Mơ về đường cao tốc thống nhất

Thứ Năm, 04/02/2021, 11:19
Gần 20 triệu dân miền Tây Nam Bộ rất phấn khởi khi các phương án kéo giảm nạn ùn tắc giao thông dịp Tết Tân Sửu này được Chính phủ, ngành GTVT và chính quyền các địa phương tính toán chủ động hơn. Cùng với việc sắp có thêm hơn 50km cao tốc, từ mùa xuân này, người dân miền Tây đang mơ đến ngày cao tốc Bắc – Nam liền một mạch…

Liên tiếp trong nhiều cái Tết qua, người dân thật sự ám ảnh do phải đối mặt với tình trạng kẹt xe nghiêm trọng trên đường về quê và trở lại TP Hồ Chí Minh sau Tết. Tết này thì đã khác, rất khác. Nhiều “điểm nóng” đã được… hạ nhiệt. Lưng áo của các chiến sĩ CSGT không còn mướt mồ hôi như nhiều Tết trước. 

Gần 20 triệu dân miền Tây Nam Bộ rất phấn khởi khi các phương án kéo giảm nạn ùn tắc giao thông dịp Tết Tân Sửu này được Chính phủ, ngành GTVT và chính quyền các địa phương tính toán chủ động hơn. Cùng với việc sắp có thêm hơn 50km cao tốc, từ mùa xuân này, người dân miền Tây đang mơ đến ngày cao tốc Bắc – Nam liền một mạch…

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang gấp rút hoàn thành, rút ngắn khoảng cách từ TP Hồ Chí Minh đến Cần Thơ.

Chậm là mắc nợ dân…

Còn nhớ, 10 cái Tết trước, trong dịp Tết Canh Dần, trước khi được đưa vào khai thác chính thức, đoạn 50km cao tốc Bắc – Nam đầu tiên hiện diện tại miền Tây - cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương, cũng đã thực hiện sứ mệnh tương tự để giải quyết tình trạng quá tải trên QL1A.

10 năm kể từ ngày dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận được khởi động, từ mùa xuân này, đường cao tốc về “vựa lúa”, “vựa cá”, “vựa trái cây” của cả nước được nối dài thêm. Giấc mơ 10 năm đã thành hiện thực. Giờ chỉ thêm một thời gian nữa, dự án cao tốc trên 12.600 tỉ đồng hoàn thành. 

Đó là kết quả từ sự quyết tâm rất cao của Chính phủ, Bộ GTVT và đặc biệt là chính quyền, người dân nơi cao tốc đi qua. Có gần 3.300 hộ dân của tỉnh Tiền Giang phải di dời nhà cửa, cơ sở sản xuất, chấp nhận mất vườn cây ăn trái, ruộng lúa,… để đường sớm hiện hữu. 

Từ khi tiếp nhận dự án, đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là sự hoành hành của dịch COVID-19 và hạn, mặn, nhưng với tinh thần “dự án chậm một ngày, thêm một ngày mắc nợ với nhân dân”, Tiền Giang đẩy lùi mọi khó khăn, vướng mắc ra phía sau. 

Không chỉ phấn khởi vì việc đi lại của người dân miền Tây nhanh, thuận lợi và an toàn hơn, chính quyền tỉnh Tiền Giang kỳ vọng khi tuyến cao tốc vận hành sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi diện mạo địa phương.

Trong ngày thông tuyến, đại diện doanh nghiệp dự án - Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết dù hợp đồng ký kết không quy định phải thông tuyến tạm thời trước Tết Nguyên đán 2021 nhưng để giải tỏa ùn tắc trên QL1 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp đã nỗ lực, hàng trăm công nhân, kỹ sư miệt mài trên công trường để hoàn thành đúng hẹn các hạng mục cơ bản trên tuyến chính trong tháng cuối cùng của 2020, kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại của bà con miền Tây dịp cuối năm.   

Khát vọng đất “chín rồng”

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết, cầu Mỹ Thuận 2 vừa được khởi công; dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ đang khởi động. Dự kiến, thêm 2 cái Tết nữa, cao tốc TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ sẽ liền mạch. Khi đó, cao tốc Bắc – Nam phía Đông từ Hà Nội vào Cần Thơ sẽ được 1.814km... 

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ phấn khởi cho biết, khi tuyến cao tốc này hoàn thành, cùng với các tuyến ngang sẽ góp phần năng lực vận chuyển hàng hóa, hạ giá thành sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh, giảm thời gian đi lại của người dân. Đây là điều kiện thuận lợi để cả vùng thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút đầu tư.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Trần Hữu Hiệp, trong khoảng 10 năm trở lại đây, hạ tầng giao thông miền Tây có bước đột phá đáng ghi nhận. Bên cạnh QL1A được đầu tư nâng cấp, mở rộng, một số tuyến mới (như tuyến ven biển Tây, đặc biệt các dự án cầu lớn như Rạch Miễu, Cần Thơ, Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, Cổ Chiên, Mỹ Lợi…) tạo nên diện mạo mới cho đồng bằng. 

“Riêng với đường cao tốc, cần ưu tiên phát triển các trục giao thông xương sống theo trục dọc Bắc - Nam, đặc biệt là trục kết nối TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, nối dài xuống Cà Mau – mảnh đất thiêng liêng cực Nam của Tổ quốc hoặc sang Long Xuyên. Từ trục dọc này chúng ta tiếp tục phát triển thêm các trục ngang kết nối vùng và liên vùng. Đây cũng chính là khát vọng của người dân đất chín rồng”, TS Trần Hữu Hiệp nói.

Trước Tết Tân Sửu 2021, tại một hội nghị liên quan đến phát triển hạ tầng tại ĐBSCL, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết, hạ tầng giao thông là một trong 3 vấn đề ưu tiên của ĐBSCL được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Bộ KH&ĐT đã thống nhất với Bộ GTVT bố trí đủ vốn làm toàn bộ đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Với cao tốc từ Cần Thơ - Bạc Liêu - Cà Mau, dự kiến có hai đoạn sẽ thực hiện xong trong 2021-2025. 

Trong định hướng phát triển hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch hình thành mạng lưới 6 tuyến cao tốc giữ vai trò chiến lược. 

Đầu tiên là cao tốc Bắc – Nam phía Đông, gồm: đoạn từ TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ – Cà Mau, dài 260km, với quy mô 4-6 làn xe, ưu tiên đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ dài hơn 23km và cầu Mỹ Thuận 2. Đoạn Cần Thơ – Sóc Trăng dài hơn 86km và đoạn Sóc Trăng – Cà Mau dài gần 48km… Cao tốc Lạng Sơn - Cà Mau, chúng ta đặt mục tiêu và quyết tâm làm xong trong 5 năm tới, không thể chậm hơn nữa...

Trong lúc chờ xây cầu Rạch Miễu 2, từ Tết Tân Sửu này, người dân Bến Tre, Trà Vinh có cơ hội trải nghiệm trên những chuyến phà cặp bến đôi bờ sông Tiền vốn đã vắng bóng ngót chục năm nay. Cũng trên tuyến QL60, dự án cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu đang được “làm nóng”. Việc cải tạo nâng cao năng lực khai thác các tuyến QL1, 30, 53, 54, 61, 62… cũng đang được tiến hành. 

Tuyến đường Hồ Chí Minh (tuyến N2) trong vùng song hành và hỗ trợ cho tuyến QL1 (đoạn Cao Lãnh - Vàm Cống, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi) và một số tuyến liên kết nội vùng và liên vùng mới như: tuyến Nam Sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp, được nâng cấp mở rộng. 

Tết này, tuyến đường mới, đẹp như trong tranh nằm song song với QL80, dài hơn 50km xuyên cánh đồng lúa bạt ngàn từ đường dẫn cầu Vàm Cống (bờ Cần Thơ) về đến Rạch Sỏi (Kiên Giang) được đưa vào khai thác. 

Theo quy hoạch tổng thể đã được Quốc hội thông qua, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sau này sẽ kết nối trực tiếp với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (Đồng Tháp) và tuyến cao tốc N2 (Đức Hòa - Long An đến Mỹ An) để tạo thành tuyến cao tốc thứ 2 dài hơn 150km xuyên suốt các tỉnh miền Tây. Người dân đất “chín rồng” đang rất kỳ vọng về sự đổi thay khi hàng loạt công trình giao thông đang được quan tâm đầu tư, hoàn thiện như thế…

Thái Bình – Văn Vĩnh
.
.
.