Tuyến vành đai 3 chưa hình thành sau 10 năm vì thiếu vốn

Thứ Sáu, 12/11/2021, 09:43

Cách đây cả chục năm, hệ thống đường bộ cao tốc của vùng TP Hồ Chí Minh đã được Chính phủ quy hoạch theo các tuyến hướng tâm và tuyến vành đai.

Trong đó có 6 tuyến cao tốc hướng tâm, kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành trong khu vực, gồm cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Cần Thơ; cao tốc TP hồ Chí Minh - Mộc Bài; cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và cao tốc Bến Lức - Long Thành cùng 3 tuyến đường vành đai 2, 3 và 4.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), các tuyến hướng tâm, kết nối và vành đai này đều thực hiện đầu tư chậm so với quy hoạch. Trong khi mới chỉ có 2 tuyến cao tốc đã triển khai đi vào khai thác, thì tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây giai đoạn 1 với chiều dài 43 km, quy mô 4 làn xe hiện đã quá tải do lưu lượng phương tiện trên đoạn TP Hồ Chí Minh - Long Thành đã vượt năng lực thiết kế. Ùn tắc giao thông trên tuyến này sẽ càng nghiêm trọng khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động. Do đó Bộ GTVT đã phải tiến hành lập báo cáo nghiên cứu khả thi mở rộng đoạn TP Hồ Chí Minh - Long Thành.

vanh_dai_3-1636685125315.jpg
Quá tải phương tiện trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Tuyến vành đai 3 kết nối liên kết vùng TP Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết từ cách đây 10 năm. Theo quy hoạch, tuyến đường này có chiều dài 89 km, đoạn đi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh dài hơn 53,7 km; đoạn chạy qua Bình Dương dài 26,7 km; đoạn chạy trên địa bàn Đồng Nai dài 11,3 km và đoạn chạy qua Long An dài 6,8 km với quy mô từ 6-8 làn xe. Dự án đường vành đai 3 cũng được chia thành 4 đoạn và  được lần lượt hoàn thành từ năm 2017 đến năm 2020. Tuy vậy, đến  nay mới chỉ có đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn dài 16,3 km với quy mô 6 làn xe trên địa bàn Bình Dương được địa phương này đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác. Các đoạn còn lại của tuyến vành đai này hiện việc thực hiện đang hết sức ì ạch do khó khăn về vốn.

Mặc dù các tỉnh, thành có tuyến vành đai 3 chạy qua đều khẳng định sự cần thiết phải khép kín việc đầu tư tuyến đường này, nhưng đã nêu ra một loạt bất cập. UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021-2026 từ ngân sách bố trí cho dự án là rất khó khăn. Do đó UBND thành phố đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ ưu tiên các dự án khép kín tuyến vành đai 3 bằng nguồn vốn từ ngân sách Trung ương (TƯ) hoặc các nguồn khác từ TƯ. Để thực hiện đoạn chạy qua địa bàn, UBND tỉnh Long An đã đồng ý cho Tổng Công ty Đầu tư phát triển công nghiệp và Liên danh Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore nghiên cứu, khảo sát, đề xuất y tượng lập quy hoạch phân khu xây dựng dự án Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Becamex - VSIP Long An với diện tích khoảng 2.300 ha tại 3 xã của huyện Bến Lức. Trong đó tuyến vành đai 3 chạy cắt qua khu vực với chiều dài 4,7km.

Như vậy, phải chờ đến khi Long An lựa chọn được nhà đầu tư cho dự án này, nhà đầu tư mới thực hiện giải phóng mặt bằng toàn bộ đoạn qua dự án với chiều rộng 67m và đầu tư hoàn chỉnh đường song hành 2 bên theo quy hoạch. Phần đường cao tốc do Bộ GTVT đầu tư. Để tạo thuận lợi cho việc kết nối giao thông trong khu vực, tỉnh Long An đề nghị Bộ GTVT kết nối giữa tuyến vành đai 3 với đường Phú An Thạnh và đầu tư xây dựng nút giao này.

Riêng đoạn còn lại có chiều dài 1,95 km, UBND tỉnh Long An cho rằng do không nằm trong đoạn quy hoạch dự án khác của tỉnh nên không có khả năng khai thác quỹ đất 2 bên tuyến. Trong điều kiện ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp, lại phải đầu tư nhiều công trình trọng điểm, đột phá khác, trong đó có tuyến đường Vành đai 4 với đoạn chạy qua địa bàn Long An có chiều dài 9 km và đang được đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 nên đoạn còn lại của đường vành đai 3 dài gần 2km này được tỉnh Long An đề nghị Bộ GTVT đầu tư bằng ngân sách TƯ.

UBND tỉnh Bình Dương cũng cho biết, dự án thành phần là nút giao Tân Vạn dài 2,16 km, phần xây lắp do địa phương đảm nhận. Trường hợp ngân sách của tỉnh gặp khó khăn, không có khả năng cân đối, tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, nhưng phần đền bù, giải phóng mặt bằng đề nghị cân đối vốn TƯ. Với đoạn Bình Chuẩn - quốc lộ 22, tỉnh Bình Dương đề nghị Bộ GTVT cân đối vốn từ ngân sách TƯ. Đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cập nhật giá trị bồi thường, giải phòng mặt bằng đoạn qua địa bàn với số tiền 1.084 tỷ đồng, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị Bộ GTVT xem xét bố trí nguồn vốn bồi thường tăng thên là 608 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TƯ.

 Như vậy, với dự án đường vành đai 3, hiện chỉ có tỉnh Long An chịu trách nhiệm giải phòng mặt bằng với đoạn dài 4,7 km chạy qua dự án; tỉnh Bình Dương đảm nhận việc xây lắp 2,16 km tại nút giao Tân Vạn với giá trị khoảng 150 tỷ đồng, còn lại các tỉnh, thành đều đề nghị Bộ GTVT bố trí vốn đầu tư từ ngân sách TƯ. Trong khi đó, tổng mức đầu tư tuyến vành đai 3 theo tính toán của Bộ GTVT dự kiến sẽ ở mức 61.680 tỷ đồng, trong đó riêng phần vốn cho bồi thường, giải phóng mặt bằng đã ở mức 34.048 tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, hiện tiến độ đầu tư đường vành đai 3 quá chậm trong khi tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng đang triển khai dở dang. Tình trạng này đã gây ùn tắc giao thông tại toàn bộ các cửa ngõ ra vào TP Hồ Chí Minh; ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và cả vùng kinh tế động lực phía Nam. Khó khăn về vốn đầu tư là vậy, nhưng Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh cũng đã lập phương án trình UBND thành phố điều chỉnh giá đất để lập phương án bồi thường với hệ số điều chỉnh giá đất nông nghiệp tăng từ 10-40 lần dẫn đến kinh phí bồi thường tăng lên rất cao.

Chỉ với 4 dự án thành phần còn lại, chi phí đầu tư đã lên đến 54,3 nghìn tỷ đồng, trong đó kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm 31.365 tỷ đồng nên khả năng cân đối của ngân sách TƯ trong giai đoạn 2021-2025 là rất khó khăn, nhất là khi tổng vốn ngân sách trung hạn dự kiến phân bổ cho Bộ GTVT chỉ đủ để bố trí cho dự án tuyến cao tốc Bắc - Nam và các dự án chuyển tiếp.

Để sớm triển khai dự án, tạo động lực cho phát triển toàn vùng trong điều kiện nguồn lực Quốc gia còn hạn chế, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ cho đầu tư dự án theo hình thức PPP. Các địa phương bố trí vốn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng, ngân sách TƯ hỗ trợ một phần xây lắp và các chi phí khác. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả đầu tư tuyến vành đai 3, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho rằng cần tập trung đầu tư đồng bộ các tuyến cao tốc hướng tâm và các tuyến vành đai kết nối đã được quy hoạch.         

Đ.Thắng  
.
.
.