Áp dụng phương thức dẫn đường bay mới 
tại sân bay Tân Sơn Nhất

Thứ Năm, 10/10/2019, 11:14
Từ 7h00 ngày 10-10-2019, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chính thức triển khai áp dụng hệ thống phương thức bay mới sử dụng tính năng dẫn đường RNAV 1 tại sân bay Tân Sơn Nhất

Đây là phương thức bay được thiết kế trong khuôn khổ dự án thuộc Chương trình Hợp tác quản lý không lưu tại Việt Nam giữa Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và Công ty NAVBLUE/Airbus được khởi động từ tháng 12-2016.

Phạm vi công việc của chương trình hợp tác này đối với khu vực sân bay Tân Sơn Nhất bao gồm việc nâng cao an toàn, năng lực và hiệu quả của sân bay Tân Sơn Nhất thông qua việc thiết kế lại các phương thức bay và vùng trời trong khu vực kiểm soát tiếp cận, nhằm mục tiêu tăng cường năng lực và hiệu quả của vùng trời kiểm soát tiếp cận cũng như sân bay hiện đang phải đối mặt với tình hình tăng trưởng hoạt động bay ngày càng cao.

Hệ thống phương thức bay mới

Sau 2 năm tập trung triển khai thực hiện các nội dung công việc cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất bao gồm: Thống nhất bản mô tả kỹ thuật; Bay đánh giá đầy đủ các phương thức bay trong buồng lái mô phỏng; Rà soát thiết kế chi tiết phương thức bay; Chuyển đổi gói thiết kế chi tiết được bàn giao theo định dạng phù hợp với quy định của Việt Nam và Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO); Đào tạo theo mô hình huấn luyện các huấn luyện viên; Trình Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt.

 Đến tháng 6-2019, hệ thống phương thức bay mới và các cấu hình phân chia khu vực kiểm soát tiếp cận tại sân bay Tân Sơn Nhất đã được Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận, phê duyệt và công bố quốc tế để chuẩn bị cho việc áp dụng chính thức vào tháng 10-2019.

Việc tối ưu hóacác phương thức bay theo kiểu dạng Hệ thống hợp nhất điểm (Point Merge System) đang là xu hướng điều hành bay trên thế giới sẽ cho phép máy bay áp dụng hoạt động khai thác lấy và giảm độ cao liên tục (CCO/CDO), sử dụng các đường bay hiệu quả hơn giúp giảm thiểu lượng tiêu hao nhiên liệu; giảm phân cách giữa các máy bay tiếp cận và khởi hành; giảm khối lượng công việc của kiểm soát viên không lưu cũng như tổ lái, từ đó nâng cao năng lực điều hành bay và an toàn bay.

 Vùng trời kiểm soát tiếp cận được điều chỉnh giới hạn cao và thiết lập thêm các cấu hình phân chia phân khu mới sẽ giúp cân bằng khối lượng công việc của kiểm soát viên không lưu, nâng cao hiệu quả khai thác và năng lực điều hành bay.

Hệ thống phương thức bay và khái niệm khai thác mới tại sân bay Tân Sơn Nhất cũng đã được NAVBLUE/Airbus đánh giá mô phỏng trên phần mềm chuyên dụng để kiểm chứng hiệu quả và kết luận cho thấy rằng các phương thức bay và phương thức khai thác mới có thể giúp nâng cao năng lực thông qua tại sân bay Tân Sơn Nhất lên đến 54 chuyến bay/giờ đồng thời giảm quãng đường bay trung bình và cải thiện khả năng khai thác giảm độ cao liên tục của tàu bay.

Đây là một trong những giải pháp quan trọng của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam nhằm kịp thời giải quyết vấn đề tắc nghẽn hoạt động bay trên không cũng như dưới mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất, đảm bảo việc điều hành, khai thác hoạt động bay của các máy bay một cách thuận lợi và hiệu quả hơn.


Phạm Huyền
.
.
.