Cấp giấy phép lái xe ôtô cho người khuyết tật: Khó triển khai ngay

Thứ Ba, 23/05/2017, 09:06
Thông tư 12/2017/TT-BGTVT vừa được Bộ GTVT ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-6 tới đây cho phép đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe hạng B1 số tự động cho người khuyết tật. Tuy nhiên, xung quanh quyết định này vẫn còn nhiều băn khoăn.

Thông tư 12/2017/TT-BGTVT được Bộ GTVT ban hành thay thế Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ. Trong Thông tư này quy định về việc đào tạo, sát hạch đối với một số trường hợp đặc thù. 

Cụ thể, tại khoản 2, điều 43, Thông tư 12 về đào tạo lái xe quy định: Đào tạo để cấp GPLX hạng B1 số tự động cho người khuyết tật có đủ điều kiện điều khiển xe tập lái hạng B1 số tự động của cơ sở đào tạo.

Người khuyết tật sẽ có sân thi riêng cho việc cấp GPLX.

Theo đó, người học phải có đủ điều kiện, hồ sơ theo quy định, phải đăng ký học tại cơ sở đào tạo được phép đào tạo, phải học đủ thời gian, nội dung chương trình đào tạo theo quy định, được tự học các môn lý thuyết, nhưng phải được kiểm tra, cấp chứng chỉ đào tạo; Cơ sở đào tạo sử dụng xe hạng B1 số tự động có đủ điều kiện của cơ sở đào tạo làm xe tập lái.

Đối với người khuyết tật không đủ điều kiện điều khiển xe tập lái hạng B1 số tự động của cơ sở đào tạo thì cơ sở đào tạo có thể sử dụng ôtô của người khuyết tật để làm xe tập lái. Ôtô của người khuyết tật phải có kết cấu phù hợp với việc điều khiển của người khuyết tật, bảo đảm các điều kiện theo quy định của Nghị định số 65/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái ôtô và dịch vụ sát hạch lái xe...

Liên quan đến vấn đề cấp GPLX cho người khuyết tật, ông Trần Văn Toản - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô - cho biết, từ trước tới nay có rất nhiều người khuyết tật có mong muốn được học lái xe.

Trên thực tế, không phải người khuyết tật nào sức khỏe cũng yếu và không đủ năng lực để lái xe, nhiều trường hợp chỉ bị khiếm khuyết rất nhỏ và họ vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường như những người khỏe mạnh. Tuy nhiên, do không có quy định đặc thù nên chưa trường hợp người khuyết tật nào được đào tạo và cấp bằng.

Ông Toản cho rằng, việc nới quy định đào tạo, sát hạch và cấp GPLX cho người khuyết tật là điểm mới, tạo điều kiện cho rất nhiều người khuyết tật được tham gia vào các hoạt động bình thường của xã hội, có cơ hội để thay đổi cuộc sống theo hướng tốt hơn.

Chiều 22-5, trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Đình Nghĩa, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở GTVT Hà Nội) cho biết: Sở GTVT Hà Nội đang rà soát lại thủ tục, vì vậy chưa có học viên người khuyết tật nào được học tại các trung tâm do Sở GTVT cấp GPLX.

“Sau khi rà soát lại các thủ tục thì ngày 1-6, chúng tôi sẽ cho những người khuyết tật bảo đảm về điều kiện sức khỏe được học và cấp GPLX nếu vượt qua kỳ thi sát hạch" - ông Nghĩa nói.

Tuy nhiên, cấp GPLX ôtô cho người khuyết tật thì phương tiện, sân bãi, và bài thi cũng phải riêng và phù hợp với điều kiện sức khoẻ của người thi, chứ không phải sân bãi phương tiện bình thường.

Ông Nghĩa cũng tỏ ra băn khoăn với việc đào tạo lái xe cho người mất chân phải. Với xe số tự động, hệ thống phanh và ga nằm ở bên phải, trong khi nếu mất chân phải, người lái xe buộc phải sử dụng chân trái thì có thể sẽ không thuận so với hệ thống. 

Do vậy, với người khuyết tật chân phải khi học lái xe có thể phải đặt những dòng xe được cải tạo phù hợp để bảo đảm quá trình lái xe được an toàn. Tất nhiên, những xe mà người khuyết tật sử dụng để đưa vào thi, cũng phải là xe có đăng ký, đăng kiểm.

Đặng Nhật
.
.
.