Tố cáo sai sự thật bị xử lý như thế nào?

Thứ Tư, 01/01/2025, 07:32

Hỏi: Lợi dụng quyền tố cáo, đã có những vụ việc người tố cáo cố tình bịa đặt, đưa ra những thông tin không đúng làm ảnh hưởng đến người bị tố cáo. Xin tòa soạn cho biết trường hợp này theo quy định pháp luật người tố cáo bị xử lý như thế nào? (Hải Quỳnh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Trả lời: Luật sư Nguyễn Tiến Trung, Giám đốc Công ty Luật Trung Nguyễn cho biết: Người tố cáo cố tình bịa đặt, đưa ra những thông tin không đúng sự thật sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Điều 8 Luật Tố cáo quy định những hành vi bị cấm, trong đó có hành vi “cố ý tố cáo sai sự thật”, “đưa tin sai sự thật về việc tố cáo”.

Tố cáo sai sự thật bị xử lý như thế nào? -0

Tại Điều 65 Luật Tố cáo quy định về xử lý hành vi vi phạm của người tố cáo và những người khác có liên quan, như sau: “Người tố cáo và những người khác có liên quan có hành vi quy định tại Điều 8 của Luật này hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Đối với hành vi tố cáo sai sự thật chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, người tố cáo có thể bị xử lý về hành chính theo các quy định: Điều 9 Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH ngày 18/8/2022 về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, quy định hành vi tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng và có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Tại điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác.

Theo khoản 2 Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015, người có hành vi tố cáo sai sự thật phải bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra: Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.

Người tố cáo cố tình bịa đặt, đưa ra những thông tin không đúng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Vu khống” theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Hành vi vu khống người khác có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù với mức thấp nhất là 3 tháng, cao nhất là 7 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ban KT-PL
.
.
.