Trừ điểm giấy phép lái xe không phải hình thức xử phạt vi phạm hành chính

Chủ Nhật, 22/11/2020, 08:35
Trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX) - một trong những nội dung của dự thảo Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Đây là biện pháp quản lý hành chính nhà nước chứ không phải hình thức xử phạt vi phạm hành chính.

Dư luận ủng hộ cách quản lý nghiêm khắc nhưng rất cần thiết của quy định này nhằm nâng cao ý thức người tham gia giao thông, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, từ đó giúp giảm thiểu tai nạn giao thông.

Sẽ có nghị định quy định cụ thể

Theo dự thảo Luật Đảm bảo TTATGT đường bộ, GPLX có 12 điểm trong 12 tháng tính từ ngày cấp mới. Bộ Công an sẽ không thể hiện trực tiếp số điểm trên bằng lái mà mã hóa, lưu trên hệ thống dữ liệu. Khi có quyết định xử phạt, điểm sẽ được trừ trên hệ thống. Trong trường hợp bị trừ hết điểm, GPLX bị coi không còn hiệu lực. Tài xế muốn cấp GPLX mới, phải học và thi trong thời gian ít nhất 6 tháng. Trong thời hạn một năm kể từ lần trừ điểm gần nhất, nếu người lái xe không bị trừ hết điểm thì cơ quan chức năng sẽ cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp. Trong một năm mà tài xế không vi phạm thì sẽ không được cộng tích luỹ điểm sang năm kế tiếp. Tài xế bị trừ hết điểm sẽ phải thi lại GPLX.

Liên quan đến quy định trừ điểm GPLX, tại Báo cáo Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình một số nội dung lớn, nội dung còn nhiều ý kiến tham gia của dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chính phủ đã thảo luận kỹ lưỡng và thống nhất đề xuất quy định trừ điểm, phục hồi điểm GPLX là biện pháp quản lý hành chính nhà nước (không phải hình thức xử phạt vi phạm hành chính), nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình hiện nay, tiếp thu kinh nghiệm quản lý an toàn giao thông của các nước tiên tiến trên thế giới để quản lý, giám sát quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe, từ đó sẽ tác động đến hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Để triển khai quy định này, theo dự thảo Luật, Chính phủ sẽ ban hành nghị định quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện. Tinh thần là việc trừ điểm được thực hiện khi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính (đối với hành vi vi phạm có quy định trừ điểm); thủ tục trừ điểm, phục hồi điểm, thu hồi GPLX đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người vi phạm, theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu về sát hạch, cấp GPLX; hệ thống cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính, hệ thống tự động trừ điểm (không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa người có thẩm quyền xử phạt và người vi phạm) nên sẽ không phát sinh tiêu cực; không trùng chéo với các hình thức xử phạt vi phạm hành chính.

Đồng thời, khi sửa Nghị định số 100/2019/NĐ-CP sẽ quy định áp dụng nhiều hơn hình thức trừ điểm GPLX đối với các hành vi vi phạm, giảm số lượng các hành vi bị áp dụng hình thức tước quyền sử dụng GPLX (chỉ những hành vi nào có tính chất, mức độ nguy hiểm, có nguy cơ cao dẫn đến mất an toàn giao thông cần thiết phải tước thì mới quy định tước), quy định này bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, có tính tiến bộ, nhân văn và có tác dụng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật đối với người tham gia giao thông.

Theo dõi cả quá trình chấp hành luật của lái xe

Liên quan đến quy định trừ điểm GPLX, chuyên gia giao thông TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải cho rằng, việc trừ điểm GPLX tuy là biện pháp nghiêm khắc nhưng rất cần thiết. Bởi trước hết, nó giúp các lái xe tự nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật về giao thông, nếu vi phạm bị trừ điểm, thậm chí phải thi lại nếu trừ nhiều điểm. Từ nâng cao ý thức sẽ giúp trật tự an toàn giao thông được đảm bảo và khiến tai nạn giao thông có thể được kéo giảm.

Dư luận ủng hộ việc trừ điểm giấy phép lái xe - một quy định nghiêm khắc nhưng rất cần thiết. Ảnh minh họa.

“Nếu người vi phạm giao thông bị xử phạt, bị giữ bằng nhưng sau khi anh ta nộp phạt, lấy lại bằng thì lại được hoạt động bình thường và như “mới”. Như vậy, việc trừ điểm sẽ còn giúp các cơ quan chức năng đánh giá, theo dõi được cả quá trình chấp hành luật của lái xe do được lưu trữ lại, từ đó có cách xử lý vi phạm cũng chính xác hơn”, TS Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.

Anh Nguyễn Văn Khôi, lái xe hãng taxi công nghệ tại Hà Nội chia sẻ, việc trừ điểm GPLX khi vi phạm pháp luật về giao thông chắc chắn sẽ giúp các lái xe nâng cao ý thức hơn nữa trong khi tham gia giao thông. “Chúng tôi mong cơ quan chức năng có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để đảm bảo quyền lợi cho những người chấp hành tốt Luật Giao thông và quản lý nghiêm những lái xe cố tình vi phạm, vi phạm Luật Giao thông nhiều lần”, anh Khôi bày tỏ suy nghĩ.

Còn lái xe tải Trần Ngọc Nam thì cho rằng, đi liền với việc triển khai quy định trừ điểm GPLX, cơ quan chức năng cũng cần quan tâm đến việc nâng cấp, cải tạo đường sá, hệ thống biển báo… để phù hợp và thuận lợi cho người tham gia giao thông.  Quy định trừ điểm GPLX có thể coi là một biện pháp quản lý nhà nước văn minh, hiện đại. Và, thay vì quản lý từng hành vi đơn lẻ, cơ quan nhà nước còn có thể theo dõi cả quá trình chấp hành luật của lái xe.

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, 9 tháng đầu năm 2020 (tính từ ngày 15/12/2019 đến 14/9/2020), toàn quốc xảy ra 10.354 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.876 người, bị thương 7.609 người. Trong đó riêng đường bộ xảy ra 5.849 vụ, làm chết 4.770 người, bị thương 3.106 người. Nhiều người kỳ vọng, quy định trừ điểm GPLX sẽ giúp các tài xế nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông từ đó kéo giảm tai nạn giao  thông.
Nguyễn Hương
.
.
.