Người nhận tiền chuyển nhầm vào tài khoản không trả lại phạm tội gì?
Hỏi: Tôi chuyển nhầm 50 triệu đồng vào tài khoản của người khác. Sau đó, tôi đã liên hệ với người nhận tiền chuyển nhầm nhưng họ không chịu trả lại. Xin quý báo cho biết, tôi phải làm những thủ tục gì để đòi lại tiền? Trần Bá Thương (huyện Thường Tín, Hà Nội)
Trả lời: Luật sư Nguyễn Thị Sâm, Giám đốc Công ty Luật TNHH Ngọc Linh và Cộng sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Khoản 1, Điều 105, Bộ luật Dân sự năm 2015 thì tiền là tài sản, bên cạnh vật, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Do đó, người chuyển tiền nhầm có quyền đòi lại tài sản theo quy định tại Điều 166, Bộ luật Dân sự năm 2015.
Theo quy định tại Điều 165 Bộ luật Dân sự năm 2015, việc chiếm hữu số tiền bị chuyển nhầm của người được chuyển nhầm được xác định là “chiếm hữu không có căn cứ pháp luật”. Chính vì vậy, trong trường hợp người nhận được tiền chuyển nhầm khi được yêu cầu hoàn trả lại tiền phải có nghĩa vụ hoàn trả lại cho người chuyển tiền nhầm. Nghĩa vụ này được quy định tại Khoản 1, Điều 579, Bộ luật Dân sự năm 2015.
Điều luật quy định, người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó. Nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (trừ trường hợp quy định tại Điều 236 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Nếu người nhận tiền chuyển nhầm vẫn cố tình không trả lại, dù đã được người chuyển nhầm và ngân hàng thực hiện các thủ tục thông báo đòi lại tiền thì tùy theo mức độ có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể:
1. Xử lý vi phạm hành chính về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác, quy định tại Khoản 2, Điểm đ, Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ với mức phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng và buộc phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép.
2. Truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017) nếu tài sản trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, hoặc dưới 10 triệu đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm (hoặc do mình tìm được, bắt được) sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Ngoài ra, người chuyển tiền nhầm cũng có thể khởi kiện đòi lại số tiền đã chuyển nhầm bằng một vụ kiện dân sự ra tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.