Áp lực ùn tắc và sự chậm trễ của các dự án trọng điểm

Thứ Hai, 18/05/2020, 07:21
Sau thời gian giãn cách xã hội, áp lực giao thông tại Thủ đô dần tăng cao, ùn tắc bắt đầu thường trực trên nhiều tuyến đường. Trong khi đó, một trong những giải pháp được trông chờ là các dự án giao thông trọng điểm sớm hoàn thành thì đến nay vẫn trong tình trạng “đi chậm”.

Lòng đường tắc, dự án giao thông cũng… tắc tiến độ.

Theo ghi nhận của phóng viên, áp lực giao thông tập trung cao điểm vào khoảng thời gian từ 7 - 9 giờ sáng. Hầu hết trên các trục đường như Trường Chinh, Nguyễn Trãi - Trần Phú; Tố Hữu Lê Văn Lương; Hồ Tùng Mậu - Xuân Thuỷ; Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển; Vành đai 3 trên cao… hầu như người dân chỉ có thể nhích từng chút, từng chút.

Ngày nắng thì oi bức, ngày mưa cũng khó chịu không kém nên chị Mỹ Hạnh (Trường Chinh) bức xúc: “ Nhìn thấy cảnh ùn tắc mà hãi, nhưng không thể vì ùn tắc mà người dân không ra đường. Chúng tôi cũng có công việc phải giải quyết, có con nhỏ phải đưa đón đi học. Giờ chỉ mong các dự án về giao thông được đẩy nhanh tiến độ, sớm về đích, để áp lực này được giải tỏa”.

Sự mong mỏi của người dân không phải không có lý khi mà hàng loạt dự án giao thông trọng điểm, có dự án được triển khai gần chục năm nay vẫn chưa hẹn ngày về đích. Điển hình như dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. Dù theo báo cáo đã hoàn thành trên 90% nhưng đến nay, ngày nào sẽ chính thức được đưa vào vận hành thì chưa cơ quan chức năng nào dám khẳng định. Hay như Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, đoạn trên cao của tuyến đường sắt này được “chốt” tiến độ khai thác vận hành vào tháng 4-2021. Thế nhưng, hiện dự án đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất về vấn đề mặt bằng, nguy cơ tiếp tục lùi tiến độ là hiện hữu.

Lãnh đạo Ban QLDA đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, hết quý I-2020, tiến độ tổng thể dự án đạt 60,8%, riêng tiến độ đoạn trên cao đạt 71,3%. Trong đó, hiện đã hoàn thành gói thầu xây dựng đoạn tuyến trên cao và gói thầu công trình hạ tầng kỹ thuật Depot. Từ giữa quý I-2020 đến nay, việc huy động nhân sự, thiết bị dự án bị chậm trễ.

“Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, gần 20 chuyên gia tư vấn, quản lý dự án ở châu Âu, Hàn Quốc chưa thể trở lại dự án, khiến thiếu hụt nhân sự chuyên gia. Việc sản xuất, nhập khẩu thiết bị, vật tư cũng bị chậm do hầu hết thiết bị được sản xuất, nhập khẩu từ châu Âu. Việc này ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các gói thầu và dự án”, đại diện lãnh đạo Ban QLDA đường sắt đô thị thông tin.

Khó khăn khác là việc chuẩn bị đào tạo nhân lực để khai thác, vận hành dự án cũng đang bị chậm so với kế hoạch. Đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, dự kiến đến giữa tháng 4-2020 kết thúc thời hạn nhận hồ sơ tuyển 40 người để đào tạo lái tàu. Tuy nhiên, hết thời hạn trên, hiện vẫn chưa tuyển đủ nên phải gia hạn tuyển dụng.

Ngoài các dự án kể trên, mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đi kiểm tra tiến độ thi công 3 dự án giao thông trọng điểm, gồm: Dự án Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nút giao Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; đường Vành đai 3 đi thấp bằng cầu qua hồ Linh Đàm; cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt.

Theo đó, Dự án Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nút giao Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bắt đầu khởi công ngày 6-1-2020. Hiện Ban quản lý dự án đang chỉ đạo các nhà thầu thi công, tập trung máy, thiết bị, nhân công để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành dự án. Đối với tình hình triển khai thực hiện dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao giữa đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên, Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư quận Cầu Giấy phê duyệt chính thức 46 trường hợp với tổng số tiền 178.174.986.141 đồng, đã hoàn thành việc chi trả đối với 31/46 phương án.

Bên cạnh đó, đơn vị thi công đã tiến hành phá dỡ xong công trình, vật kiến trúc của 30/31 hộ dân; hoàn thành 16 cọc khoan nhồi trụ; hoàn thành trụ T3, trụ T4, mố M2. Theo báo cáo của nhà thầu thi công dự án vành đai 3 đi thấp bằng cầu qua hồ Linh Đàm, tiến độ rất khả quan: 80% số dầm đã được đúc xong; đang tiến hành vận chuyển về công trình; lao lắp xong 36 phiến dầm.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng yêu cầu: “Đây là công trình trọng điểm, được người dân Thủ đô rất quan tâm mong mỏi. Chủ đầu tư và các nhà thầu phải nỗ lực tối đa đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành công trình trước tháng 10 tới”.

Cảnh ùn tắc trên đường phố Hà Nội sau những ngày hết giãn cách vì dịch COVID-19.

Các điểm “nóng” ùn tắc sẽ lắp camera giám sát

Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong nhiệm kỳ 2016-2020 đã phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương xử lý được 59 điểm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, lại phát sinh thêm 48 điểm ùn tắc mới do triển khai thi công các công trình trọng điểm nên số điểm thường xuyên ùn tắc trên địa bàn thành phố hiện là 34 điểm. Trong đó, nút giao là “điểm nóng” ùn tắc gồm: Trần Quốc Hoàn - Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế - Phạm Văn Đồng; cầu Lạc Trung - Kim Ngưu - Thanh Nhàn; Phùng Chí Kiên - Hoàng Quốc Việt; Ngọc Hồi - Phan Trọng Tuệ; Âu Cơ - Nghi Tàm - Xuân Diệu; Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Hữu Thọ; Kim Mã - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh; Liễu Giai - Đào Tấn; Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ; Minh Khai - cầu Mai Động; Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo; nút giao Ngã Tư Sở; Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến; nút giao đường 70 với đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An...

Các điểm, cầu thường xuyên tắc nghẽn gồm: Chương Dương, cầu Tó; khu vực điểm quay đầu Trung Văn - Tố Hữu; hai đầu cầu vượt Lê Văn Lương - Láng Hạ; ngã tư Canh; dốc Vĩnh Hưng; điểm quay đầu 158 Phạm Văn Đồng; lối lên đường Vành đai 3 trên cao trước cổng tòa nhà Thăng Long Number One.

Xác định nguyên nhân chủ yếu gây tắc nghẽn giao thông do mật độ giao thông lớn, trong khi tiết diện mặt đường lưu thông hẹp, tổ chức giao thông còn hạn chế, ảnh hưởng từ các dự án đang triển khai, theo ông Tuấn, thời gian tới, cùng với các biện pháp đang triển khai như: Cải tạo, nâng cấp hạ tầng nút giao; xây dựng lại phương án tổ chức giao thông; tăng cường lực lượng điều tiết, Sở GTVT Hà Nội sẽ kiến nghị với các cấp có thẩm quyền chỉ đạo đẩy nhanh các dự án trọng điểm như: đường vành đai 3 trên cao, đường vành đai 2 (đoạn Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã Tư Vọng), ga ngầm S9 thuộc Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, dự án mở rộng đường Hoàng Quốc Việt, dự án cầu vượt An Dương, dự án BT đường 70 - Văn Điển,…

Đồng thời, Sở GTVT Hà Nội cũng kiến nghị giao các quận địa bàn đẩy mạnh lắp đặt hệ thống camera giám sát tại 12 điểm: Bắc cầu Chương Dương; nút giao Phạm Văn Đồng với các tuyến Trần Quốc Hoàn, Cổ Nhuế; khu vực đường gom từ Cổ Linh lên cầu Thanh Trì; nút giao Âu Cơ - Nghi Tàm; Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Hữu Thọ; La Thành - Giảng Võ; Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến; Điện Biên Phủ - Trần Phú; đường Trường Chinh (Tôn Thất Tùng - Ngã Tư Sở); lối lên đường vành đai 3 trên cao (khu vực tòa nhà Thăng Long) và đường 70 giao với đường khu tưởng niệm Chu Văn An. “Bằng những biện pháp đó, Đảng bộ cơ quan Sở GTVT Hà Nội đặt mục tiêu sẽ xử lý được từ 7 - 10 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông hàng năm”, lãnh đạo Sở GTVT cho hay.

Phạm Huyền
.
.
.