3 nhân viên đường sắt giải cứu đoàn tàu trong lúc sập cầu Ghềnh
- Di lý 2 tài công gây ra vụ sập cầu Ghềnh về Đồng Nai
- Khởi tố vụ sà lan tông sập cầu Ghềnh, lái tàu bỏ trốn
- Khách đường sắt đi qua đoạn cầu Ghềnh sập bằng ô tô
Theo đánh giá của các chuyên gia, phải mất từ 3-5 tháng mới khắc phục sự cố cầu Ghềnh.
Ghi nhận khi sự cố sập cầu Ghềnh xảy ra, có một sự kiện không ai có thể lường được hậu quả xảy ra, nếu không được 3 nhân viên gác chắn Đồng Nai Km 1700 + 174 nỗ lực buộc dừng tàu, thì tàu hàng mang số hiệu 2542 đang chạy Biên Hòa-Dĩ An có thể đã lao xuống sông Đồng Nai.
Anh Phan Tiến Dũng, Trưởng Cung chắn Biên Hòa 2 cho biết: Lúc 11h30 trưa 20-3, anh nhận lệnh đóng chắn đón tàu hàng 2542 xin đường qua cầu Ghềnh.
Anh cùng hai nhân viên Ngô Việt Phái, Phạm Tiến Dũng phát hiện sự cố sập cầu đã cầm cờ đỏ báo hiệu khẩn cấp cho đoàn tàu dừng lại. Tàu hàng 2542 đã dừng cách vị trí cầu sập khoảng 200m an toàn, các anh thông báo cho ban, các đơn vị có phương án xử lý khẩn cấp đối với các đoàn tàu khác chuẩn bị xin đường vào khu gian Biên Hòa-Dĩ An…
11h35 20-3, sà lan đâm sập cầu Ghềnh, một đoàn tàu kịp dừng cách đó 200m, xe buýt trung chuyển đưa khách từ ga Sài Gòn lên ga Biên Hòa và ngược lại. |
Sáng 21-3, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai tổ chức họp với ga Biên Hòa và các đơn vị ngành đường sắt Việt Nam bàn phương án duy trì hoạt động trung chuyển hàng hóa và hành khách đi tàu tại ga Biên Hòa, Trảng Bom, Long Khánh và ga Sóng Thần, Sài Gòn với yêu cầu không để xảy ra tắc nghẽn.
Theo lịch trình chạy tàu, ngày hôm nay 21-3, tại ga Biên Hòa sẽ có 3 chuyến tàu khởi hành ra Bắc, từ ga Biên Hòa (thay vì ga Sài Gòn ) là các tàu SE8, SE6 và SE2.
Trước đó, ngay trong chiều 20-3, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, các Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Nhật và đoàn công tác của Bộ GTVT đã đến hiện trường để chỉ đạo công tác xử lý, khắc phục sự cố.
Bộ GTVT đã thành lập Tổ công tác đặc biệt giúp Bộ chỉ đạo khắc phục sự cố cầu Ghềnh.
Trước mắt, ngành đường sắt chỉ đạo, bố trí xe buýt trung chuyển vận chuyển hành khách đã mua vé tàu từ ga Sài Gòn lên ga Biên Hòa để khởi hành và vận chuyển hành khách, hàng hóa ngược lại từ các ga Biên Hòa, Hố Nai, Trảng Bom (Đồng Nai) về ga Sài Gòn. Trước mắt, ga Biên Hoà được chọn là điểm cuối của tàu Bắc Nam.
Đối với hành khách đã mua vé đi từ ga Sài Gòn và các hành khách từ Bắc vào ga Sài Gòn, kể cả các tàu du lịch, hành khách từ ga Nha Trang, Phan Thiết sẽ được sắp xếp các xe buýt vận chuyển đưa hành khách từ ga Sài Gòn đến ga Biên Hoà để khách có thể lên tàu từ đây.
Hành khách tới ga Biên Hoà sẽ có xe buýt đưa về ga Sài Gòn miễn phí. Ông Đào Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty vận tải đường sắt Sài Gòn khuyến cáo, khách đi tàu trong thời gian này hạn chế mang nhiều hành lý, hành lý cồng kềnh và đến đúng giờ tại ga Sài Gòn trước 1h để hành trình raa Biên Hòa, tránh trễ tàu.
Đối với hành khách đã mua vé tàu, có thể trả miễn phí tại ga Sài Gòn nếu không tiếp tục hành trình. Ngành đường sắt cũng thông tin, cập nhật về lịch tàu và các thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, trang Facebook của đường sắt Sài Gòn.
Ghi nhận, từ trưa 20-3 đến sáng trưa 21-3, có khá đông hành khách đã đến ga Sài Gòn trả lại vé không tốn phí, phần lớn là khách đi các tuyến ngắn từ Sài Gòn - Phan Thiết, Sài Gòn - Nha Trang…
Do sự cố “đột ngột” sập cầu Ghềnh xảy ra vào trưa 20-3, nên rất nhiều hành khách mua vé đi các tuyến Phan Thiết, Nha Trang và các tỉnh miền Trung, miền Bắc từ chiều và đêm 20-3 di chuyển bằng xe buýt lên ga Biên Hòa tăng đột biến, các lực lượng Công an, trật tự, bảo vệ ga Biên Hòa đã được huy động tối đa đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cho khách khởi hành theo đúng lịch chạy tàu.