên đề về công tác đảm bảo trật tự ATGT tại Hội nghị tổng kết năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 của Bộ GTVT, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay, năm 2019 (từ 15-12-2018 - 14-12-2019), trên toàn quốc xảy ra hơn 17.600 vụ tai nạn giao thông. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ TNGT giảm 5,06%; số người chết giảm 7,15%; số người bị thương giảm 6,42%. 

Thống kê theo các lĩnh vực, TNGT đường bộ giảm cả 3 tiêu chí, với mức giảm trên 5%; TNGT đường sắt tăng 2 tiêu chí (trong đó số vụ tăng 6,99%, số người chết tăng 9,57%); TNGT đường thủy giảm 2 tiêu chí về số vụ, số người chết, với mức giảm lần lượt là 17,5% và 33,33%, nhưng số người bị thương tăng 125%; TNGT hàng hải tăng 10 người chết và mất tích (chiếm 250%); lĩnh vực hàng không dân dụng đã xảy ra 95 sự cố, so với năm 2018 tăng 7 sự cố (chiếm 8%). 

Về nguyên nhân xảy ra TNGT đường bộ, nguyên nhân lớn nhất là do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường.

Phương tiện đi không đúng làn đường là nguy cơ cao gây tai nạn giao thông.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã xác minh, tổng hợp thông tin của lái xe liên quan đến các vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng trên toàn quốc. Kết quả trong 11 tháng đầu năm 2019, qua xác minh 70 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, có 2 vụ chủ phương tiện không có giấy phép lái xe.

“Ngoài các lý do khách quan thì nguyên nhân chính của các vụ tai nạn giao thông là do người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông chưa tuân thủ nghiêm các quy định về bảo đảm TTATGT; công tác quản lý lái xe của một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả, trong khi lực lượng chức năng thực hiện các nhiệm vụ thanh tra, tuần tra kiểm soát còn mỏng trên các địa bàn quản lý”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.

Khẳng định trong năm 2020, công tác bảo đảm TTATGT cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm TTATGT theo chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng nhấn mạnh cần tiếp tục hoàn thiện, triển khai quyết liệt các cơ chế, chính sách có ảnh hưởng lớn đến công tác bảo đảm TTATGT. 

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin ở cả chiều rộng và chiều sâu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và hiệu lực thi hành pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải. 

Trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác về tổ chức, điều hành giao thông, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, quản lý đào tạo, cấp giấy phép chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ, đăng kiểm phương tiện. 

Ngoài ra, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT; xử lý các bất cập về kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh, xử lý các vi phạm về bảo đảm TTATGT; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại...

Cũng liên quan đến vấn đề góp phần kiềm chế TNGT, tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, ngành Giao thông cũng nên xem xét lại vấn đề khám sức khoẻ lái xe. Bởi thực tế, hiện nay việc xác thực giấy khám sức khoẻ khó khăn vì giấy này bán trôi nổi ở ngoài nhiều. 

“Đôi khi không phải là giấy giả mà là giấy thật được chính các trung tâm kiểm tra sức khoẻ tuồn ra ngoài. Điều này gây khó khăn cho các cơ quan chức năng, đặc biệt là doanh nghiệp”, ông Quyền khẳng định và đề nghị các ngành chức năng khẩn trương ban hành quy định để siết tình trạng này. 

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, thời hạn giấy khám sức khoẻ đang quy định đồng hạng là 6 tháng. Ở các nước, họ cho dài hơn với người trẻ. Ở nước ta quy định 6 tháng thì nảy sinh vướng mắc là: thời hạn đào tạo hạng C là 5,5 tháng, nhưng nộp hồ sơ chờ có khi tới 3-4 tháng. Vì thế, lúc được thi thì giấy khám sức khỏe lại hết hạn. Vì thế, người tham gia thi lại phải "lo" giấy khám sức khoẻ, tạo cơ hội cho việc “mua - bán” giấy khám sức khoẻ bùng phát.

Đặng Nhật
.
.
.