Cuối năm tái diễn tình trạng xe bỏ bến chạy dù
- Quyết liệt xử lý “xe dù, bến cóc”
- Kiểm tra, xử nghiêm “xe dù, bến cóc” dịp cuối năm
- Xe dù, bến cóc phá vỡ trật tự vận tải khách
Cách đây 9 tháng, Nghị định 10-2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải chính thức có hiệu lực và được kỳ vọng sẽ là cơ sở pháp lý cần thiết để xử lý triệt để xe hợp đồng trá hình lách luật, hoạt động như tuyến cố định. Tuy nhiên, từ đó đến nay, vấn nạn "xe dù, bến cóc", xe trá hình dường như vẫn như "cái gai khó nhổ", cạnh tranh không lành mạnh với các xe khách chạy tuyến cố định.
Xe chạy tuyến cố định "đua nhau" bỏ bến
Ngày 18/1, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Bến xe Mỹ Đình thông tin, từ nhiều tháng nay, tại bến xe Mỹ Đình xuất hiện nhiều nhà xe bỏ bến, trong đó chủ yếu là các tuyến ngắn dưới 200km đi Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Phúc…
"Trước đây, mỗi ngày bến có hơn 900 lượt xe, nhưng nay chỉ còn hơn 800 lượt. Một số nhà xe khi báo cáo với đơn vị quản lý và khai thác bến xe đã đưa ra những lý do giải thích về việc hoạt động dưới 70% số chuyến theo biểu đồ đã đăng ký hoặc bỏ bến là do xe hỏng phải sửa chữa, xe bị tai nạn... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không ít nhà xe bỏ bến nhưng lại lén lút ra ngoài đón trả khách tại các tuyến đường", vị lãnh đạo này chia sẻ.
Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra tình trạng xe bỏ bến ra ngoài bắt khách. |
Khi hỏi về vấn đề xử lý xe bỏ bến, đại diện Phòng Vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, từ tháng 3/2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị các Sở GTVT không cắt phép với các nhà xe hoạt động dưới 70% số chuyến.
Tuy nhiên, thời gian tới Sở GTVT Hà Nội sẽ siết chặt lại vấn đề này, đơn vị sẽ cho lực lượng kiểm tra lại hoạt động của các nhà xe có số chuyến hoạt động thấp. Nếu thấy nhà xe nào bỏ bến ra ngoài hoạt động dù, Sở sẽ xử lý nghiêm.
Nhìn vào thực tế có thể thấy, tình trạng xe khách liên tỉnh cố tình "bẻ tuyến" chạy vòng các tuyến phố để đón trả khách, thậm chí là xe khách "bỏ bến, chạy dù" trong thời gian qua khiến áp lực giao thông trên tuyến phố Hà Nội ngày càng trở nên phức tạp và là nỗi ám ảnh đối với người tham gia giao thông.
Còn kẽ hở trong Nghị định 10
Theo ông Cao Văn Hiệp, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội, sau khi Nghị định 10 có hiệu lực, lực lượng Thanh tra Sở GTVT đã tăng cường xử phạt. Tuy nhiên, lợi dụng kẽ hở của các quy định trong hoạt động kinh doanh vận tải, một số đơn vị vận tải đã lập văn phòng đại diện tại Hà Nội, sử dụng xe hợp đồng (xe dạng Limousine và xe khách) để tổ chức thu tiền, đặt chỗ, gom khách hoạt động liên tục đi các tỉnh như tuyến cố định.
Trong năm 2020, Thanh tra Sở đã lập biên bản 2.663 xe khách tuyến cố định, phạt tiền hơn 3,8 tỷ đồng; 2.173 xe hợp đồng, phạt tiền hơn 4 tỷ đồng; tước phù hiệu xe vận tải hành khách 178 phương tiện. Nói về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng còn gặp nhiều khó khăn, ông Hiệp cho biết, các đối tượng "cò mồi", chèo kéo khách vẫn diễn ra tại các khu vực bến xe; có đối tượng còn được thuê, cử theo dõi, cảnh báo đến các nhà xe khi có sự xuất hiện của lực lượng chức năng.
"Việc ứng dụng công nghệ, sử dụng các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để xử lý phạt "nguội" vi phạm hành chính còn hạn chế; hệ thống theo dõi giám sát hành trình chưa tự động cảnh báo cáo lỗi của các xe vi phạm, phải dùng các biện pháp thủ công để rà soát với số lượng lớn phương tiện", ông Hiệp nói.
Liên quan đến vấn đề xe khách vi phạm, lãnh đạo Đội CSGT số 14 (Công an Hà Nội) cũng cho biết, trong năm 2020 riêng Đội CSGT số 14 đã xử lý gần 900 trường hợp xe khách vi phạm các lỗi dừng đón trả khách sai quy định, xe chạy dù…
Vị này cũng chia sẻ thêm, việc xử lý xe khách đón khách sai quy định hay xe dù gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất, người dân vẫn có thói quen đứng ở vị trí nào thuận lợi, không vào bến mua vé, nên tạo điều kiện cho các nhà xe bắt khách dọc đường. Cùng với đó là việc lái xe khách thuê xe ôm "hóng" vị trí chốt của CSGT để né. Thậm chí, nhà xe còn móc nối với hành khách, khai thông tin không đúng sự thật để trốn tránh việc bị kiểm tra, xử lý. Nhiều nhà xe còn dừng xe giữa đường bắt khách, song lại bật đèn cảnh báo, để khi lực lượng tuần tra xuất hiện thì vờ viện lý do xe đang gặp sự cố…
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, để Nghị định 10 tiếp tục đi vào cuộc sống, giải quyết dứt điểm vấn nạn "xe dù, bến cóc", trước tiên sẽ vẫn là tăng cường việc thanh tra, kiểm tra về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, cũng như việc quản lý hoạt động vận tải của địa phương, trong đó có quản lý bến xe, các điểm đón trả khách.
Đặc biệt tập trung vào loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm. Kế đó, sẽ phải tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động vận tải đường bộ.
"Chúng tôi đang khẩn trương xây dựng phần mềm tiếp nhận thông báo hợp đồng vận chuyển khách, tự động theo dõi, tổng hợp, thống kê, phân tích các dữ liệu đáp ứng yêu cầu quản lý để thống nhất sử dụng chung trong toàn quốc.
Cùng đó, Tổng cục sẽ xây dựng phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ôtô; thực hiện và phối hợp thực hiện việc kết nối liên thông dữ liệu các phần mềm: Quản lý cấp biển hiệu, phù hiệu cho xe ôtô kinh doanh vận tải, giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, giám sát hành trình, đăng kiểm, xử lý vi phạm, thu hồi giấy phép lái xe để tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước…", bà Hiền nhấn mạnh.