Giao thông đô thị hiện đại khởi sắc

Thứ Bảy, 06/02/2021, 10:14
Tại nhiều đô thị, nhất là những đô thị đang vươn tới một hạ tầng giao thông đồng bộ như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, những công trình giao thông trên cao hay chui xuống dưới lòng đất được xem là một phần không thể thiếu…


Các dự án tàu điện nội đô đã và đang trở thành động lực phát triển kinh tế, tạo ra việc làm mới cho nhiều người, thu hút hàng chục tỷ USD đầu tư với dự án Đường sắt đô thị trên cao Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội) và tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TP Hồ Chí Minh) cũng đang hoàn tất những hạng mục cuối cùng, để chính thức đi vào hoạt động. Người dân sắp được trải nghiệm từ phương thức giao thông hiện đại…

Đoàn tàu của Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông chạy thử nghiệm dọc tuyến.

Giấc mơ nghìn năm…

Thời khắc cuối cùng của năm 2020, Ban QLDA đường sắt cùng đại diện các đơn vị của Hội đồng nghiệm thu nhà nước, các Cục, Vụ trực thuộc Bộ GTVT, Tư vấn giám sát, Tư vấn đánh giá độc lập an toàn hệ thống (Liên danh ACT), Hanoi Metro (Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội), Tổng thầu EPC (Trung Quốc) đã cùng nhau kiểm tra công tác vận hành bằng việc đi chuyến tàu từ ga Cát Linh đến ga Yên Nghĩa. Ngay sau khi về đến khu vực Depot Hà Đông, các bên tổ chức buổi họp nhanh để sơ bộ tổng kết quá trình vận hành thử toàn hệ thống.

Theo ông Đường Hồng, Giám đốc dự án của Tổng thầu EPC, trong 20 ngày, Tổng thầu EPC và Metro Hà Nội đã vận hành hơn 5.700 chuyến tàu chạy, vận hành an toàn hơn 70.000km. Ngoài đơn vị tư vấn giám sát, quá trình vận hành đã được phía Liên danh ACT, các đơn vị thuộc Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội, các bộ, ngành khác và Hội đồng nghiệm thu nhà nước tham gia một số buổi kiểm tra. 

Lãnh đạo đơn vị tiếp nhận quản lý, khai thác vận hành, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Hanoi Metro cho hay, do đây là dự án đầu tiên đường sắt đô thị, có nhiều công nghệ lần đầu được áp dụng tại Việt Nam, được thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC nên tới đây, dự án cần tiếp tục nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các bên để sớm bàn giao cho Metro Hà Nội vận hành khai thác theo kế hoạch.

Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13,05km có 12 ga, 1 khu Depot; 13 đoàn tàu (mỗi đoàn tàu gồm 4 toa dài khoảng 80m), với sức chở hơn 900 người, tối đa 1.326 người; vận tốc thiết kế 80km/h, vận tốc khai thác thương mại 35km/h. Khi khai thác tần suất đoàn tàu đến ga khoảng 6-7 phút/chuyến, giờ cao điểm có thể 2-3 phút/chuyến. Tổng thầu Trung Quốc sẽ bảo hành dự án 2 năm cho tuyến đường sắt này sau khi được bàn giao, đưa vào khai thác thương mại.

Dự kiến mỗi ngày có 9 - 10 đoàn tàu chạy phục vụ hành khách. Bình quân 3 phút/lượt tàu dừng đón/trả khách tại các ga. Sau khi mua vé/quẹt thẻ vào nhà ga, khách sẽ di chuyển lên tầng 2 chờ tàu. Khi tàu dừng, khách có khoảng 30-40 giây để lên/xuống. Hơn 600 nhân sự của Metro Hà Nội, chia làm 3 ca/ngày được bố trí dọc tuyến vận hành theo quy trình biểu đồ chạy tàu để phục vụ “thượng đế”.

Hiện hàng triệu thẻ vé đã được in. Hành khách có thể nạp tiền theo nhu cầu để lên tàu. Giá vé sẽ có 3 loại, áp dụng theo tháng, ngày và vé lượt. Khách đi theo tháng, giá vé là 200.000 đồng, vé ngày 30.000 đồng đi không giới hạn. Đối với vé lượt, khách có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ, di chuyển toàn tuyến tối đa là 15.000 đồng/lượt/ người; đi quãng đường ngắn nhất là 8.000 đồng/người. 

Vé được bán tại máy bán vé hoặc tại quầy và sử dụng thẻ để ra vào ga. Cùng với hệ thống soát vé, các hệ thống điều độ, tổ chức chạy tàu cũng được vận hành thống nhất. 

“Trong khoảng 2 tuần đầu tiên, tuyến tàu điện này sẽ phục vụ miễn phí. Tại các sảnh đón khách ở các nhà ga sẽ được bố trí các dịch vụ tiện ích như mua sắm, dịch vụ ngân hàng, trưng bày sản phẩm, ăn uống nhẹ…”, Tổng giám đốc Hà Nội Metro thông tin thêm.

Khát vọng về một đô thị ngầm

Mười năm trước, khi khánh thành hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn, tạo sự kết nối thông suốt của toàn tuyến đại lộ Đông - Tây dài gần 22km, người dân thành phố mang tên Bác vỡ òa niềm vui và tự hào khi công trình có tuổi thọ 100 năm này cũng là đường hầm dài nhất Đông Nam Á. 

Thực tế, vào thời điểm đó, tuyến Metro số 1  được đánh giá góp phần tạo nên vóc dáng hiện đại của thành phố cũng đã bắt đầu khởi động, khi được điều chỉnh quy mô đầu tư lên gấp gần 3 lần so với trước đó (hơn 47.000 tỷ đồng).

Tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên có tổng chiều dài gần 20km, có 14 ga. Khi vào quận trung tâm nhất của thành phố, đoàn tàu sẽ… xuống lòng đất đoạn dài 2,6km, gắn với 3 ga ngầm: Ba Son, Nhà hát Thành phố và Bến Thành. Ga Ba Son nối với ga Nhà hát thành phố bằng 2 nhánh đường hầm (mỗi nhánh dài 781m) được thi công bởi công nghệ khoan ngầm bằng robot TBM (Nhật Bản). Trước Tết Tân Sửu, các ga ngầm đã hoàn thiện phần kết cấu, thông tuyến, đang hoàn tất những hạng mục cuối, sẵn sàng đón những đoàn tàu...

Với kỳ vọng khai thác tiềm năng thương mại to lớn từ không gian mới mở rộng theo chiều dọc, thời điểm tuyến Metro số 1 đang trong giai đoạn nước rút để đi vào vận hành chính thức vào cuối năm nay, Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố cũng vừa lập quy hoạch không gian ngầm đô thị. Theo đó, hai khu vực được đề xuất để phát triển hạ tầng không gian xây dựng ngầm là khu trung tâm hiện hữu mở rộng (thuộc quận 1) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (thuộc TP Thủ Đức) với tổng diện tích gần 1.600ha. 

Để phát triển hạ tầng không gian ngầm cho 2 khu vực này một cách bài bản, UBND thành phố sẽ tổ chức thi tuyển quốc tế về định hướng và ý tưởng xây dựng không gian ngầm. 

Vấn đề khai thác nguồn lực từ hạ tầng không gian ngầm càng trở nên cấp thiết khi tuyến Metro số 1 sắp đi vào hoạt động và toàn hệ thống metro tới đây có đến 73km đoạn, tuyến đi ngầm với 72 nhà ga đặt ngầm dưới lòng đất. 

Khai thác không gian ngầm không chỉ góp phần thu hút khách cho các tuyến metro, giảm áp lực cho hạ tầng mặt đất, giảm ùn tắc giao thông, mà còn góp phần phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch… cho “đầu tàu”.

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam cho rằng, đất đai ở khu vực trung tâm ngày càng thu hẹp. Do đó, nếu TP Hồ Chí Minh phát triển được hệ thống không gian đô thị ngầm, người dân sẽ có thêm không gian sinh hoạt và từ đó thay đổi thói quen tiêu dùng hằng ngày. 

Hình thành thêm một đô thị ngầm sẽ tạo được không gian để thu hút các nhà kinh doanh bán lẻ, ăn uống và dịch vụ, nhất là những địa điểm ngầm gần các khu vực công cộng có đông người dân qua lại, như ga tàu điện, quảng trường, công viên… Nhà đầu tư cũng sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc tham gia vào các dự án ngầm. 

Thực tế cho thấy, chỉ với 3 nhà ga ngầm của tuyến Metro số 1 có chiều dài lên đến 220m, chiều rộng 22m sắp đưa vào hoạt động, đã có khoảng 10 “ông lớn” như Vingroup, Tập đoàn Bitexco, Satra, Công ty BĐS CT tham gia đầu tư của các công trình quanh đó và xin kết nối vào các nhà ga ngầm. Hàng loạt công trình dưới lòng đất với mức đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng giúp nâng cao tầm vóc của khu vực trung tâm vốn là biểu trưng cho nhịp sống sôi động của Sài Gòn. 

Giờ nhiều người dân vẫn chưa thể hình dung hết bên dưới Quảng trường Quách Thị Trang và dọc đường Lê Lợi, một trung tâm thương mại ngầm cùng nhiều cộng trình ngầm khác với tổng diện tích hàng chục nghìn mét vuông đang được tất bật xây dựng, hoàn tất. 

Không gian đô thị tại các tuyến đường Lê Lợi, Hàm Nghi, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ và các tòa nhà lân cận sẽ hình thành chuỗi phố thương mại liên hoàn, không chỉ thúc đẩy dịch vụ chất lượng cao mà còn tạo một diện mạo mới, hiện đại của “đầu tàu” kinh tế của cả nước….

Ph. Huyền – Bình Thắng
.
.
.