Dự án cao tốc Bắc – Nam: Có nơi người dân chưa đồng thuận về giá đền bù

Thứ Năm, 07/05/2020, 09:20
Theo kế hoạch, 13 địa phương có dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua sẽ bàn giao phần đất nông nghiệp trong năm 2019, hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) vào quý II/2020.

Tại phía Nam, địa bàn 4 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai có 3 phân đoạn cao tốc thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam. Theo Ban QLDA 85 (đại diện nhà đầu tư), với dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến đầu tháng 4-2020 đã bàn giao được 52,27/61,5km (đạt khoảng 85%).

Cũng tính đến tháng 4, địa phương đã tổ chức chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng với tổng số hộ đã nhận tiền bồi thường là 1.046/1.207 hộ. Để phục vụ dự án, tỉnh phải xây dựng 2 khu tái định cư, trong đó 1 khu đang thi công, 1 khu đang tổ chức đấu thầu. Tại Bình Thuận, hiện công tác GPMB đang được đẩy mạnh, đã chi trả tiền bồi thường cho 2.401/2.683 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 89,5%.

Giải phóng mặt bằng chậm dễ dẫn tới khả năng đội vốn dự án cao tốc Bắc - Nam.

Trong khi các tỉnh phía Nam công tác GPMB suôn sẻ thì tại phía Bắc dường như còn gặp nhiều khó khăn trong việc áp giá đền bù. Cụ thể, tại huyện Yên Khánh (Ninh Bình), có 700 hộ dân bị ảnh hưởng, 185 hộ phải di dời tái định cư, 200 ngôi mộ phải di chuyển. Tính đến nay, chỉ còn 40 hộ đang thực hiện áp giá đền bù, phấn đấu đến ngày 30/6 sẽ hoàn thành dứt điểm.

Mặc dù vậy, người dân vẫn đang trăn trở vì việc tổ chức tái định cư còn chậm. Trong 180 hộ mới có 14 hộ được giao đất ở, phần lớn số hộ còn lại phải ở trọ, ở nhờ. Theo báo cáo của Sở GTVT Ninh Bình, tiến độ xây dựng khu tái định cư Khánh Hòa bổ sung mới đang chấm thầu tư vấn, còn rất nhiều bước tiếp theo. UBND huyện Yên Khánh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ, đồng thời có phương án tuyên truyền, vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng trước để thi công dự án.

Tại Nam Định, khu vực đường gom bên phải đoạn Cao Bồ - Mai Sơn chạy qua huyện Ý Yên còn vướng nhiều ngôi mộ, khu vực hầm chui Mễ Thượng, cầu Cẩm vướng nhiều nhà dân chưa GPMB. Với vướng mắc này, tiến độ luôn bị ảnh hưởng, có thời điểm phải ngừng thi công.

Còn tại Thanh Hóa, dự án cao tốc Bắc - Nam gồm 3 dự án thành phần qua địa phận TP Thanh Hóa và 8 huyện với tổng chiều dài 104,243km, tổng số hộ bị ảnh hưởng là 9.168 hộ. Hiện tại, tỉnh đã hoàn thành GPMB phần đất nông nghiệp được 6.301/6.836 hộ, đạt 92,2%, trong khi một số huyện chậm so với yêu cầu. Nguyên nhân do một số hộ chưa đồng thuận giá đền bù; các khu tái định cư ở nhiều địa phương chưa hoàn thiện khiến người dân chậm trễ giao mặt bằng.

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa cho biết, đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các huyện có giải pháp đẩy nhanh tiến độ GPMB để đảm bảo hoàn thành toàn bộ phần đất nông nghiệp trước ngày 30/5, hoàn thành phần đất ở, đất khác trước ngày 30/6.

Tình trạng người dân chưa “mãn nguyện” về việc đền bù cũng xảy ra ở tỉnh Hà Tĩnh. Tính đến cuối tháng 4/2020, huyện Đức Thọ đã tiến hành bồi thường và GPMB được 21,32/29,78ha đất nông nghiệp, còn lại 8,46ha.

Hai khu tái định cư đến nay đã thi công được khoảng 80% khối lượng. Song đại diện Hội đồng bồi thường GPMB huyện Đức Thọ cho biết, công tác bồi thường GPMB còn chậm và chưa đạt yêu cầu tiến độ đề ra là do còn thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện của Hội đồng. Một số văn bản của UBND tỉnh mới có hiệu lực nên việc áp giá bồi thường còn một số vướng mắc.

Lo ngại về tiến độ GPMB chậm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ cũng như vốn của dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng: “Các địa phương cần sớm hoàn thành toàn bộ công tác GPMB để giải ngân hết nguồn vốn đã được phân bổ. Hơn nữa, khi các dự án PPP được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chuyển sang hình thức đầu tư công, có mặt bằng sạch sẽ đẩy nhanh được tiến độ triển khai, hạn chế tăng tổng mức đầu tư của các dự án”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trong văn bản vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, đến nay, 13 địa phương có dự án đi qua đã chi trả tiền đền bù, đủ điều kiện bàn giao mặt bằng được 457,5/653,6km (đạt 70%). 

Tuy nhiên, tính đến ngày 15/4/2020, hầu hết địa phương chưa hoàn thành công tác bồi thường đất nông nghiệp; bồi thường đất ở đang trong giai đoạn lập phương án, chưa phê duyệt. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa thi công xây dựng khu tái định cư như: Nam Định, Ninh Bình, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang…

Khối lượng di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật rất lớn, hiện mới đang ở bước khảo sát, lập phương án đền bù, di dời. Ông Nhật lo ngại: “Nếu các địa phương, các chủ sở hữu, sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật không tập trung quyết liệt thực hiện sẽ không thể hoàn thành công tác GPMB như đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ bàn giao toàn bộ trong quý II/2020”.

Đặng Nhật
.
.
.