Cao tốc Bắc – Nam: Làm nhanh sẽ tránh thất thoát, lãng phí đất đai

Thứ Ba, 02/06/2020, 08:38
Chính phủ vừa có Tờ trình 256, kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Trong tờ trình, Chính phủ đề xuất Quốc hội 3 phương án chuyển đổi hình thức đầu tư theo thứ tự ưu tiên.



Chính phủ đề xuất 3 phương án

Cụ thể, phương án 1: Tiếp tục đầu tư 3 dự án thành phần đầu tư công theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội. Chuyển đổi hình thức đầu tư từ hình thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công toàn bộ 8 dự án thành phần. 

Theo phương án này, tổng mức đầu tư khoảng 99.493 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước đã bố trí tại Nghị quyết số 52/2017 là 55.000 tỷ đồng; cần bổ sung khoảng 44.493 tỷ đồng (Chính phủ kiến nghị bổ sung trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025). 

Phương án 2: Tiếp tục đầu tư 3 dự án thành phần đầu tư công theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội; chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công đối với 5 dự án gồm: 4 dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn - QL45 dài 63km, QL45 - Nghi Sơn dài 43km, Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50km và Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km) và 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết). 

Ba dự án thành phần còn lại có nhiều nhà đầu tư qua sơ tuyển (Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP. Theo phương án 2, tổng mức đầu tư khoảng 100.250 tỷ đồng. 

Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước khoảng 88.056 tỷ đồng (đã bố trí 55.000 tỷ đồng, cần bổ sung 33.056 tỷ đồng); vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 12.194 tỷ đồng. Với phương án 3: Tiếp tục đầu tư 3 dự án thành phần đầu tư công theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội. 

Chuyển đổi hình thức đầu tư 3 dự án thành phần gồm: Hai dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn - QL45 dài 63km và Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km) và 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết). 

5 dự án thành phần còn lại (QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP. Phương án này có tổng mức đầu tư khoảng 100.816 tỷ đồng. 

Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước khoảng 78.461 tỷ đồng (đã bố trí 55.000 tỷ đồng, cần bổ sung 23.461 tỷ đồng); vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 22.355 tỷ đồng.

Chậm triển khai cao tốc Bắc - Nam còn đẩy chính quyền địa phương nơi các dự án đi qua vào thế khó.

Đã đạt hơn 73% việc bàn giao mặt bằng

Tính đến hết tháng 5-2020, các địa phương đã bàn giao mặt bằng được 477/654km (đạt 73%), dự kiến cơ bản hoàn thành trong quý II-2020. Đối với một số đoạn do phải di dời công trình hạ tầng phức tạp, sẽ hoàn thành trong quý III/2020. 

Ngoài ra, các địa phương đã triển khai xây dựng 35/114 khu tái định cư, 79 khu tái định cư còn lại đang triển khai thiết kế, lựa chọn nhà thầu thi công, phấn đấu hoàn thành xây dựng toàn bộ các khu tái định cư trong quý III/2020. 

Ngoài 3 dự án đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2) đã triển khai thi công, tiến độ thực hiện 8 dự án PPP còn lại bằng hình thức PPP theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội đang chậm, thậm chí có thể bị “treo” trong giai đoạn tới bởi chính sách của các ngân hàng, việc nhà đầu tư vay được vốn tín dụng gần như là bất khả thi. 

Đây cũng lý do được Chính phủ đưa ra trong tờ trình vừa gửi đến Quốc hội để xem xét, chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công để dự án đảm bảo chắc chắn thành công.

Nếu tiếp tục triển khai 8 dự án cao tốc Bắc - Nam bằng hình thức PPP, theo báo cáo của Chính phủ, dự án sẽ không đảm bảo mục tiêu hoàn thành theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội. 

Hơn nữa, việc chậm triển khai cao tốc Bắc - Nam còn đẩy chính quyền địa phương nơi các dự án đi qua vào thế khó, khi hàng nghìn hộ dân đã nhường đất để làm công trình trọng điểm quốc gia này, nhưng phần đất của họ sắp tới lại phải “phơi mưa, phơi nắng”. 

Ông Phạm Hồng Quang, Bí thư Huyện uỷ Nghi Lộc (Nghệ An) cho hay: “Việc xây dựng cao tốc Bắc - Nam theo phương án nào sẽ do Quốc hội quyết định. Còn với địa phương, chúng tôi mong muốn phương án nào làm càng nhanh sẽ càng tốt. 

Làm nhanh sẽ tránh được tình trạng đất đai đã giải phóng mà không triển khai thi công, hạn chế thất thoát lãng phí, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân”. 

Theo ông Quang, cao tốc chậm đưa vào hoạt động ngày nào, mục tiêu phát triển kinh tế đề ra sẽ chậm theo ngày đó. Bởi có đường cao tốc sớm sẽ tạo thuận lợi cho lưu thông, kết nối các vùng kinh tế, hệ thống khu công nghiệp, cảng biển... 

“Mong muốn của địa phương là dự án làm càng nhanh càng tốt cho địa phương. Chúng tôi cam kết sẽ triển khai đảm bảo kịp tiến độ GPMB mà Chính phủ, Bộ GTVT cũng như tỉnh đề ra”, ông Quang nói. 

Tương tự, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa cũng thông tin, trên địa bàn tỉnh có 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đi qua gồm: Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu. Công tác GPMB của 3 dự án này đang được chính quyền địa phương thực hiện rốt ráo và sẽ cơ bản sẽ hoàn thành trước 30-6-2020. 

“Việc đầu tư các dự án này bằng hình thức nào, chúng tôi đều ủng hộ vì người dân và tỉnh mong muốn dự án sớm triển khai và đưa vào sử dụng để góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông cũng như thúc đẩy việc phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng”, vị này chia sẻ.

Đặng Nhật
.
.
.