Kéo giảm tai nạn giao thông qua các buổi tuyên truyền

Thứ Hai, 23/12/2019, 09:21
Đổi mới phương pháp tuyên truyền, nội dung phong phú, đa dạng với cách truyền tải gắn với cuộc sống, từng tình huống cụ thể trong việc tham gia giao thông hàng ngày là những điểm mới của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện, giúp nâng cao nhận thức của người dân về việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Năm 2019 là năm thứ 8 liên tiếp, TNGT trên địa bàn Quảng Ninh giảm cả 3 tiêu chí.


Đổi mới phương pháp tuyên truyền

Quảng Ninh hiện có 11 khu công nghiệp (KCN), trong đó có 6 KCN đi vào hoạt động, thu hút 24.400 người lao động. Hầu hết các KCN đều bám mặt đường quốc lộ, thu hút lượng lớn công nhân lao động địa phương và tỉnh ngoài. Trong khi đó, với tốc độ phát triển nhanh về du lịch, Quảng Ninh cũng thu hút rất nhiều lượt khách đến tham quan. 

Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT), bên cạnh nỗ lực của các lực lượng chức năng thì điều quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) của người dân khi tham gia giao thông.

Cán bộ Phòng CSGT phối hợp với Hội Nông dân Quảng Ninh tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho nông dân thị xã Quảng Yên.

Nhận thức được việc này, trong thời gian qua, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền pháp luật về ATGT, với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng để người dân dễ hiểu, dễ nhớ. 

Năm 2019, Phòng đã chủ động xây dựng kế hoạch, in, cấp phát 57.000 tờ rơi, 2.600 quyển tài liệu và 4 pano tuyên truyền lưu động để tổ chức tuyên truyền ATGT đường bộ tại các KCN, doanh nghiệp ngành than, doanh nghiệp ven quốc lộ có nhiều người lao động trên địa bàn tỉnh.

Theo Thiếu tá Trần Thuý Hằng, Đội phó Đội tuyên truyền, điều tra, xử lý vi phạm, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an tỉnh Quảng Ninh, các công ty than lớn đều tập trung tại các địa bàn trọng điểm của tỉnh như Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả... thu hút lượng lao động lớn, bình quân mỗi công ty than có từ 4000- 5000 thợ mỏ. 

Nhiều công nhân trong các KCN và thợ mỏ là lao động phổ thông, hầu hết tham gia giao thông bằng phương tiện xe mô tô, xe gắn máy, nên đã đặt ra yêu cầu về việc đảm bảo an toàn khi họ tham gia giao thông. 

Tuy nhiên, để những buổi tuyên truyền tập trung được hiệu quả, bản thân cán bộ Đội tuyên truyền luôn phải đổi mới, tìm tòi những cái mới, để đơn giản hoá nội dung tuyên truyền Luật mà người dân, công nhân, cán bộ công chức các cơ quan trên địa bàn cho tới các cháu học sinh tiếp thu nhanh, hiệu quả, để từ đó mỗi người đều nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông.

Theo đó, tại các buổi tuyên truyền, mọi người còn được trực tiếp xem các video, các hình ảnh về hành vi vi phạm cụ thể của chính người lao động tại doanh nghiệp nơi tổ chức tuyên truyền. Thông qua clip và hình ảnh minh họa phân tích sâu các lỗi vi phạm cụ thể, thường gặp của người tham gia giao thông, nguyên nhân, hậu quả, chế tài xử lý. 

Ngoài ra còn trình chiếu các câu chuyện về văn hóa giao thông trên đường phố, thông qua các hình ảnh văn minh, các câu chuyện mang tính nhân văn của người tham gia giao thông, tuyên truyền viên chuyển tải thông điệp tốt đẹp để người tham gia giao thông hướng tới, học tập, làm theo. 

“Bằng những hình ảnh trực quan sinh động đó, các buổi tuyên truyền về ATGT của Phòng CSGT đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong việc cảnh báo, răn đe đối với người chưa có ý thức chấp hành luật khi tham gia giao thông. Đặc biệt là nâng cao ý thức, nhận thức của người lao động về tuân thủ các qui định của Luật khi tham gia giao thông, góp phần hạn chế tai nạn giao thông trên địa bàn” -Thiếu tá Trần Thuý Hằng nhấn mạnh.

Theo Thiếu tá Trần Thúy Hằng, Phòng CSGT còn phối hơp với Ban ATGT tỉnh Quảng Ninh xây dựng chương trình Hướng dẫn pháp luật về ATGT phát sóng vào tối chủ nhật hàng tuần trên Đài truyền PTTH Quảng Ninh. Trong chương trình còn hướng dẫn các tình huống, kỹ năng thực hiện ATGT cụ thể như: lùi xe đúng cách, thắt dây an toàn đúng cách…

Ngoài ra, đơn vị còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT cho học sinh, xây dựng các phóng sự khoa giáo, cách thức đi xe đạp điện an toàn cho các em. Năm 2019 Phòng CSGT đã tổ chức được 25 buổi tuyên truyền tại các địa phương cho 11.200 người là công nhân, học sinh, người dân.

Nâng cao ý thức chấp hành Luật cho người dân

Nhờ có tài liệu do Phòng CSGT cung cấp, Công an các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đổi mới nội dung tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông tới người dân. 

Điển hình là Tổ tuyên truyền của Công an TP Hạ Long thường xuyên thực hiện các buổi tuyên truyền nhằm đưa kiến thức về ATGT đến các trường học trên địa bàn thành phố với chủ đề “Chúng em với an toàn giao thông” tại trường tiểu học Lý Thường Kiệt, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long. 

Buổi tuyên truyền giúp các em nắm bắt về tình hình TTATGT, các hành vi vi phạm giao thông phổ biến trong lứa tuổi học sinh; các mức xử phạt, ý thức, trách nhiệm của học sinh khi tham gia giao thông.

Hay, Công an Công an TP Uông Bí, từ tháng 10-2019 đến nay đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông tại 8 trường THCS, THPT trên địa bàn với hơn 6700 giáo viên, nhân viên viên và học sinh tham gia. 

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ (TP Uông Bí) Dương Thị Bích chia sẻ: “Thông qua các buổi tuyên truyền, giáo viên, học sinh đã nhận thức sâu hơn về hậu quả, tác hại của tai nạn giao thông, 100% giáo viên, công nhân viên và các em học sinh đều đội mũ bảo hiểm và nâng cao ý thức chấp hành giao thông đường bộ”.

Theo Đại tá Vũ Đình Đức, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an tỉnh Quảng Ninh, năm 2019, TNGT trên địa bàn Quảng Ninh tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí và đây là năm thứ 8 liên tiếp Quảng Ninh đạt được mục tiêu kéo giảm TNGT cả 3 tiêu chí. Để có được kết quả này, ngoài sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thì không thể không kể đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân tuân thủ và chấp hành Luật giao thông. 

Việc tuyên truyền được triển khai đồng loạt, thường xuyên, từ Phòng CSGT đến Công an các huyện, thành phố đều chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức trên địa bàn để làm sao công tác tuyên truyền mang lại hiệu quả cao nhất. 

Từ nay tới Tết Nguyên đán, dự báo tình trạng vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn sẽ gia tăng, ngoài công tác xử lý vi phạm, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân cũng là điều hết sức cần thiết, góp phần đảm bảo trật tự ATGT, giảm thiểu TNGT xảy ra trên địa bàn.

Lưu Hiệp - Trần Hằng
.
.