Cả nước còn 370 cầu yếu, đe dọa tính mạng người dân

Thứ Tư, 25/10/2017, 09:10
Chỉ trong vòng 1 tháng, sau một đợt mưa lũ, đã có hai cây cầu tại Hà Tĩnh, Yên Bái bị sập, gây thiệt hại cả về người lẫn vật chất. Trước khi tai họa xảy ra, cả hai cây cầu nói trên đều chưa có dấu hiệu xuống cấp. Vậy làm thế nào để người dân yên tâm hơn khi lưu thông qua các cây cầu dân sinh, khi mà theo thống kê cả nước hiện còn hơn 300 cầy cầu yếu nằm rải rác trên các tuyến quốc lộ.

Vào trưa 11-10, cầu Ngòi Thia (Yên Bái) bất ngờ bị sập, cuốn trôi 7 người dân, trong đó có một nhà báo. Tiếp đến, ngày 16-10, cầu Khe Bượm (xã Hương Thọ), tỉnh Hà Tĩnh cũng bị sập, rất may không có thiệt hại về người. Hai cầu đều thuộc sự quản lý của tỉnh và trước đó, đều chưa có dấu hiệu xuống cấp. Cho đến bây giờ, nguyên nhân sự cố vẫn đang được điều tra.

Ngày 24-10, đoàn công tác của Bộ  Giao thông Vận tải (GTVT) đã lên Yên Bái, vào thực tế hiện trường để điều tra làm rõ nguyên nhân. Lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Yên Bái cho hay, ít nhất phải một tuần nữa, đoàn công tác mới có thể đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân sập cầu. Trước đó, ông Bùi Danh Tú – Phó Giám đốc Sở GTVT  tỉnh Yên Bái khẳng định, trước khi cầu Ngòi Thia bị gãy sập, cơ quan chức năng không ghi nhận có dấu hiệu bất thường đe dọa an toàn cây cầu này.

Cách cầu Ngòi Thia khoảng 100m có một cây cầu mới, do đó không ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân và hoạt động kinh tế của địa phương. Được biết, cầu Ngòi Thia được khởi công xây dựng từ năm 1985, đến năm 1990 thì hoàn thành, cầu có chiều dài hơn 100m, rộng 10,5m, gồm 4 nhịp. Năm 2005, do cầu gặp sự cố nên đã phải sửa chữa gia cố thêm. Từ đó đến nay, người dân đi lại bình thường trên cầu này, chưa ghi nhận có dấu hiệu bất thường.

Tương tự, lãnh đạo Xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh cũng cho hay, cầu Khe Bượm được xây dựng trước năm 2001 theo chương trình dự án Oxfam do Hồng Kông (Trung Quốc) tài trợ. Cầu được kết cấu bằng bê tông thép vĩnh cữu; cầu có 2 nhịp, mỗi nhịp khoảng 10m. Đây là cầu dân sinh có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương. Cầu nối thôn 1 với thôn 3 của xã Hương Thọ, chính giữa là đồng sản xuất của người dân 2 thôn này.

Hiện, ngoài 150 hộ với 300 khẩu ở 2 thôn 1 và 3 bị ảnh hưởng trực tiếp thì còn hàng trăm hộ dân ở các xóm khác muốn đi tắt ra đường Hồ Chí Minh cũng bị ảnh hưởng. Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân khiến cầu Khe Bượm bị sập có thể là do trong cơn bão số 11 vừa qua mưa lớn kết hợp với nước từ đầu nguồn đổ về dồn dập, xói lở 2 bên mố cầu. Do phải chịu áp lực nước quá lớn nên khi bão đi qua, nước rút, cầu đã bị gãy sập.

Cầu Khe Bượm ở Hà Tĩnh bị sập.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, do tác động các đợt mưa lớn kéo dài đã gây ra nhiều thiệt hại tới kết cấu công trình đường bộ trên các tuyến quốc lộ trên địa bàn các tỉnh phía Bắc và Bắc miền Trung.

Ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Quản lý bảo trì đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, cả nước còn hơn 370 cầu yếu, cầu cần cắm biển hạn chế tải trọng và cầu có khổ cầu nhỏ hơn khổ nền đường. Các cầu này tập trung chủ yếu ở các tỉnh như Hà Giang, Thanh Hoá, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Ngãi, Quảng Trị,...

Tổng cục đường bộ Việt Nam cho rằng, giải pháp hữu hiệu là cần tập trung sửa chữa mặt cầu, tăng cường khả năng chịu lực bằng việc gia cường các dầm cầu đảm bảo tải trọng khai thác; một số cầu có kết cấu dạng cầu vóm hoặc được xây dựng từ trước năm 1975 sẽ được đề xuất xây dựng mới. Đối với các cầu hẹp là mở rộng khổ cầu trên cơ sở bề rộng cầu cũ.

Hà Nội cũng “đau đầu” với nhiều cầu yếu

Trong số 34 công trình cầu yếu trên địa bàn Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cấp bách cải tạo, xây dựng lại, đến nay đã có hơn 16 dự án hoàn thành, phát huy hiệu quả. Những cây cầu yếu còn lại cũng trong tình trạng ngày càng xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, đang chờ được… giải cứu từng ngày.

Sở GTVT Hà Nội nhận thức rất rõ mối nguy hiểm tiềm ẩn của tình trạng cầu yếu hiện nay. Tuy nhiên, do ngân sách thành phố rất khó khăn nên thời gian qua, đối với các cầu tạm, cầu yếu, vẫn tập trung vào công tác duy tu, duy trì nhằm bảo đảm an toàn giao thông.

Đặng Nhật
.
.
.