Trường hợp nào CQĐT được thu thập thông tin về bí mật cá nhân?

Thứ Hai, 19/12/2016, 10:12
Hỏi: Xin toà soạn cho biết, trong trường hợp nào thì cơ quan điều tra (cơ quan Công an) được tiếp cận, thu thập thông tin tư liệu về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình hoặc kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử của cá nhân hoặc các thiết bị cá nhân khác? (Phạm Thị Hoa, quận Đống Đa, Hà Nội)

Trả lời: Trong trường hợp người có điện thoại, điện tín, thư tín (bao gồm cả người nhận và người gửi) đang liên quan đến vụ án hình sự, nếu thấy cần thiết, cơ quan điều tra có thể áp dụng các biện pháp thu thập thông tin tư liệu về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và gia đình, hoặc kiểm soát, thu giữ điện thoại, điện tín, thư tín để phục vụ cho hoạt động điều tra. 

Việc áp dụng các biện pháp này phải theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo không xâm phạm về đời sống riêng tư, quyền bí mật đời tư, quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.

Căn cứ quy định tại khoản 2 điều 140 Bộ luật tố tụng hình sự 2003, trong quá trình điều tra vụ án hình sự, khi cần phải thu thập tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án thì có thể khám thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm. 

Tại Điều 8 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định: “Việc khám xét chỗ ở, khám xét, tạm giữ và thu giữ thư tín, điện tín, khi tiến hành tố tụng phải theo đúng quy định của Bộ luật này”.

Việc thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại bưu điện quy định tại Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 như sau: Khi cần thiết phải thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại bưu điện thì Cơ quan điều tra ra lệnh thu giữ. Lệnh này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành, trừ trường hợp không thể trì hoãn nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản và sau khi thu giữ phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. 

Người thi hành lệnh phải thông báo cho người phụ trách cơ quan bưu điện hữu quan trước khi tiến hành thu giữ. Người phụ trách cơ quan bưu điện hữu quan phải giúp đỡ người thi hành lệnh thu giữ hoàn thành nhiệm vụ. 

Khi thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, phải có đại diện của cơ quan bưu điện chứng kiến và ký xác nhận vào biên bản. Cơ quan ra lệnh thu giữ phải thông báo cho người có thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ biết.

Nếu thông báo cản trở việc điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, cơ quan ra lệnh thu giữ phải thông báo ngay. Khi tiến hành khám xét, thu giữ, tạm giữ đồ vật, tài liệu, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm phải lập biên bản theo quy định (Điều 148 Bộ luật tố tụng hình sự 2003).

Thạc sỹ, luật sư Lê Việt Nga (Công ty Luật Số 5 - Quốc gia)
.
.
.