3 phương án nhận diện taxi trá hình

Thứ Năm, 21/11/2019, 08:38
Nhiều năm nay tình trạng xe kinh doanh vận tải “trá hình” vẫn luôn khiến cơ quan chức năng đau đầu tìm cách quản lý, kiểm tra xử lý vi phạm. Mới đây, liên bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Công an đã đưa ra những cách nhận diện riêng đối với loại hình phương tiện này.


Bộ GTVT vừa trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, trong đó đề xuất 3 phương án để nhận diện phương tiện kinh doanh và không kinh doanh vận tải, hạn chế tình trạng “xe dù, bến cóc”. 

Theo phương án 1, việc nhận biết phương tiện kinh doanh vận tải được thực hiện thông qua các quy định về cấp phù hiệu, biển hiệu như hiện nay. 

Phương án 2 đề xuất nhận diện thông qua màu biển số xe ngay từ khi đăng ký sở hữu phương tiện. Phương án 3 là nhận diện thông qua màu tem đăng kiểm. Trên cơ sở phân tích của từng phương án, Bộ GTVT lựa chọn giải pháp tối ưu là phương án 3. 

Trong Dự thảo Thông tư 15 về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ mà Bộ Công an đang lấy ý kiến có quy định, sẽ cấp biển số xe màu sắc riêng biệt cho xe kinh doanh vận tải.

Liên Bộ GTVT và Công an bàn giải pháp quản lý xe kinh doanh vận tải áp hợp đồng điện tử.

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, thực tế, tại Việt Nam, những quy định của pháp luật liên quan đến xe kinh doanh vận tải đã hướng đến xây dựng các dấu hiệu nhận biết. 

Đơn cử như xe taxi có hộp đèn treo phía trên, logo trên thân xe, phù hiệu dán ở vị trí trước kính lái. Ngoài ra, lái xe có đồng phục với màu sắc đặc trưng của từng hãng taxi. 

Tuy nhiên, hiện tất cả phương tiện thuộc sở hữu doanh nghiệp và cá nhân dù kinh doanh vận tải hay không đều được cấp biển số nền màu trắng. 

Gần đây, nhiều xe dưới 9 chỗ không khác với xe cá nhân (không có mào, không sơn logo thương hiệu) nhưng hoạt động như taxi vẫn ngang nhiên vi phạm đi vào phố cấm hay hoạt động trá hình trong sân bay. 

Dẫn chứng ở các nước phát triển, hay Lào, Campuchia đều quy định màu biển số riêng đối với xe kinh doanh vận tải, thậm chí, vị Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, chủ xe còn buộc gắn chip vào biển số đối với xe kinh doanh để phương tiện đi đâu sẽ kiểm soát được lộ trình.

Vì thế, ông Hùng đồng tình với phương án mà Bộ GTVT đưa ra về việc cần có đặc điểm nhận dạng riêng biệt với xe kinh doanh vận tải thông qua qua biển số xe có màu riêng, chữ xe hợp đồng điện tử phản quang và phù hiệu taxi, tem đăng kiểm có kích cỡ lớn hơn, niêm yết thành xe. 

Ngoài ra, Hiệp hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an làm sớm để siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải; Bộ GTVT thành lập trung tâm xử lý phân tích dữ liệu thiết bị giám sát hành trình.

Nhất trí với đề xuất này, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẳng định, các phương án màu biển số hay tem đăng kiểm riêng chính là là thông tin để quản lý, nhận diện phục vụ công tác quản lý nhà nước và xử phạt khi vi phạm. 

“Giữa Bộ Công an và Bộ GTVT đang tách ra 2 hướng nhận diện xe kinh doanh vận tải đó là màu biển số và tem đăng kiểm đều là cách tiếp cận, lựa chọn phương án đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay, tuy nhiên, lộ trình cách thức nhận diện và công nghệ ra sao thì các cơ quan quản lý phải có sự tính toán,” ông Minh đề xuất. 

Trước đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông cấp màu biển số riêng cho các phương tiện kinh doanh vận tải.

Được biết, từ năm 2012, Hà Nội đã dừng gia tăng số lượng phương tiện mới với taxi và xe ôtô chở khách dưới 9 chỗ. Tại thời điểm dừng, số lượng taxi trên địa bàn Hà Nội là 17.400 taxi, tuy nhiên con số taxi thực tế được thống kê hiện nay khoảng 20.000 xe. 

Cùng với đó, số lượng xe chở khách dưới 9 chỗ tham gia loại hình taxi công nghệ hiện đã được Sở GTVT Hà Nội cấp phù hiệu lên đến 21.800 xe. Như vậy số lượng xe taxi và phương tiện hoạt động như taxi trên địa bàn Hà Nội hiện nay là 41.800 xe chứ không phải 17.400 xe. 

Thiết nghĩ, nếu không sớm có một giải pháp cụ thể và minh bạch thì việc quản lý một lượng xe, nhất là xe chạy hợp đồng điện tử đang ngày một gia tăng là điều không hề đơn giản.

Nhật Uyên
.
.
.