5 tuyến cao tốc chờ kết nối với đường Vành đai 3
Trước vai trò quan trọng của Dự án đầu tư xây dựng tuyến Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, Kiểm toán Nhà nước đã có báo cáo gửi Quốc hội về một số nội dung cần làm rõ đối với dự án này.
Bổ sung về những vấn đề còn có ý kiến khác, ngày 28/5 TP Hồ Chí Minh đã thông tin, làm rõ thêm về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh (Ban giao thông TP Hồ Chí Minh) cho biết, phần cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt. Vì vậy, việc làm đường song hành hai bên là cần thiết để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, kết nối với khu đô thị, khu dân cư; phục vụ phát triển khu công nghiệp, khai thác quỹ đất dọc tuyến.
Về việc bố trí làn dừng xe khẩn cấp, dự án đã bố trí các điểm dừng xe khẩn cấp cách quãng với khoảng cách 4-5km một điểm dừng. Mỗi điểm dừng xe khẩn cấp được thiết kế với chiều rộng 3m, dài 270m. Việc bố trí làn khẩn cấp như trên được thực hiện theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về hướng dẫn thiết kế và tổ chức giao thông trong giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng đường cao tốc.
Theo quy hoạch, vùng TP Hồ Chí Minh có 5 tuyến cao tốc, trong đó hiện đã có 2 tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, TP Hồ Chí Minh - Trung Lương hoàn thành, đưa vào khai thác. Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành hiện đang triển khai, còn lại 2 tuyến khác là TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài đang trong giai đoạn nghiên cứu.
Tất cả 5 tuyến cao tốc hướng tâm này đều có điểm đầu kết nối với đường Vành đai 3. Trong khi đó, tuyến đường Vành đai 3 thuộc danh mục dự án ưu tiên hoàn thành giai đoạn trước 2020 nên việc chậm đầu tư dự án dẫn đến các tuyến cao tốc đã hoàn thành, đưa vào khai thác không phát huy hiệu quả. Với các tuyến cao tốc chưa đầu tư, việc tuyến Vành đai 3 chưa được triển khai đã không đảm bảo tính khả thi do điểm đầu phụ thuộc vào tuyến đường này.
Theo đánh giá của UBND TP Hồ Chí Minh, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 sẽ đem lại lợi ích kinh tế to lớn, không chỉ cho người tham gia giao thông mà còn cho hàng loạt các hoạt động kinh tế - xã hội ở các khu vực ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của dự án. Cụ thể, khi có đường Vành đai 3, phương tiện vận tải liên tỉnh sẽ không phải đi qua khu vực tập trung đông dân cư, giảm đáng kể thời gian hành trình, chi phí vận tải hạn chế ách tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường trong khu vực đô thị.
Việc xây dựng tuyến đường Vành đai 3 khép kín sẽ cùng với cao tốc Bến Lức - Long Thành đang thi công tạo ra hướng đi hữu hiệu để phân luồng giao thông liên tỉnh khi đi qua TP Hồ Chí Minh. Trong đó các xe đi hướng Tây Bắc - Đông Nam và ngược lại có thể đi qua cao tốc Bến Lức - Long Thành để tiếp cận cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương…
UBND TP Hồ Chí Minh còn cho rằng, đường Vành đai 3 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hình thành nên mạng lưới giao thông huyết mạch của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Khi khép kín tuyến đường này sẽ thúc đẩy giao thương giữa các tỉnh với nhau, thúc đẩy kinh tế toàn diện cho các vùng và là điểm sáng thu hút các nhà đầu tư tới những dự án liền kề Vành đai 3. Tuyến đường còn góp phần rút ngắn thời gian đi lại từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, các tỉnh Tây Nam bộ tới khu vực phía Bắc và ngược lại.
Số liệu phân tích, dự báo về giao thông của JICA STRADA cho thấy, đến năm 2040 nhu cầu vận tải trên tuyến cao tốc 4 - 6 làn xe này sẽ tương đương với 51.775 - 74.376 phương tiện 5 chỗ mỗi ngày đêm. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu vận tải đến năm 2040, khả năng cân đối nguồn lực trong giai đoạn hiện nay và đặc biệt là để đảm bảo hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí, tạo sự đồng bộ trên toàn tuyến Vành đai 3, đơn vị tư vấn đã đề xuất lựa chọn quy mô phân kỳ đầu tư đường Vành đai 3 với 4 làn xe cao tốc. Tổng mức đầu tư dự kiến sẽ lên đến 75.378 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Riêng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 41.589 tỷ đồng.